“Dân chủ quá trớn” và những hệ lụy

Thời gian qua, một số báo, đài nước ngoài như RFA, RFI, VOA, BBC cùng các đối tượng trong và ngoài nước có lịch sử hoạt động chống đối Việt Nam, thường xuyên đăng tải các bài viết, clip trên mạng internet nhằm xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền trong nước. Nội dung chủ yếu thường tập trung xuyên tạc các vụ việc xử lý số đối tượng có hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Thông qua việc rêu rao các luận điệu như chính quyền xử lý các “nhà hoạt động dân chủ”, những ‘‘tù nhân lương tâm”, người “bất đồng chính kiến”… nhằm làm cho người dân nhận thức sai lệch về bản chất của sự việc. Vậy đâu là sự thật?

Vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn là đề tài nóng, thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có quy định về tự do, dân chủ, nhân quyền khác nhau. Ở Việt Nam, vấn đề quyền con người đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013. Thực tế thời gian qua cho thấy tất cả những người dân không phân biệt thành phần xã hội đều được Nhà nước bảo hộ các quyền cơ bản, bất kỳ ai xâm phạm những quyền tự do, dân chủ của con người đều bị xử lý theo quy định pháp luật.

Các nhà phân tích cho rằng, xã hội phương Tây đã có quá trình xây dựng và phát triển nền “tự do”, “dân chủ”, nhưng đến nay đã bộc lộ một vấn đề không còn phù hợp, gọi là “dân chủ quá trớn”. Khi các quốc gia này nhìn nhận Việt Nam thì lại cho rằng Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, theo 02 kiểu như sau:

Thứ nhất: Lợi dụng một số biểu hiện “dân chủ quá trớn” ở nước ngoài để quy chụp vào trong nước. Nhưng những kiểu “dân chủ quá trớn” đó không phù hợp với tình hình xã hội Việi Nam, thậm chí đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Chúng ta không thể chấp nhận những kiểu tự do, dân chủ như: Người Mỹ da trắng kỳ thị, thù ghét người Mỹ gốc Á, hay là việc tự do sử dụng vũ khí dẫn đến các vụ khủng bố, xả súng đẫm máu.

Thứ hai: Đánh đồng quyền tự do, dân chủ với hành vi phạm tội, làm cho những người nhẹ dạ lại càng cả tin. Cụ thể chúng cho rằng việc Nhà nước xử lý số đối tượng phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, “tuyên truyền chống Nhà nước” hay “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” là vi phạm dân chủ, nhân quyền… thật trơ trẽn!

Nói đến tự do, dân chủ, không ít người sẽ liên tưởng ngay đến nước Mỹ, một đất nước được nhiều người cho là “thiên đường”. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cũng sẽ không bao giờ cho phép tự do, dân chủ vượt qua pháp luật. Như nước Mỹ đã xử lý nghiêm khắc Bradley Manning 35 năm tù giam, do đã tiết lộ các đoạn video của các cuộc không kích Baghdad và một số thông tin khác qua WikiLeaks; Edward Snowden phải trốn sang Nga tị nạn vì đã tiết lộ việc Chính phủ Mỹ do thám các hoạt động internet của người dân và các quan chức Chính phủ của các quốc gia khác, trong đó gồm cả các nước đồng minh. Vừa qua, nhà trắng cũng đã mạnh tay với những phần tử lợi dụng “quyền biểu tình” thông qua việc ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump để bạo loạn ở Đồi Capitol. Gần đây nhất, xu hướng kỳ thị người Mỹ gốc Á đang gia tăng đến mức đáng báo động, làm cho nhiều người “vỡ mộng” về xã hội thiên đường nước Mỹ.  Cụ thể, thông tin 33 người Việt bị trục xuất khỏi nước Mỹ khiến cho nhiều người giận dữ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Nằm trong số những người bị trục xuất, có những người đã đến Mỹ từ những năm 1980, sau nhiều năm ở trong các trại tị nạn.

Ngoài ra, hiện nay rất nhiều người gốc Á trong đó có người Việt bị kỳ thị, đối xử tệ bạc, thậm chí cảm thấy lo sợ mỗi khi ra khỏi nhà. Câu chuyện được cộng đồng người Mỹ gốc Á kể lại: Một người đàn ông Mỹ gốc Á đang ăn trưa ở một nhà hàng ở California, bị một người phụ nữ Mỹ da trắng lại gần, nhổ nước bọt và nói “Hãy cút về nước mình đi”; tại quán cà phê ở Florida, nhiều khách rời đi khi một người gốc Á vừa ngồi xuống; nghiêm trọng hơn, một cụ ông gốc Á 84 tuổi đã bị một thanh niên 19 tuổi tấn công ở San Francisco và sau đó đã qua đời… Theo số liệu được cơ quan chức năng của Mỹ tổng hợp, trong năm 2020, nước Mỹ đã ghi nhận 3800 hành vi thù ghét và đôi khi là bạo lực đối với người Mỹ gốc Á. Theo Trung tâm nghiên cứu về hận thù và chủ nghĩa cực đoan tại Đại học bang California, tội ác thù ghét nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng lên tới 149% vào năm 2020.

Luật pháp là tổng thể các quy tắc ứng xử có tính bắt buộc chung nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Công dân có quyền thể hiện quan điểm cá nhân của mình nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật. Do đó khi tiếp nhận thông tin từ các đài, báo nước ngoài, trên mạng internet, chúng ta cần phải phân biệt được đâu là sự thật, đâu là thông tin xuyên tạc, bịa đặt để có cái nhìn đúng đắn hơn.

MA TRUNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.