Sử dụng internet như thế nào để không bị “dính líu” đến pháp luật trước thềm bầu cử
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 được tổ chức vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021. Đây là sự kiện trọng đại của đất nước, có ý nghĩa quan trọng đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Thông qua Cuộc bầu cử để tiếp tục bầu ra những đại biểu tiểu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, củng cố hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đó là mục tiêu tối thượng và cao đẹp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang hiện thực hóa trong cuộc sống xã hội.
Thế nhưng, thời gian gần đây, các trung tâm phá hoại tư tưởng (BBC, RFA, VOA, RFI…), các thế lực thù địch và bọn phản động không ngừng lợi dụng mạng internet để tiến hành các hoạt động đăng tải, tán phát trên mạng internet hàng loạt bài viết, phỏng vấn tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại bầu cử ở nước ta, chúng lập ra trang website gần giống với địa chi trang website cổng thông tin điện tử của Quốc hội Việt Nam và trang Fanpage “Quốc hội – Việt Nam dân chủ 2021” để tán phát tài liệu xuyên tạc về bầu cử của nước ta như: “Thư giới thiệu Hiến pháp Việt Nam và Tổng tuyển cử quốc gia năm 2021”, “Pháp lệnh bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân địa phương”, “Giải trình Hiến pháp Việt Nam 2021 – Luật cơ bản lâm thời” (nhằm thay thế Luật số 85/2015/QH13 về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Hiến pháp 2013), “Thư kêu gọi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội”… với ý đồ lôi kéo thành viên, “tổ chức tuyển dụng”, “đào tạo” chuyên viên truyền thông để lôi kéo người dân chống phá bầu cử.
Có thể thấy thủ đoạn, hoạt động chống phá trên không gian mạng của chúng không có gì mới với việc lợi dụng thời điểm chính trị nhạy cảm để mở các chiến dịch tuyên truyền phá hoại nội bộ trên không gian mạng; ngụy tạo thông tin hoặc pha trộn thông tin thật – giả; tán phát các đường dẫn đến bài viết có nội dung bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; núp dưới các kiến nghị, lấy ý kiến nhân dân để gây sức ép với chính quyền về dân chủ, nhân quyền và xây dựng pháp luật; lợi dụng sở hở trong quản lý các trang mạng trong nước để tán phát nội dung phản động, kích động, gây rối, biểu tình… với mưu đồ hòng phá hoại Cuộc bầu cử sắp tới của đất nước ta, cụ thể hóa “cuộc cách mạng màu” và tiến tới lật đổ chế độ tại Việt Nam. Những hành vi đó suy cho cùng đều nằm ngoài lợi ích của nhân dân và phá hoại công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta.
Cho nên, để phòng tránh và không bị “dính líu” bởi các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật An ninh mạng, trước thời điểm diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, mỗi cá nhân khi tham gia sử dụng mạng internet cần phải xây dựng cho mình kiến thức an ninh mạng cơ bản, nhận thức rõ tính chất nguy hiểm về âm mưu, thủ đoạn lợi dụng internet xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, nhận diện những trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội hay đăng tải những thông tin xấu độc, cảnh giác, thận trọng, sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời có khả năng “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc, có ý thức ngăn chặn, phản bác cái xấu một cách có lý, có tình, thuyết phục.
Đối với những bài viết, video có nội dung xấu, độc được phát tán trên mạng, mỗi cá nhân cần lên tiếng phản bác hoặc hạn chế sự lan truyền của chúng bằng cách lựa chọn ẩn bài viết, báo Spam để quản trị mạng xử lý hoặc báo cáo cho các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định, không để các phần tử thù địch dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, gây ra những nhận thức sai lầm, bức xúc với chế độ, từ đó ủng hộ hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định tại Điều 8 của Luật An ninh mạng như: đăng tải, phát tán trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Quế Linh