Vòng xoáy của… điện thoại thông minh
Trong “Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023” vừa được công bố cuối tháng 7-2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khẳng định có bằng chứng cho thấy việc sử dụng điện thoại di động (điện thoại thông minh) quá mức làm giảm hiệu suất học tập và tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em. Từ đó, UNESCO đề xuất nên cấm điện thoại thông minh tại các trường học trên toàn thế giới.
Đề xuất cấm điện thoại thông minh tại các trường học ở nước ta (nếu có), nhất là với các trường THPT có thể nhận được nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất. Tuy nhiên, có lẽ hầu hết các bậc cha mẹ đều đang có chung một nỗi lo trước thực trạng đáng báo động: Trẻ em, học sinh “nghiện” điện thoại thông minh đang rất phổ biến hiện nay.
Dễ dàng để bắt gặp hình ảnh nhiều trẻ em, học sinh từ thành phố đến nông thôn, từ vùng xuôi đến miền ngược thường xuyên “cắm đầu” vào điện thoại thông minh. Các em mải mê với chiếc điện thoại mỗi khi có thể, vào bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu, không ít em còn quên cả ăn, bỏ cả ngủ chỉ để chơi điện thoại. Tình trạng con trẻ rơi vào vòng xoáy không kiểm soát của điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử khác đã và đang trở thành vấn đề xã hội nhức nhối. Các bác sĩ, nhà tâm lý học đã có nhiều nghiên cứu, đưa ra bằng chứng cảnh báo về hậu quả nặng nề của thực trạng này. Thế nhưng, cũng không cần đến những nghiên cứu chuyên sâu, chỉ cần qua chính thực tế con em mình, các bậc phụ huynh cũng có thể cảm nhận rõ hậu quả từ việc lạm dụng điện thoại thông minh. Đó là tình trạng trẻ bị cận thị, suy giảm thể lực, béo phì do lười vận động; kết quả học tập giảm sút; tâm lý không ổn định, ít giao tiếp, dễ cáu gắt… Đồng thời, do tiếp xúc thường xuyên với những hình ảnh, video clip nhảm nhí nên đã tác động xấu đến ngôn ngữ, tình cảm, suy nghĩ, dần dần ảnh hưởng đến tính cách của con trẻ. Ngoài ra, không thể không nói đến nạn bạo lực trên môi trường mạng đã khiến nhiều học sinh bị stress, trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết…
Ai cũng muốn con em mình không rơi vào thảm cảnh nói trên nhưng có một thực tế thật trớ trêu, đó là chính phụ huynh lại thường xuyên lạm dụng điện thoại, tạo gương xấu cho con; hoặc vì nuông chiều, vì muốn “quản” con mà cho con “làm bạn” với điện thoại… Hình ảnh bố ôm điện thoại, mẹ cầm điện thoại, con cũng say sưa với điện thoại, không ai giao tiếp với ai có lẽ đã không xa lạ với nhiều gia đình. Nói vậy để thấy, việc trẻ em, học sinh “nghiện” điện thoại xét đến cùng không phải lỗi của các em mà xuất phát từ người lớn. Tại Hội thảo “Môi trường internet an toàn: Giải pháp trong trường học” tổ chức tháng 3-2023, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tuổi trung bình sở hữu điện thoại của trẻ em Việt Nam là 9, thấp hơn 4 tuổi so với mức trung bình của thế giới; trẻ em Việt Nam tiếp cận internet cũng khá sớm, có tới 82% trẻ trong độ tuổi 12-13 và 93% trẻ 14-15 tuổi sử dụng internet. Những con số này càng cho thấy việc giáo dục, định hướng, quản lý con em của nhiều bậc phụ huynh trong việc sử dụng điện thoại, internet còn lỏng lẻo, hạn chế. Vì vậy, muốn con trẻ khỏe mạnh cả về thể chất, tinh thần, sử dụng điện thoại thông minh một cách thông minh, cần sự chung tay của cả xã hội nhưng trước hết và quan trọng nhất chính là từ nhận thức, hành động của mỗi bậc phụ huynh!
PHƯƠNG HIỀN/QĐND