Đen – hồng và cuộc tranh luận nảy lửa
Sau hai đêm diễn, nhóm nhạc nước ngoài rút đi, để lại ồn ào tranh luận từ bàn trà đến hè phố. Người ủng hộ có, nhưng phần đông thì cho rằng việc thần tượng thái quá ban nhạc đó là chưa phù hợp. Tại nhà anh Hùng cũng có cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai vợ chồng sau làn sóng “đen-hồng” (Blackpink):
– Anh không chấp nhận được cách suy nghĩ của em! Không phải anh tiếc gì số tiền gần chục triệu đồng mua vé cho con mà anh thấy, sự thái quá của con khi đóng cửa khóc một mình với ảnh thần tượng sau khi dự đêm nhạc về. Đó là dấu hiệu bị ảnh hưởng không tốt bởi văn hóa ngoại lai, tư tưởng sùng ngoại. Nguyên nhân có cả do anh xa nhà, mải kiếm tiền chu cấp cho gia đình, ít có thời gian quan tâm đến con. Nhưng chính sự nuông chiều, tư tưởng của em đã tiếp tay!
– Em không phủ nhận, em chi tiền cho con đi xem là chưa phù hợp. Nhưng quan điểm của anh về việc sính ngoại thì em không chấp nhận được!
– Không chấp nhận được, vì sao?
Cô vợ “phản pháo” không hề kiêng dè:
– Đây, anh xem, bạn bè em ra nước ngoài sinh sống sung sướng, suốt ngày nghỉ ngơi, du lịch, hưởng thụ. Còn anh, đi nhiều, biết nhiều, cũng ra nước ngoài nhiều mà bảo thủ, hà khắc với vợ, con. Tiền thì nhà mình có thiếu đâu. Em nói thật nhé, nếu không vì anh, em sẽ đưa con ra nước ngoài định cư, chứ ở mình vừa nghèo, vừa lạc hậu, làm sao con em có môi trường để phát triển tốt! Hơn nữa, nam-nữ bình đẳng, em cũng có quyền định hướng cho con những gì em thấy cần!
Lúc này, ông Thanh, bố vợ anh Hùng ngồi trong phòng nghe được câu chuyện, bước ra, giận dữ tiến thẳng đến trước mặt con gái:
– Chồng con nói không sai đâu! Bây giờ thì bố đã hiểu vì sao con không muốn đưa cháu về quê chơi. Các cháu nghỉ hè mà con cũng nấn ná không đưa về thăm ông bà, để bố phải lên tận đây thăm cháu. Mấy hôm nay, có bố ở đây mà con và con gái của con cứ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt khiến bố cảm thấy mình như người thừa. Bố nghĩ, chính con là người có tư tưởng sính ngoại, thậm chí coi thường các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bố không ngờ con lại chỉ vì bản thân, chỉ muốn hưởng thụ, không coi gia đình, bố mẹ, quê hương ra gì. Vì sao hả con gái? Hay do bố dạy dỗ con chưa đến nơi, đến chốn?
– Dạ, thì con… con thấy bạn bè ra nước ngoài sinh sống đều như vậy. Hơn nữa, con thấy điều đó có gì sai đâu bố?
– Bố phải nói để con hiểu thế này nhé. Bố mẹ và các con đều sinh ra ở làng quê. Biết bao giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, truyền thống của cha ông thì con không học, không dạy các cháu. Giờ con trưởng thành lại xa rời truyền thống, thậm chí tiêm nhiễm vào suy nghĩ của bọn trẻ. Con thử nghĩ xem, đến một ngày, chúng quên mất nguồn cội, quên cả ông bà, cha mẹ, quê hương, bản quán, thậm chí quên cả tiếng mẹ đẻ thì có đau lòng không? Hơn nữa, chính con đang tiếp tay cho những kẻ có dã tâm tiêm nhiễm vào lớp trẻ lối sống thực dụng, tôn thờ vật chất, coi thường các giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống. Làm vậy là phá vỡ nền nếp gia đình, xa hơn là phá vỡ trật tự xã hội và chính đất nước này. Con coi văn hóa ngoại lai là màu hồng, coi gia phong, truyền thống là màu đen. Suy nghĩ của con đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thế là rất sai, con gái ạ!
Thấy bố vừa nói, vừa rưng rưng, vợ anh Hùng tỉnh ngộ, ôm lấy bố rồi đưa mắt nhìn chồng khóc:
– Con xin lỗi bố, con sai rồi! Con sẽ suy nghĩ lại và bảo ban cháu không như vậy nữa ạ!
ĐÔNG A/QĐND