Đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài, người thầy của cách mạng Việt Nam. Người là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Di sản tư tưởng Người để lại có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.
Thế nhưng, gần đây, trên Internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động gửi đến nhiều tổ chức, cá nhân những tài liệu có nội dung được trích dẫn từ chính các câu nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng đã được cắt xén có chủ ý, làm sai lệch nhằm hướng người đọc theo dụng ý của người viết, với chủ ý xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng của Người. Đơn cử tài liệu “Việt Nam nhất định phát triển” khi lãnh đạo và cả dân tộc đồng lòng “Xây dựng một nước Việt Nam” của Viện Thinktank SENA (tháng 11-2020) là một ví dụ.
Thứ nhất, tài liệu đưa ra dẫn chứng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đề cập đến mục tiêu xây dựng “Một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, để cho rằng “Mục tiêu của Bác Hồ” không phải là “thực hiện thành công CNXH” ở Việt Nam. Điều này hoàn toàn không đúng với thực tế bởi lẽ, ngay khi đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo, đã nêu rõ chủ trương của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Hơn nữa, mục tiêu xây dựng nước Việt Nam như trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực chất là thực hiện những nội dung căn bản trong quan điểm của Người về CNXH. Bởi theo Người, CNXH là làm sao cho dân giàu, nước mạnh; đồng bào sung sướng; nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tuy không nhắc đến cụm từ CNXH nhưng các nội dung mà Người đề cập về xây dựng đất nước Việt Nam trong Di chúc chính là mục tiêu, nội dung mà quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam hướng tới, hoàn toàn không như những gì mà “tài liệu” đã trình bày.
Thứ hai, “tài liệu” đã trích dẫn, bình luận các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không đầy đủ, không đặt trong điều kiện cụ thể. Chẳng hạn, từ năm 1919, trong bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Véc-xây (Pháp) đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh để thay thế bằng các đạo luật. Theo đó, năm 1922, Nguyễn Ái Quốc phát hành bản “Việt Nam yêu cầu ca”, chuyển thể nội dung Bản yêu sách thành ca dao và yêu sách thứ 7 đã chuyển thành 2 câu thơ lục bát “Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Thực chất của 2 câu thơ này là Người muốn đề cập đến việc phải thượng tôn pháp luật trong quản lý xã hội thay cho các sắc lệnh. Tuy nhiên, “tài liệu” lại chỉ dẫn ra vế thứ 2 và cho rằng, theo Nguyễn Ái Quốc “Trăm điều phải có thần dân pháp quyền” và bình luận sai lệch theo hướng tôn giáo hóa vấn đề.
Đây là điều rất nguy hiểm, bởi nó đã lợi dụng niềm tin vững chắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Chủ tịch Hồ Chí Minh để dẫn ra những câu nói, câu viết của Người nhưng đã cắt xén, làm sai lệch nội dung. Điều đó làm cho người ít nghiên cứu về Hồ Chí Minh cùng với bản lĩnh không vững vàng sẽ dễ tin theo, dễ bị lôi kéo, chia rẽ, kích động, gây hoang mang, làm suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Chúng ta khẳng định, đây là một trong những thủ đoạn chống phá hết sức thâm độc của các thế lực thù địch.
Trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai thực hiện Kết luận 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cũng là lúc các thế lực xấu tăng cường xuyên tạc tư tưởng của Người. Vì vậy, cần làm tốt công tác quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và tăng cường đấu tranh, vạch trần, bác bỏ âm mưu, thủ đoạn nhằm xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nêu cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguồn: Báo An Giang