“Điểm mặt” thủ đoạn gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (bài cuối)

Để lôi kéo được nhiều người tham gia, những đối tượng cầm đầu, cốt cán ở trong và ngoài nước đã dùng mọi thủ đoạn từ tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đến kích động người dân đấu tranh chống đối chính quyền.

Điển hình như lợi dụng các buổi sinh hoạt chung để mở băng cát sét hay gọi điện thoại để người tin theo trực tiếp nghe đồng tộc lưu vong ở nước ngoài kêu gọi tách ra thành lập các tổ chức tôn giáo riêng của người dân tộc thiểu số; tham gia biểu tình, bạo loạn thành lập “Nhà nước Đề ga”.

Thực tế cho thấy các đối tượng thường kích động, ép buộc người tin theo tẩy chay các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương (như: không đóng thuế, không thực hiện nghĩa vụ quân sự, không đồng ý cho xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân sinh ở địa phương, không thực hiện kế hoạch hoá gia đình, không cho trẻ em uống vác xin phòng bệnh, ốm đau không cần đến các cơ sở y tế để khám và chữa trị mà chỉ cần tổ chức cầu nguyện và thực hiện các biện pháp ma thuật, không vay tiền ngân hàng, không nhận nhà tình nghĩa và kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở,…). 

 Những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng trái phép của các “hiện tượng tôn giáo mới” đã góp phần gây tâm lý hoang mang, nghi kỵ, mất đoàn kết cục bộ trong một bộ phận quần chúng nhân dân của một số dân tộc và giữa các dân tộc, giữa người dân với hệ thống chính trị; hình thành và làm gia tăng các “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự xã hội liên quan đến biểu tình, bạo loạn, vượt biên gắn với vấn đề ly khai, tự trị của một bộ phận người dân tộc thiểu số…

Một số “hiện tượng tôn giáo mới” còn gây tâm lý hoang mang trong môi trường giáo dục khi gửi thư, tờ rơi tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về những nội dung có tính mê tín dị đoan, gây tâm lý lo sợ cho các em và phụ huynh. Nhiều  đối tượng cầm đầu cực đoan, quá khích còn lôi kéo, kích động người tin theo tham gia các hoạt động chống phá chính quyền, gây rối an ninh trật tự và tạo ra mâu thuẫn xã hội; khiếu kiện đòi khôi phục các tổ chức tôn giáo cũ và công nhận những tổ chức tôn giáo mới thành lập trái phép; đòi lại đất đai của tổ tiên và các cơ sở thờ tự cũ; kích động người dân vượt biên trái phép để gây rối nhằm quốc tế hóa và chính trị hóa vấn đề tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam; tuyên truyền và phát tán các tài liệu tôn giáo trái phép, tài liệu phản động, tìm cách khống chế, làm mất uy tín cán bộ, đảng viên cốt cán ở địa phương; lợi dụng những biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng đối với những hoạt động vi phạm pháp luật của một số “hiện tượng tôn giáo mới” và người tin theo, nhất là người dân tộc thiểu số để xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời vu cáo, bôi nhọ chế độ mà trực tiếp là hệ thống chính trị cơ sở và cán bộ địa phương vi phạm nhân quyền, quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng nhằm gây nghi kỵ, mất đoàn kết và suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ ta. 

Ngoài ra, các “hiện tượng tôn giáo mới” bên cạnh việc thành lập ban lãnh đạo của tổ chức các cấp, còn hình thành những hội, nhóm đoàn thể, như: phụ lão, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên,… để tuyên truyền, sinh hoạt, liên kết, hỗ trợ nhau trong làm ăn, sinh sống cũng như tập hợp, chỉ đạo quần chúng đi theo phù hợp với từng nhóm; đứng ra hoặc tìm cách tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cộng đồng liên quan đến những đối tượng nói trên,…

Do đó, việc hình thành một hệ thống tổ chức của các “hiện tượng tôn giáo mới” ở buôn làng, nhất là ở khu vực Tây Nguyên vào những thời điểm phát triển, các nhóm, hội, đoàn thể này hoạt động khá hiệu quả so với các đoàn thể của hệ thống chính trị cơ sở và buôn làng trên một số lĩnh vực chung của cộng đồng. Điều đó đã tác động đến nhận thức của người dân về vai trò của hệ thống chính trị cơ sở và đội ngũ cán bộ ở những địa phương có các “hiện tượng tôn giáo mới” phát triển và nhiều người tin theo. Thực tiễn cho thấy, tại một số ít nơi đã nảy sinh hiện tượng vai trò và uy tín của già làng, trưởng thôn buôn, đoàn thể trong hệ thống chính trị cơ sở và buôn làng có sự suy giảm nhất định trong quần chúng ở những nơi “hiện tượng tôn giáo mới” phát triển, trong khi vai trò, uy tín và ảnh hưởng của các tổ chức và một số đối tượng cầm đầu, cốt cán một số “hiện tượng tôn giáo mới” lại tăng lên.

Trong quá trình hình thành và phát triển, các “hiện tôn giáo mới” cực đoan và những đối tượng cầm đầu thường tìm mọi cách làm suy yếu vai trò của hệ thống chính trị cơ sở bằng cách lôi kéo cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng họ theo tổ chức, đồng thời tạo dựng ảnh hưởng của “hiện tượng tôn giáo mới” và số đối tượng cầm đầu, cốt cán tại địa phương đối với cộng đồng. Một số đối tượng cầm đầu còn có những hành động mang tính chính trị, gây mâu thuẫn xã hội, như: tuyên truyền các thành quả phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương cũng như những quyền lợi người dân đang được hưởng là do tổ chức của họ đem lại; thành lập các tổ chức hoạt động bất hợp pháp chống đối chính quyền; tổ chức cho người đi theo tập bắn vào bia tượng trưng là cán bộ, đảng viên chủ chốt của địa phương và ngấm ngầm đe dọa tính mạng, phá hoại tài sản gia đình họ… Những hoạt động này đã gây tâm lý hoang mang cho một bộ phận quần chúng và số ít cán bộ, đảng viên ở địa phương. 

Ở một số địa phương, người đứng đầu “hiện tượng tôn giáo mới” cực đoan còn vu cáo cán bộ và chính quyền địa phương vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tìm cách khoét sâu, phóng đại một số hạn chế của chính quyền và cán bộ địa phương trong thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo; vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền, ức hiếp, kỳ thị người dân tộc thiểu số, người có đạo; làm giảm lòng tin của quần chúng đối với chế độ ta, mà trước hết là hệ thống chính trị cơ sở; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; gây mâu thuẫn, xung đột cục bộ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo; kích động tư tưởng bất mãn của người dân tộc thiểu số với người Kinh, của người dân với hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ; tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo, can thiệp chống phá Nhà nước ta; gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, cản trở việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ở địa phương

Cùng với đó, một trong những vấn đề nhạy cảm hiện nay ảnh hưởng đến quan hệ trong nội bộ từng dân tộc, giữa các tộc người với nhau và với quốc gia là sự gắn kết của hai vấn đề dân tộc và tôn giáo. Trong đó, việc chuyển đổi từ những tôn giáo chính thống hay tín ngưỡng truyền thống sang các “hiện tượng tôn giáo mới” đã có nhiều ảnh hưởng đa chiều, phức tạp đến xã hội, nhưng quan trọng nhất vẫn là góp phần hình thành các cộng đồng dân cư cùng theo một “hiện tượng tôn giáo mới”.

Tính cố kết của những cộng đồng này không chỉ chủ yếu diễn ra trong số những người tin theo trong một dân tộc và cùng cư trú trên địa bàn, mà một số tổ chức còn phát triển rộng hơn giữa các dân tộc, giữa một số vùng trong nước và các quốc gia khác. Những người theo một “hiện tượng tôn giáo mới” này đều có điểm chung là cùng đức tin, hầu như họ chỉ cố kết giữa những người trong tổ chức với nhau nên tạo ra xu hướng quan hệ bó hẹp trong nội bộ nhóm.

Các “hiện tượng tôn giáo mới” do muốn giữ những người đi theo nên luôn yêu cầu họ phải sống tách biệt với cộng đồng và gia đình, như: không được chào hỏi, tiếp xúc, đi cùng đường với người không cùng niềm tin, kể cả đó là bố mẹ, vợ chồng, con cái, nhất là đối với cán bộ và đoàn công tác địa phương đến tuyên truyền,vận động từ bỏ tổ chức; không được phép kết hôn, làm cùng, ăn cùng, ở cùng những người khác niềm tin; không được phép tham gia các cuộc hội họp và hoạt động chung của cộng đồng, nếu có mặt cũng phải tách thành nhóm riêng và không thể hiện thái độ, chính kiến; không thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương,…

Do không tham gia những hoạt động chung của cộng đồng và hưởng lợi từ các chính sách phát triển của Nhà nước, nên các mối quan hệ của họ chỉ diễn ra trong số những người cùng tin theo một “hiện tượng tôn giáo mới”, tính cố kết cộng đồng truyền thống theo dân tộc và tôn giáo tại địa bàn cư trú trước đây bị phá vỡ, đời sống gia đình tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn trước,… 

Đáng chú ý là hình thức cố kết này ở một vài địa phương của một số “hiện tượng tôn giáo mới” phát triển có biểu hiện lấn át các hình thức cố kết cộng đồng truyền thống theo dòng họ, theo cộng đồng cùng dân tộc trong địa bàn cư trú và trong nội bộ tôn giáo. Thậm chí, tại một vài địa phương có đông người tin theo “hiện tượng tôn giáo mới” thì vào những thời điểm tổ chức này phát triển, những người cầm đầu, cốt cán đôi khi còn có ảnh hưởng lớn hơn một số người có uy tín trong xã hội truyền thống, cán bộ cơ sở và buôn làng trên một số lĩnh vực chung của cộng đồng. Hiện tượng này dẫn đến hệ quả là một số ít chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo ở vùng có các “hiện tượng tôn giáo mới” hoạt động mạnh bị tác động trực tiếp hay gián tiếp bởi những tổ chức này. 

Sự ra đời của các “hiện tượng tôn giáo mới” thường có xu hướng phá vỡ khỏi sự ràng buộc trong một số luật lệ, những điều cấm kị của tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống nên ở góc độ nhất định nó sẽ có những tác động tiêu cực đến tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống.

Các “hiện tượng tôn giáo mới” đều ít nhiều bài xích các tôn giáo truyền thống, đả kích vào các vị giáo chủ của tôn giáo chính thống. Điều này đã gây bức xúc trong chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo chính thống, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ có sự xung đột về tôn giáo bởi những mâu thuẫn phát sinh trong việc lôi kéo, tranh giành tín đồ và bởi giữa sự cởi mở của các “hiện tượng tôn giáo mới” và chặt chẽ trong giáo lý, lễ nghi truyền thống. Hoạt động của các “hiện tượng tôn giáo mới” gây khó khăn trong xã hội về phân biệt mê tín dị đoan với tín ngưỡng, tôn giáo đã được Nhà nước công nhận dẫn đến một bộ phận nhân dân không phân biệt được đâu là tín ngưỡng, tôn giáo chính thống đâu là sự biến dạng, lợi dụng tôn giáo để trục lợi.

(CAND)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *