Tỉnh táo, cẩn trọng khi tham gia các mạng xã hội mới
Với mưu đồ thâm độc nhằm mở rộng địa bàn chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, cũng như không yên tâm về các hoạt động xử lý tin giả của Facebook, gần đây việc “di cư” đến các mạng xã hội mới nổi như Parler, GAB hay MeWe,… đã được một số “nhà dân chủ cuội” khuấy động, tạo ra ảo tưởng rằng đây là các nền tảng “cởi mở, bảo vệ quyền tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, đó chỉ là chiêu trò lừa bịp hòng lôi kéo những ai vì ngây thơ sa vào những ma trận thông tin xấu, độc đã được giăng sẵn.
Sau hàng loạt các bê bối vì không thể kiểm soát được nạn tin giả về đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cùng nhiều chủ đề khác, trước áp lực của dư luận xã hội và chính cộng đồng người sử dụng Facebook buộc phải tiến hành một số biện pháp nhằm duy trì tiêu chuẩn cộng đồng mà vốn lâu nay mạng xã hội này như xem nhẹ, bỏ qua. Và kết quả tất yếu là Facebook đã khóa, xóa bỏ nhiều bài viết, tài khoản cá nhân, kênh truyền thông thường xuyên đăng tải thông tin sai sự thật, gây hiểu nhầm. Trên thực tế, Facebook không phải mạng xã hội duy nhất siết chặt quản lý nội dung và người dùng trong thời gian qua, vì Twitter, YouTube cũng có các động thái tương tự. Dù vậy, như mọi lần, các quyết sách của Facebook chỉ mang tính tình thế chứ không xuất phát từ sự cầu thị, nỗ lực khắc phục triệt để vấn nạn để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn cộng đồng như họ vẫn quảng cáo. Hơn thế nữa, nhìn lại cả quá trình dài mà những nền tảng mạng xã hội lớn đã dung túng cho người sử dụng thoải mái đăng tải, chia sẻ các nội dung khủng bố, bạo lực, dâm ô, sai sự thật trong nhiều năm qua, thì chỉ có thể xem đây là một giải pháp muộn màng nhằm tránh áp lực từ các chính phủ, trấn an cộng đồng người dùng lành mạnh. Do đó, phần lớn các đối tượng xấu chuyên đăng tải tin tức sai sự thật vẫn “bình yên vô sự” trên Facebook mà gần như không phải chịu bất kỳ một trừng phạt nào. Tuy thế, vốn quen thói “vừa đánh trống, vừa la làng”, những nhà dân chủ “tự xưng” không ngần ngại trở mặt sinh sự, đổ lỗi cho Facebook, Twitter hay YouTube, thậm chí là Chính phủ Việt Nam, thay vì thừa nhận các thông tin dối trá của chính họ. Đỉnh điểm của trò hề này là kêu gọi tẩy chay Facebook, chuyển tới một số mạng xã hội mới như Parler, GAB, MeWe và các ứng dụng nhắn tin như Telegram, Signal, sau khi nghe lời mời chào đây là các “nền tảng bảo vệ tự do” và “quyền tự do ngôn luận”. Song chỉ sau một thời gian ngắn, dường như mắc hội chứng mất trí nhớ tạm thời, nhiều nhà dân chủ “cuội” lại tiếp tục đăng đàn trên Facebook mà quên bẵng “ngôi nhà mới” của họ trên các mạng xã hội khác. Điều đó dấy lên câu hỏi liệu các mạng xã hội mới có phải là các nền tảng ưu việt thật sự, hay chỉ là nơi dung túng một vài đối tượng xấu thỏa thuê phát ngôn, đăng tải những nội dung xấu, độc mà không phải chịu trách nhiệm?
Thực tế, không phải ngẫu nhiên mà một bộ phận các nhà “dân chủ cuội” tại Việt Nam lại hào hứng với việc “chuyển nhà” tới các mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn kém tên tuổi như Parler, GAB, MeWe, Telegram, Signal,… và đặc biệt là SafeChat. Lý do đơn giản là các trang này cam kết để người dùng có thể đăng tải mọi nội dung, hình ảnh, vi-đê-ô mà gần như không phải chấp hành quy tắc hoặc tiêu chuẩn gì. Nhờ vậy mà nhiều tài khoản, trang tin xấu, độc, đồi trụy đã mặc sức hoành hành. Thí dụ, tìm bằng tiếng Việt trên SafeChat là đập vào mắt người dùng hàng loạt trang tin giả từng được nhiều cơ quan báo chí trong nước và quốc tế chỉ đích danh, đã bị Facebook xóa bỏ. Trong khi đó, một số đối tượng như Lê Dũng Vova (tức Lê Văn Dũng – người nhiều lần bị cơ quan công an gửi giấy triệu tập làm việc vì “liên quan đến tin báo về tội phạm của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an”), Nguyễn Văn Đài (kẻ đã bị kết án vì có hành vi Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hiện sinh sống tại Đức) lại chọn SafeChat để lưu trữ thông tin thất thiệt của họ nếu bị Facebook, YouTube xóa bài do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Không hề kém cạnh SafeChat, MeWe cũng chấp thuận để hàng loạt tài khoản đăng tin giả mạo, thậm chí còn đồng thuận với tài khoản giả danh người nổi tiếng bất chấp việc kẻ giả danh liên tục mời chào người dùng nhấn vào các đường link không rõ nguồn gốc, chứa nội dung xấu, độc và lừa đảo.
Vì dung túng người dùng đăng tải các nội dung lệch lạc, phản cảm, kích động mà nhiều mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn trong danh sách nêu trên đã và đang bị chính các kho ứng dụng công nghệ cũng như chính phủ một số quốc gia cảnh báo, khởi kiện và cấm cửa. Chẳng hạn như ứng dụng tin nhắn Telegram đã bị cấm, hạn chế quyền truy cập tại Nga, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Thái-lan,… vì dung túng cho các hoạt động phạm tội nghiêm trọng như: khủng bố, bạo lực, tội phạm tình dục, gây rối trật tự công cộng… Tương tự, mạng xã hội Parler bị hai hãng Google và Apple xóa khỏi kho ứng dụng vì bị cáo buộc là trung tâm đăng tải các thông tin kích động biểu tình bạo loạn tại Mỹ vào cuối năm 2020. Nhưng cố tình gạt bỏ những vấn đề pháp lý sẽ gặp phải, nhiều mạng xã hội vẫn ra sức “vơ vét” người dùng bằng mọi thủ đoạn có thể. Trong đó, có cả chiêu trò phát hành tiền điện tử theo hình thức đa cấp với mức lãi suất “trên trời” nếu người dùng câu kéo thêm các thành viên mới gia nhập. Bên cạnh đó, tiếp thị cho họ còn là những chiến dịch “truyền thông bẩn” từ những kênh thông tin, fanpage và tài khoản đã bị Facebook xóa sổ, hạn chế như Epoch Times Tiếng Việt, DKN Tiếng Việt. Nhìn từ số liệu tăng trưởng gần đây của một số ứng dụng như SafeChat hay MeWe, có thể thấy các nền tảng mạng xã hội này đã phần nào đạt được mục đích. Tuy nhiên sau các thống kê có vẻ “nhảy vọt”, vẫn chỉ là các mạng xã hội, dịch vụ tin nhắn được thiết kế giao diện nghèo nàn, khó truy cập, người dùng trực tiếp thưa thớt, nội dung chủ yếu lặp lại đề tài “chống cộng” bằng tin vịt như nhan đề của bài viết trên một mạng của các thế lực thù địch. Tác giả bài này dành cho đồng bọn những lời chế giễu: “tin vịt cũng được những người chống cộng sử dụng. Tin vịt đáng nhớ nhất của những người này là vụ Hiệp ước Thành Đô. Theo đó, vào năm 2020, Việt Nam chính thức trở thành một tỉnh của Trung Quốc do những người cộng sản đã ký hiệp ước ấy nhưng rõ ràng là điều đó đã không xảy ra (…). Ngoài ra còn có cả những tin vịt về Covid-19, chẳng hạn như nói rằng, báo chí Mỹ ngụy tạo ra dịch Covid-19, số người chết quá nhiều ở Mỹ do Covid-19 là không có thật, hay Covid-19 là vũ khí vi trùng nguy hiểm, tung ra để tiêu diệt Mỹ và cả thế giới, đủ loại tin trời ơi đất hỡi (…). Các nơi sản xuất tin vịt hải ngoại chủ yếu là từ các kênh YouTube. Các kênh này lại khai thác tin vịt từ các trang tin vịt của giới cực hữu Mỹ, nhưng nhiều nhất là các trang thuộc giáo phái Pháp luân công qua các kênh như Epoch Times Tiếng Việt; Đại Kỷ Nguyên, Trí thức VN, Tân đường nhân (…). Những người này (khi bị khóa tài khoản Facebook) chạy qua mạng xã hội Parler, nơi có nhiều tin vịt tung ra từ những nhóm cực hữu, nhưng trang này cũng đã bị Amazon, Google và Apple vô hiệu hóa”!
Nhìn lại quá khứ, sẽ thấy một điểm chung: Parler, SafeChat, MeWe hay Telegram đều đang sa vào vết xe đổ mà mạng xã hội Minds từng mắc phải năm 2018. Tại thời điểm đó, nhờ hai cáo buộc vô căn cứ “Facebook đang bị buộc gỡ tài khoản, nội dung theo yêu cầu chính quyền” và “Luật An ninh mạng bóp nghẹt tự do trên Facebook“, vì thiếu hiểu biết mà hàng nghìn người dùng Việt Nam đã vội vàng đăng ký sử dụng mạng xã hội Minds. Họ cố tình bỏ ngoài tai chính phát ngôn của Facebook về việc xử lý các bài viết vi phạm. Khi ấy, một số đối tượng như Phạm Đoan Trang (hiện bị khởi tố hình sự về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999, và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015) từng khuếch khoác trên trang cá nhân rằng: chuyển sang Minds để cho Facebook thấy kết cục của sự hợp tác với Nhà nước Việt Nam là thiệt hại về uy tín và kinh tế. Song chỉ được vài tháng, cô ta cùng đám người thân cận cùng lẳng lặng rời bỏ Minds, tiếp tục trở về với Facebook để “rạch mặt ăn vạ” bằng các mánh cũ rích như: tài khoản bị khóa, bài viết tự nhiên bị xóa, nội dung không thể hiển thị, bị tin tặc cướp quyền truy cập…?! Thời gian qua, chiêu trò ấy lại tái diễn dưới hình thức “bình mới rượu cũ” khiến một đối tượng đã từng có thời bất mãn chế độ buộc phải lên tiếng cảnh tỉnh: “Bà con hy vọng các mạng xã hội này tự do hơn, muốn nói gì thì nói. Nhưng bình tĩnh hơn chút, mọi người sẽ nhận ra là khó có nơi nào như vậy. Các mạng xã hội nhỏ ban đầu vì hút khách và thiếu khả năng duyệt nên người dùng có thể tự do đăng bài với đủ mọi nội dung kể cả tin giả hay kích động bạo lực. Tuy nhiên để những chuyện như vậy tồn tại lâu thì chắc chắn các mạng xã hội sẽ mất dần khách bởi tự do không kiểm soát của người này sẽ xâm phạm tự do của người kia”.
Khi chất lượng của Facebook, YouTube, Twitter như có xu hướng ngày một đi xuống thì nhu cầu được sử dụng các nền tảng mạng xã hội mới với các ưu điểm như: môi trường lành mạnh, an toàn, hướng tới sự phát triển cộng đồng là ước muốn chính đáng của người dùng cần được đón nhận và ủng hộ. Để giải bài toán đó, nhiều mạng xã hội tại Việt Nam và trên thế giới đã ra đời, thử nghiệm, phần nào nhận được sự tin tưởng từ cộng đồng mạng. Nhưng một số người trong xã hội, với các động cơ, mục đích khác nhau lại đang cố gắng hủy hoại các ứng dụng mạng xã hội, tin nhắn di động khi cố tình biến chúng thành những trung tâm gieo rắc, phát tán tin tức sai sự thật, kích động bạo loạn, khủng bố, kỳ thị sắc tộc, giới tính… Hô hào rất to về quyền tự do biểu đạt song trên thực tế, họ lại hành động theo nguyên tắc luôn phủ nhận và chối bỏ sự thật, kéo bè kéo lũ và hung hãn bóp nghẹt những tiếng nói ngược chiều với họ. Những bài viết, thông tin, hình ảnh giả dối mà họ đăng tải, chia sẻ là những liều thuốc độc không chỉ trực tiếp gây hại đối với người tiếp xúc, mà còn làm tổn hại lợi nhuận, ảnh hưởng xấu đến uy tín, phá vỡ hệ giá trị nhân văn mà các mạng xã hội cam kết khi mang tới cho người sử dụng dịch vụ. Vì thế, từ góc độ nào thì với các mạng xã hội hiện nay, những người đó mới chính là kẻ thù của tự do ngôn luận và các quyền con người phổ quát khác.