XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG THÌ CÓ GÌ KHÔNG TỐT

Thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi để người lao động Việt Nam có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài. Việc này không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm mà còn giúp cải thiện đời sống của người lao động. Bên cạnh đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn có cơ hội nâng cao được trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tiếp thu được kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp từ nước ngoài và trở thành nguồn nhân lực quan trọng sau khi trở về nước.

Thế nhưng, với tâm địa đen tối, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội với động cơ chính trị lại tìm mọi cách để xuyên tạc việc làm có ý nghĩa, giá trị thiết thực này. Chúng cho rằng, “đây là chính sách sai lầm, thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước và bố trí việc làm cho người dân trong nước”… Mục đích của luận điệu này nhằm tạo ra sự lo lắng, hoài nghi về các chính sách của Việt Nam đối với người lao động; làm giảm sự nhiệt huyết của người lao động có dự định ra nước ngoài làm việc, cũng như công dân Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài; phủ nhận mọi nỗ lực, kết quả của cơ quan chức năng Việt Nam trong công tác quản lý di cư, bảo hộ công dân…

Chúng ta đều biết rằng, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thiết lập được nhiều mối quan hệ kinh tế quốc tế. Một trong những nội dung quan trọng của việc hợp tác là thực hiện xuất khẩu lao động. Đây là vấn đề không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn là xu thế chung của các quốc gia đang phát triển. Chính vì thế, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác này, đặc biệt Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”. Chủ trương này đã góp phần mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc và mang lại nhiều giá trị thiết thực cho chính người lao động. Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn góp phần xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận người lao động ở vùng khó khăn như nông thôn, miền núi và ven biển. Bên cạnh đó, chính sách thiết thực này còn đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời cũng là điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của lao động nước ta.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 10 năm qua (2012 – 2022), mỗi năm Việt Nam đã giải quyết việc làm bình quân cho khoảng 1,5 – 1,6 triệu lao động trong và ngoài nước, số lao động ngoài nước giải quyết được khoảng 10% số này. Riêng năm 2022 đã giải quyết khoảng 80.000 người lao động ra nước ngoài làm việc. Mỗi năm bình quân người lao động và chuyên gia gửi về nước với số tiền ước tính khoảng 10 tỷ USD… Kết quả này là minh chứng sống động đập tan luận điệu xuyên tạc chính sách đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta.

Quốc Sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *