THỰC HÀNH NÊU GƯƠNG – PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO HIỆU QUẢ CỦA ĐẢNG
Nêu gương là một phương thức quản trị xã hội trong các lý thuyết triết học, chính trị từ rất lâu của loài người. Nêu gương được xem là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng và là một trong những nội dung cơ bản, cốt yếu, cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”. Người đặc biệt coi trọng trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là ở những thời điểm vô cùng khó khăn, đầy thử thách của sự nghiệp cách mạng. Trong suốt cuộc đời của mình, Bác Hồ luôn thực hành trách nhiệm nêu gương và Bác đã trở thành tấm gương sáng ngời, có sức lan tỏa và sức thuyết phục vô cùng mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta học tập, noi theo.
Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của Đảng bằng nêu gương, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về nêu gương; các quy định về những điều đảng viên không được làm. Thực hiện các quy định của Đảng, nhất là triển khai việc học tập và làm theo phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua có rất nhiều cán bộ, đảng viên là những tấm gương điển hình trong nhiều lĩnh vực công tác, như tìm kiếm – cứu hộ cứu nạn, gìn giữ hòa bình, phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an ninh trật tự… được biểu dương, tôn vinh là điển hình tiên tiến. Họ chính là những tấm gương sống tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tinh thần và ý chí của họ như hoa mùa xuân, làm cho cái thiện, cái đẹp được gieo mầm, nảy nở, lấn át, đẩy lùi cái ác, cái xấu xa.
Có thể nói, những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc thực hành trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn có những hạn chế nhất định. Đó là vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ nêu gương; chưa thật sự đúng mực trong lời nói, ứng xử, việc làm; còn có những biểu hiện “nói không đi đôi với làm”, “nói nhiều, làm ít”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là, một số cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Để việc nêu gương đạt được kết quả tốt, cần phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Theo đó, mỗi tổ chức, cá nhân, nhất là những người ở cương vị chủ chốt phải có ký cam kết cụ thể, tạo ra sự chuyển biến rõ nét qua từng thời gian, từng nội dung công việc. Chức vụ càng cao, vị trí càng quan trọng càng phải gương mẫu. Như vậy mới có tính thuyết phục, tạo ra sự lan tỏa, tác động thúc đẩy đối với cán bộ cấp dưới và toàn xã hội. Thực hiện nêu gương cũng là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa”, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong từng hoạt động cụ thể; đồng thời, là căn cứ để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Việc nêu gương phải cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, cần đưa vào theo dõi, nhận xét, đánh giá trong sinh hoạt định kỳ, đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp, làm cơ sở cho việc đánh giá tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
(KHTH)