Đại hội XIII: Thúc đẩy phát triển giá trị hạnh phúc, nhân quyền, dân chủ
1. Khát vọng ngàn đời: Độc lập, tự do, hạnh phúc
Trong lịch sử thế giới, sự phát triển của mỗi quốc gia đều bắt nguồn chính từ những khát vọng vươn lên trở thành một quốc gia dân tộc hùng cường, phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Việt Nam thì sao? Việt Nam chưa trở thành nước phát triển tiên tiến không phải do có ý tưởng khát vọng muộn màng. Ý tưởng thể hiện khát vọng cháy bỏng đó có trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng CSVN, đó là lý tưởng độc lập tự cường dân tộc, lý tưởng xây dựng nền dân chủ nhân dân. Đến nay, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, khi đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta bắt đầu tính đường dài với một lộ trình cụ thể hơn, với quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ hơn. Để đạt tới đích năm 2045 đất nước ta phát huy được khát vọng phát triển, thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội, cả Đảng và dân đều tham gia một cách tích cực nhất, đóng góp trí tuệ, sức lực của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để đến năm 2045 khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nước đạt trình độ phát triển cao, mọi người dân được “Hạnh phúc”.
Nhìn lại suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn có khát vọng được sống độc lập, khát vọng chủ quyền và cường thịnh dù trải qua thực tế luôn phải đương đầu với các thế lực. Lịch sử dân tộc Việt Nam cũng là lịch sử các cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Suốt hơn nghìn năm Bắc thuộc và mất chủ quyền, không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam đã thể hiện một bản lĩnh bản sắc đanh thép khẳng định khát vọng độc lập dân tộc mạnh mẽ, với tinh thần đấu tranh bất khuất, chúng ta không những không bị đồng hóa mà còn giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, giành lại được chủ quyền quốc gia.
Đến cuối thế kỷ XIX, một lần nữa dân tộc ta lại mất độc lập. Trải qua các cuộc đấu tranh với biết bao xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam đã đổ để đến năm 1945 để giành lại được độc lập dân tộc. Ngay sau khi giành được độc lập, ngay sau khi chính quyền cách mạng non trẻ ra đời đã phải đương đầu trước tham vọng xâm chiếm của các nước thực dân đế quốc lớn Pháp, Mỹ “tự nguyện” nhảy vào chi phối, thống trị và khai thác. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng trong 30 năm hiện thực hóa mục tiêu khát vọng thống nhất đất nước, giành lại hòa bình, độc lập tự do. Thế nhưng ngay lập tức, đất nước lại gặp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù trong giặc ngoài, bao vây cấm vận khiến cho kinh tế – xã hội suy thoái, lao đao.
2. Khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc
Chúng ta còn nhớ, ngay sau khi thống nhất đất nước, hòa bình lập lại, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế – xã hội. Nhân dân rơi vào cảnh đói khổ, thiếu thốn, ly tán, tha hương. Khát vọng trong thời kỳ này một cuộc sống ấm no, xã hội yên bình.
Năm 1986 đến những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, từ một nước khủng hoảng, trì trệ, hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khan hiếm, đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn, chúng ta đã thực hiện được khát vọng đưa Việt Nam thành một nước năng động, phát triển, chuyển đổi thành công sang cơ chế quản lý kinh tế mới, có mức tăng trưởng kinh tế cao, liên tục trong nhiều năm. Từ một quốc gia kém phát triển, ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều năm chiến tranh và bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã từng bước khẳng định uy thế, vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế.
Một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có khát vọng cường thịnh mạnh mẽ, đã phải vượt qua thời kỳ chiến tranh liên miên, thời kỳ đói khổ sau chiến tranh, thời kỳ khủng hoảng kinh tế xã hội… Giờ đây, khát vọng đặt ra từ Đại hội XIII của Đảng là dân tộc Việt Nam phải bứt phá vươn lên, cất cánh. Các nội dung của Đại hội XIII thể hiện đường hướng và kỳ vọng sẽ đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, sức bật mới và một lộ trình rõ ràng.
Có hai điểm nhấn mạnh hơn của Đảng về phát triển đất nước trong bối cảnh mới đó là: Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và đổi mới sáng tạo. Khát vọng thịnh vượng được khơi dậy mạnh mẽ hơn, truyền cảm hứng tới mỗi người dân Việt Nam với mục tiêu khát vọng rõ nhất là làm cho mọi người dân được hạnh phúc, đất nước phồn vinh.
Nhớ lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi cho Thầy và trò ngay ngày độc lập đầu tiên từ năm 1945 là dân tộc Việt Nam phải bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu. Đến thời điểm này, chúng ta tự hào khẳng định đất nước đang có được những điều kiện để thực hiện mục tiêu đó. Mục tiêu đến năm 2045, nước ta là nước phát triển, bình quân đầu người đạt 15 nghìn USD trở lên, sánh vai với năm châu cường quốc.
Có thể thấy, từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế – xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Tiếng nói của Việt Nam không còn là tiếng nói nhỏ bé nữa mà đã tham gia trực tiếp giải quyết các vấn đề mang tầm vóc thế giới. Vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định, thể hiện rõ nhất là chúng ta được bầu vào vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối; Chủ tịch luân phiên ASEAN và một loạt các vị trí quan trọng trên các diễn đàn quốc tế khác.
Hiện tại, với những thành tựu thần kỳ trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội và nhất là thành công trong phòng chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đang trở thành mảnh đất “thiên đường” nhiều người nước ngoài mơ ước được sinh sống.
3. Nguồn lực con người và giá trị nhân quyền
Để tiếp tục hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, con người là tài nguyên quý giá nhất và vô tận. Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại trong phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến việc đã đến lúc phải phát huy cao hơn nữa tiềm năng con người, giá trị vô giá mà chúng ta đang có. Khi đặt vấn đề khơi dậy khát vọng, làm sao để mỗi người trong xã hội, trong cộng đồng có ý thức phát huy cao nhất khả năng của mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc thì lúc đó một lời giải bài toán được xác định đầu tiên đó là quyền con người phải được phát huy tối đa.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu sinh thời từng nhận định Việt Nam là quốc gia đứng hàng đầu Đông Nam Á về yếu tố nguồn lực con người, và đó là nguồn tài nguyên dồi dào của đất nước. Minh chứng là những nhân vật kiệt xuất như nghệ sĩ Đặng Thái Sơn là người đầu tiên lập lên kỳ tích cho châu Á và trở thành một “huyền thoại” dương cầm của Việt Nam khi đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin; Việt Nam cũng là nước thứ hai châu Á, sau Nhật Bản, có người đạt giải Fields về toán học là GS. Ngô Bảo Châu…
Cho nên, những mục tiêu đặt ra trong Đại hội XIII thực chất là xoay quanh phát huy nguồn lực sức mạnh con người thành sức mạnh tổng hợp quốc gia và tôn trọng, phát huy những giá trị nhân quyền. Thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, triển khai biện pháp bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Một kết quả minh chứng điển hình là trong khuôn khổ Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ lần thứ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào năm 2019, đại đa số ý kiến các nước tham gia đông đảo đã đánh giá cao nỗ lực và thành tựu, ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam, cũng như là đưa ra các kiến nghị có tính chất xây dựng.
Cũng có một thực tế là khi đất nước ở vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, lại bộc lộ một hạn chế là quyền lực của một số cá nhân không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến việc quyền lực bị tha hóa, lợi dụng quyền lực, dân chủ để đem lại lợi ích cho cá nhân và cho nhóm lợi ích của mình. Hiện tượng tham nhũng, tham ô, lãng phí xuất hiện, không chỉ làm tổn hại đến bộ máy lãnh đạo của Đảng mà làm tổn thương đến lòng tin của người dân đối với Đảng. Bắt đầu có những suy nghĩ, dư luận tiêu cực xuất hiện trong một bộ phận nhân dân về người cán bộ. Công cuộc “đốt lò” để chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lãnh đạo đã xử lý nghiêm những vụ việc, con người lạm quyền, tham nhũng, gây tổn hại cho dân cho nước. Thành tích của công cuộc “đốt lò” cũng là một thành tựu bảo đảm cho xây dựng, phát huy nhân quyền, dân chủ của Việt Nam.
Đối với một số vụ việc như vụ án Đồng Tâm, khi chính quyền kiên quyết vào cuộc xử lý những kẻ phạm tội ác, vi phạm pháp luật để trả lại cuộc sống bình yên cho người dân. Những kẻ bịa đặt trắng trợn bao biện cho đối tượng chống phá, giết người thi hành công vụ, kích động người dân, không muốn cho ai được bình yên khi mà chúng “tay đã chúng chàm” thì cũng muốn vấy chàm cho người khác. Nhưng chúng đã ảo tưởng. Vụ án Đồng Tâm đã được đưa ra dưới ánh sáng công lý, giết người thì phải đền tội, chống phá thì phải được xử lý.
Tại các phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện sự ân hận, đồng thời mong muốn hưởng sự khoan hồng của pháp luật, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt chứ không kêu oan. Do đó, những hành động kích bác dư luận, bênh vực cho các bị cáo, phủ nhận hay xuyên tạc kết quả của phiên tòa thực chất chỉ là nhằm mục đích kích động, chống phá, gây rối xã hội.
Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm với 6 bị cáo, ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức vẫn bị án tử hình, Lê Đình Doanh án chung thân, Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù về tội giết người, Bùi Thị Nối 6 năm tù về tội chống người thi hành công vụ.
Án đã tuyên. Công lý đã được thực thi và những kẻ phạm tội phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đời sống của nhân dân Đồng Tâm đang ổn định. Bầu không khí làng quê Đồng Tâm lại yên bình, hiền hòa như vốn có, người dân tiếp tục lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, dựng xây quê hương.
Việc xử lý các đối tượng theo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, bảo đảm công bằng cũng góp phần vô hiệu âm mưu các thế lực thù địch, lợi dụng vụ việc Đồng Tâm để bóp méo sự thật, vu khống cho Đảng, chính quyền và nhân dân, nhất là trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới…
Từ lịch sử đến hiện tại, Việt Nam đã khẳng định khát vọng độc lập, phồn vinh, hạnh phúc cũng là quá trình thúc đẩy phát triển giá trị hạnh phúc, nhân quyền của mọi người dân. Họ đã khẳng định và tiếp tục khẳng định, mạnh mẽ và bền vững…/.
(HSV)