Đến bao giờ Tổ chức Ân xá quốc tế mới thôi can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam?

Mới đây, các nhà đài thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, RFI, BBC… đồng loạt loan tin hôm 01/12 vừa qua, Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International – AI) vừa đưa ra bản phúc trình báo cáo dài hơn 70 trang có tựa đề “Let us Breathe!” (Hãy để cho chúng tôi thở!). Tựa đề bản báo cáo này không khỏi làm chúng ta liên tưởng đến tiếng van xin đầy thảm thiết của George Floyd – người đàn ông da màu bị một cảnh sát da trắng chèn chân lên cổ đến chết gây rúng động nước Mỹ vào cuối tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, nội dung bản báo cáo này lại là một câu chuyện khác. Vẫn với cái nhìn méo mó, phiến diện, AI đưa ra những cáo buộc chủ quan, xuyên tạc và không có gì mới mẻ về tình hình dân chủ, nhân quyền nói chung cũng như tình hình thực hiện quyền tự do ngôn luận nói riêng ở Việt Nam.

Đến bao giờ Tổ chức Ân xá quốc tế mới thôi can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam?

Theo tổ chức này, “với việc các đại tập đoàn công nghệ số thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam để được tiếp tục hoạt động tại thị trường hứa hẹn này” đã “báo động tình trạng các dịch vụ trên mạng của Facebook và Google đang trở thành nơi mà quyền tự do ngôn luận ngày càng bị xâm phạm một cách ngang nhiên” và tổ chức này nhấn mạnh “việc nhiều đại tập đoàn kỹ thuật số tiếp tay cho chính quyền kiểm duyệt trên mạng diễn ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam tiến hành đàn áp tự do ngôn luận một cách có hệ thống, với việc “hình sự hóa” nhiều phát biểu trên mạng, dựa trên các điều luật mơ hồ, hành hung, hăm dọa những người bất đồng chính kiến, tổ chức lực lượng dư luận viên nhằm “giám sát, quấy nhiễu” những người bất đồng chính kiến trên mạng, và định hướng dư luận”…

Vậy đâu mới là sự thật?

Thứ nhất, Việt Nam không xâm phạm, đàn áp tự do ngôn luận cũng không yêu cầu Facebook và Google gia tăng kiểm duyệt. Việt Nam chỉ yêu cầu Facebook, Google các tập đoàn truyền thông quốc tế khác tuân thủ pháp luật Việt Nam khi hoạt động tại Việt Nam. Quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam bảo đảm trong cuộc sống thường ngày hay trên môi trường Internet. Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 64 triệu người dân đang dùng Internet chiếm 66% dân số; có 62 triệu người dùng sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo…). Người dân Việt Nam đều có quyền tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua internet, nhất là qua các trang web, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google… Tuy nhiên, thực hiện quyền con người, tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc tự do quá trớn, gây ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức khác và lợi dụng tự do ngôn luận để hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam. Các nội dung xấu, độc hại, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và xâm phạm an ninh quốc gia đương nhiên phải bị gỡ bỏ, xử lý. Điều đó là hoàn toàn bình thường và không có gì phải bàn cãi.

Quy định trên phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi, đây là vấn đề phản ánh chính sách quản lý nhà nước về an ninh mạng đối với các loại hình dịch vụ được cung cấp trên không gian mạng có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đều có những quy định bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân theo để bảo đảm lợi ích chung cũng như để quyền con người, nhất là quyền được tiếp cận thông tin sạch được thực hiện đầy đủ. Theo thống kê, hiện có khoảng 20 quốc gia trên thế giới có quy định này, điển hình như Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… Vậy tại sao AI – một tổ chức mang danh quốc tế lại nhằm vào Việt Nam với những cáo buộc hàm hồ như vậy?

Thứ hai, về nguồn thông tin tạo nên báo cáo của tổ chức này là không khách quan, không toàn diện. Trong báo cáo của AI nêu rõ, thông tin có được từ “31 cuộc phỏng vấn các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm, thân nhân các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ và luật sư về nhân quyền…”. Báo cáo của AI còn dẫn ra số liệu vu cáo rằng, Việt Nam hiện “đang giam giữ 170 tù nhân lương tâm, trong đó 69 trường hợp “tù nhân lương tâm” hiện đang bị giam giữ vì đã bày tỏ quan điểm của mình tại các diễn đàn trên mạng”. Theo đánh giá của tổ chức này thì đây là “một con số gia tăng đáng kể so với con số ước tính năm 2018”.

Lại phải khẳng định lại một lần nữa rằng, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, không có ai bị giam cầm vì làm theo lương tâm của mình mà chỉ có những kẻ lợi dụng tự do dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì phải bị xử lý thích đáng. Việc AI phỏng vấn các đối tượng này và người nhà của họ thì làm sao có thể đem lại được một kết quả khách quan và toàn diện cho được?

Cũng như các quyền tự do cơ bản khác, việc thực hiện quyền tự do Internet cũng phải trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội. Nhằm bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, Internet để vi phạm pháp luật Việt Nam, trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Công nghệ thông tin, Luật an toàn thông tin mạng; Nghị định số: 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, bổ sung điều kiện về quản lý nội dung các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; Nghị định số: 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử… Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ ràng, cụ thể như vậy, sao AI còn phát biểu hồ đồ rằng Việt Nam ““hình sự hóa” nhiều phát biểu trên mạng, dựa trên các điều luật mơ hồ”?

Con số “170 tù nhân lương tâm, trong đó 69 trường hợp “tù nhân lương tâm” hiện đang bị giam giữ vì đã bày tỏ quan điểm của mình tại các diễn đàn trên mạng” như báo cáo của AI nêu ra thực chất là những đối tượng sử dụng Internet, mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam như: Tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, vu cáo, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở trong nước… Vi phạm pháp luật thì phải bị trừng trị thích đáng, sao AI lại cố tình xuyên tạc thành “hành hung, hăm dọa, giám sát, quấy nhiễu”?

Đây không phải là lần đầu tiên AI tung ra bản báo cáo phúc trình với cái nhìn méo mó, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Trước đó, cùng với Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) và một số tổ chức khác, AI là một trong số các tổ chức có thâm niên trong việc lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động, đưa ra các báo cáo sai lệch nhằm can thiệp vào nội bộ của nước ta, ngày càng bộc lộ rõ bản chất thù địch đối với Việt Nam.

Khoản 7, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc đã nêu cụ thể: “Hiến chương này hoàn toàn không cho phép Liên hợp quốc được can thiệp vào các công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, không đòi hỏi các thành viên của Liên hợp quốc phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương…”. Điều này có nghĩa là không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào được quyền can thiệp vào công việc nằm trong thẩm quyền giải quyết của quốc gia độc lập khác xuất phát từ chủ quyền của mình. Việt Nam là Nhà nước pháp quyền độc lập, không bao giờ chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài lãnh thổ vào những công việc thuộc nội bộ của Việt Nam. Vậy mà hết lần này đến lần khác, AI mang danh là một tổ chức quốc tế đã ngang nhiên vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Việt Nam. Điều đó sẽ chẳng có giá trị gì ngoài việc AI đang tự vạch trần bản chất, âm mưu và các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của chính tổ chức này mà thôi.

M.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.