Thực tế tình hình tôn giáo của Việt Nam phủ nhận mọi cáo buộc thiếu khách quan!
Mới đây, RFA, Việt Nam Thời Báo và hàng loạt các trang của các tổ chức thiếu thiện chí, thù địch với Việt Nam đồng loạt loan tin và hả hê trước việc Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đòi đưa Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) về tự do tôn giáo. Đây không phải lần đầu tiên tổ chức này đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Trong bản báo cáo năm nay, USCIRF tiếp tục cố tình lờ đi sự thật mà đưa ra các nhận định thiếu khách quan, phiến diện và có tính quy chụp liên quan đến việc Việt Nam quản lý chặt chẽ các nhóm tôn giáo mới, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật… Vậy sự thật thì sao?
Sự thật là, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Chính sách này đã được cụ thể hóa bằng pháp luật và bảo đảm trên thực tế. Điều 24 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Sự thật là, USCIRF đang cố tình không nhìn nhận thực tế “biết nói” về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Đó là, hiện nay Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự; 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân; đặc biệt, nhiều hoạt động, sự kiện tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam trong thời gian qua như: Kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)… Ở Tây Nguyên (nơi mà USCIRF cho rằng Việt Nam đang kiềm chế, đàn áp không cho tôn giáo hoạt động và cộng đồng đạo Tin lành dân tộc thiểu số ở đây bị chính quyền “sách nhiễu, giam giữ”) là địa bàn hoạt động của nhiều loại hình tôn giáo, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài với tổng số khoảng trên 2,3 triệu tín đồ, chiếm 34,7% dân số, đó là chưa kể những người theo các tín ngưỡng truyền thống khác. Đến tháng 12/2020, số lượng tín đồ đạo Tin Lành ở 5 tỉnh Tây Nguyên là gần 530.000 người, 96,6% trong số đó là người dân tộc thiểu số; trên 1,1 triệu tín đồ Công giáo sinh hoạt ở 3 giáo phận Kon Tum, Đà Lạt và Buôn Ma Thuột; khoảng 600.000 tín đồ Phật giáo và 22.000 tín đồ đạo Cao Đài. Ngoài ra, ở Tây Nguyên hiện đang tồn tại hàng chục hiện tượng tôn giáo mới với nguồn gốc xuất xứ, phạm vi và nội dung hoạt động, mức độ ảnh hưởng cũng như xu hướng phát triển khác nhau thu hút một số lượng khá lớn người tin theo, trong đó có các tổ chức cực đoan, ly khai nhân danh “hiện tượng tôn giáo mới” vào thời kỳ cao điểm lôi kéo được hàng nghìn người tham gia, sinh hoạt tại nhiều địa phương. Các hiện tượng tôn giáo mới có mặt ở Tây Nguyên trong những năm gần đây đã làm cho bức tranh tôn giáo ở Việt Nam nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng vốn đã đa dạng lại càng trở nên đa dạng hơn nữa…
Một sự thật nữa là, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân tôn giáo”, “tù nhân lương tâm”. Những kẻ mà USCIRF gọi là “tù nhân tôn giáo”, “tù nhân lương tâm” thực chất đều là những kẻ chuyên núp bóng, lợi dụng tự do tôn giáo để chống phá chính quyền, kích động nhân dân, thực hiện nhiều hành động đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc. Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì phải bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.
Việc USCIRF cố tình lờ đi thực tế khách quan mà tung ra các thông tin, nhận định phiến diện, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo tại Việt Nam chính là cái cớ để các phần tử cơ hội, tổ chức thù địch bám vào để bôi đen tình hình tôn giáo ở Việt Nam, kích động phá hoại đất nước. Điều đó là không thể chấp nhận, cần phải bị lên án!
Quỳnh An