Đừng thấy một con sâu, rồi lu loa lên cả cây đều là sâu!
Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đang được thực hiện quyết liệt và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nhưng những kẻ cơ hội, bất mãn chính trị, phản động, tự xưng là “nhà hoạt động dân chủ”, những người gọi là “có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc” lại lấy kết quả việc xử lý những vụ tham nhũng để lu loa lên rằng “Chống tham nhũng ở Việt Nam không hiệu quả. Cả bộ máy đều tham nhũng thì làm sao chống”. Nếu như những ai không thường xuyên theo dõi tình hình phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, không có những nhìn nhận thấu đáo thì dễ dàng bị ngộ nhận và tin theo những lời xàm bậy của họ. Vậy, sự thật của những luận điệu trên là như thế nào?
Họ nói “Chống tham nhũng ở Việt Nam không hiệu quả”. Vậy thử hỏi: Nếu không hiệu quả thì làm sao phát hiện được những vụ tham nhũng, rồi đưa ra xét xử những vụ tham nhũng lớn như trong thời gian vừa qua. Theo thống kê của của cơ quan chức năng, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Đây là những con số biết nói mà ai cũng thấy. Vậy sao lại nói không hiệu quả.Mà cần nói thêm là, trong số những người bị kỷ luật, xử lý hình sự có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, rõ ràng là đúng như những gì Đảng nói: Phòng chống tham nhũng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Xin hỏi, trước đây có nhiệm kỳ nào làm được như thế này chưa mà nói không hiệu quả.
Thứ hai, họ nói “Cả bộ máy đều tham nhũng thì làm sao chống”. Nói như thế là cố tình quy chụp.Nhưchúng ta biết, cả bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam có khoảng 3 triệu cán bộ, công chức, viên chức nhưng chỉ có một bộ phận nhỏ vướng vào tệ tham nhũng thì sao lại nói là cả bộ máy tham nhũng. Đừng thấy một con sâu, rồi lu loa lên cả cây đều là sâu. Tất nhiên, một con sâu có thể làm rầu nồi canh, một con sâu trên cây mà không khử nó, thì nó có thể làm cây bị héo và chết.Điều đó ai cũng biết. Dĩ nhiên Đảng CSVN, Nhà nước Việt Nam càng thấy và càng biết rõ điều này nên đã đưa ra nhiều nghị quyết, quy định nghiêm ngặt để phòng ngừa sự lây lan của “sâu mọt” Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hay vừa mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền…
Và cũng cần thấy rằng: Khi phát hiện và xử lý nghiêm các vụ tham nhũng thì số vụ, số người tham nhũng trong các cơ quan công quyền mới giảm đi và mới răn đe được những người có tư tưởng tham nhũng. Thử hỏi, nếu tham nhũng mà không bị xử lý thì tôi nghĩ ai cũng sẽ tìm mọi cách để tham nhũng, vì tham nhũng được tiền, được của lại không bị ai xử lý. Như thế tham nhũng sẽ phát triển tràn lan và chế độ này, đất nước này có còn không? Cho nên chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng là việc làm thường xuyên của bất kỳ chế độ, nhà nước nào. Sao cứ thấy xử lý tham nhũng thì coi nó là màu tối và lu loa thế này, thế khác? Việc phát hiện, xử lý nghiêm minh những vụ tham nhũng trong thời gian gần đây là dấu hiệu đáng mừng trong công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Là một công dân Việt Nam bình thường, không tham gia chính trị, tôi thấy những nhìn nhận, đánh giá của những người tự xưng là “nhà hoạt động dân chủ”, những người gọi là “có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc” là hoàn toàn sai sự thật, phủ nhận, quy chụp và rõ ràng có ý đồ chính trị để hòng bôi xấu Đảng CSVN, Nhà nước Việt Nam, tung hỏa mù làm tối bầu trời xã hội Việt Nam,hòng lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin hùa theo họ mà chống phá đất nước. Vì nếu họ có ý tốt, thật sự có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc thì sao họ không chịu bỏ công sức đi tìm, phát hiện, tố giác những kẻ tham nhũng với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xử lý, mà họ cứ ngồi đâu đó để dòm ngó, rồi bàn tán xàm bậy, làm cho công tác phòng chống tham nhũng càng khó khăn, phức tạp và độc hại hơn, làm cho người dân hoang mang, mất lòng tin vào Đảng, Nhà nước Việt Nam. Phải chăng đây là vừa là âm mưu, vừa là mục tiêu của các thế lực thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị?
NTPB