Tuy nhiên, trong một phạm vi hẹp, vẫn còn những tiếng nói, dư luận lạc lõng, trái chiều, cho rằng bản án là sự “gượng ép, chủ quan” hòng làm lung lạc lòng người. Chúng tôi có dịp theo dõi vụ việc từ lúc manh nha cho đến khi vụ án xảy ra ngày 9-1-2020 và diễn biến phiên tòa xét xử các bị cáo từ ngày 7 đến 14-9-2020, vì vậy sẽ cung cấp tới bạn đọc một số thông tin để chúng ta hiểu đúng về bản chất vụ án.

Bài 1: Sự ám muội trong nhận thức của một số người ở xã Đồng Tâm

Cần hiểu rõ về nguồn gốc diện tích đất xây dựng sân bay Miếu Môn

Theo tài liệu hiện đang lưu giữ tại các cơ quan chức năng thì toàn bộ diện tích đất trong khu vực sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng. Nói thế là vì, căn cứ vào Quyết định số 113/TTg ngày 14-4-1980 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 386/QĐ-UB ngày 10-11-1981 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Sơn Bình (cũ); Quyết định số 5383/QĐ-UB ngày 20-10-2014 của UBND TP Hà Nội đã xác định toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng và được các đơn vị quân đội sử dụng liên tục vào mục đích quốc phòng. Khu đất này ban đầu được Chính phủ quyết định thu hồi có diện tích 208ha, trong đó có 47,36ha thuộc Hợp tác xã (HTX) Đồng Tâm. Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh Hà Sơn Bình, các cơ quan, đơn vị địa phương đã phối hợp bàn giao, cắm mốc giới trên thực địa. Diện tích đất nói trên ban đầu được xác lập bởi 16 mốc giới trên thực địa, có sự chứng kiến, ký nhận của đại diện chính quyền các xã liên quan, gồm: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức (sau đó các mốc giới được tăng dày thêm 41 mốc, thành 57 mốc, được xác định bởi các tọa độ theo quy chuẩn của Nhà nước).

 Để bảo đảm tiến độ thi công công trình giai đoạn 1, từ ngày 28-8-1981 đến 25-9-1982, UBND xã Đồng Tâm đã bàn giao cho Binh chủng Công binh (đơn vị trực tiếp thi công công trình) được 34,06ha đất. Diện tích còn lại là 13,3ha, do Binh chủng Công binh chưa thi công tới nên vẫn do HTX Đồng Tâm tạm thời quản lý, sử dụng. Trải qua một thời gian dài, do công tác quản lý của địa phương bị buông lỏng nên việc canh tác, chuyển nhượng của một số người dân trên khu đất đã diễn ra, tạo ra sự phức tạp trong công tác quản lý. Năm 2012, Xí nghiệp đo đạc bản đồ thuộc Bộ Quốc phòng tiến hành đo đạc lại toàn bộ khu đất dựa trên các mốc giới đã được cắm tại thực địa và đã được đại diện chính quyền các xã xác nhận, ký kết, bàn giao từ năm 1982 cho Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ). Kết quả đo đạc dựa trên các mốc giới thì diện tích đất sân bay Miếu Môn là 236,7ha, nhiều hơn so với diện tích được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 113/TTg ngày 14-4-1980 là 28,7ha. Diện tích tăng thêm này chính là diện tích thuộc huyện Chương Mỹ, bị ảnh hưởng do thi công không sản xuất được và cũng là diện tích nằm trong phạm vi quy hoạch giai đoạn 2 của sân bay Miếu Môn. Từ thực tế này, ngày 20-10-2014, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 5383/QĐ-UBND về việc giao toàn bộ 236,7ha đất thuộc các xã: Lương Mỹ, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cho Quân chủng PK-KQ để tiếp tục sử dụng cùng với các công trình đã xây dựng làm vị trí đóng quân của các đơn vị. Trước yêu cầu mới về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, ngày 27-3-2015, Bộ Tổng Tham mưu ban hành Quyết định số 551/QĐ-TM, quyết định thu hồi 50,03ha đất do Quân chủng PK-KQ đang quản lý tại sân bay Miếu Môn, giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội-Viettel) để xây dựng công trình nằm trong dự án quốc phòng. Trong số diện tích thu hồi, có 32,57ha thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. Ngày 24-3-2016, Quân chủng PK-KQ tiến hành bàn giao khu đất trên thực địa cho Tập đoàn Viettel theo quy định của Bộ Quốc phòng để thi công các công trình nằm trong dự án quốc phòng.

Sơ lược như trên có thể thấy, nguồn gốc, lịch sử khu đất sân bay Miếu Môn, trong đó có một phần diện tích đất thuộc địa phận hành chính của xã Đồng Tâm từ năm 1980 đã được xác định là đất quốc phòng. Vì vậy, sự đòi hỏi vô lý của một số người, hòng chiếm đoạt đất quốc phòng làm của riêng là rất khó chấp nhận.

Nhận thức lệch lạc dẫn đến đòi hỏi vô lý

Khi đơn vị đo đạc của quân đội tiến hành đo đạc lại diện tích đất sân bay Miếu Môn dựa trên các mốc giới tại thực địa thì cũng là lúc một số đối tượng ở thôn Hoành, do ông Lê Đình Kình (sinh năm 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đứng đầu, nhóm họp bàn cách chiếm lại một phần đất thuộc khu vực sân bay Miếu Môn. Phần đất các đối tượng có ý định chiếm giữ thuộc địa bàn hành chính xã Đồng Tâm (còn gọi là đất đồng Sênh). Năm 2013, ông Kình chính thức lập ra một nhóm gọi là “tổ đồng thuận” với danh nghĩa “chống tham nhũng” để “đấu tranh” đòi lại đất ở đồng Sênh. Các đối tượng chủ chốt trong “tổ đồng thuận” ngoài Lê Đình Kình còn có: Lê Đình Công (con trai ông Kình), Bùi Viết Hiểu (sinh năm 1943) đều trú tại thôn Hoành. Bản thân ông Lê Đình Kình khi còn giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm và Bùi Viết Hiểu khi còn giữ chức Chủ nhiệm HTX Đồng Tâm giai đoạn 1981-1982 cũng đã biết rõ và đã tham gia, chứng kiến việc giao, nhận đất giữa UBND xã Đồng Tâm với Bộ tư lệnh Công binh (đơn vị đảm nhiệm thi công công trình). Do đó, họ biết rất rõ khu đất đồng Sênh từ năm 1980 đã là đất quốc phòng. Nhưng với tư duy cố chấp và lòng tham nổi lên, lại được sự hô hào, hậu thuẫn của một số kẻ được cho là có hiểu biết nhất định về pháp luật nên “tổ đồng thuận” do ông Kình cầm đầu đã có những hành động vượt qua lằn ranh của pháp luật, trái với lương tâm của những công dân chân chính. Họ không chỉ đòi hỏi chiếm giữ 32,57ha đất đã bàn giao cho Tập đoàn Viettel (thuộc địa phận hành chính xã Đồng Tâm) mà còn nâng số diện tích lúc thì là 49ha, lúc thì lên 59ha, thậm chí ông Kình còn khẳng định một cách vô căn cứ: Diện tích đất của xã Đồng Tâm trong khu vực sân bay Miếu Môn là… 106ha để kích động người dân. Trong khi đó, các cứ liệu đo đạc đã xác định rõ tại Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra TP Hà Nội là: …Toàn bộ diện tích 239,9ha đất thuộc sân bay Miếu Môn, gồm: Nông trường Lương Mỹ 130,74ha; HTX Hữu Văn 1ha; HTX Trần Phú 45,8ha; HTX Đồng Tâm 47,36ha; K66, Bộ tư lệnh Pháo binh 5ha; HTX vôi đá Trần Phú 2ha; Xí nghiệp vôi đá Miếu Môn 3ha và Xưởng A31, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ là 5ha…

Khi Tập đoàn Viettel tiến hành thi công công trình, các đối tượng trong “tổ đồng thuận” tìm mọi cách lôi kéo, ép buộc một số người dân thôn Hoành cùng tham gia. Thậm chí họ còn hứa “nếu đòi được đất đồng Sênh thì sẽ chia cho những người tham gia đấu tranh và đi theo “tổ đồng thuận”. Chính từ những lời hứa này đã khơi gợi lòng tham của một số người, khiến cho không ít người ở thôn Hoành nghe theo lời xúi bẩy của “tổ đồng thuận” tập trung đông người, tạo áp lực, thậm chí cản trở các hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Do đó, khi Tập đoàn Viettel thi công công trình, “tổ đồng thuận” do ông Kình đứng đầu đã huy động lực lượng, thường xuyên tập trung tại khu đất 32,57ha, gây rối, cản trở các hoạt động thi công. Thậm chí họ còn tự đo đạc, phân lô, thuê máy cày, máy xúc để san lấp đất, rồi tự ý giao cho một số hộ dân gieo trồng trên khu đất đang thi công. Mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền địa phương liên tục vận động, phân tích, nhưng “tổ đồng thuận” vẫn bỏ ngoài tai. Dường như mối lợi từ khu đất, kết hợp với sự kích động của một số người cả trong và ngoài nước đã xóa nhòa sự nhận thức về đúng-sai của họ, dần tha hóa và đẩy những người trong “tổ đồng thuận” và một số người nhẹ dạ cả tin ở thôn Hoành vào vòng lao lý.

(còn nữa)

TRẦN VŨ/QĐND