Kiên quyết phản bác luận điệu phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (tháng 01/2016), Đảng ta chính thức đưa ra định nghĩa tổng quát về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Cũng từ đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, hạ bệ, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta. Chúng một mực cho rằng, không có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN, kinh tế thị trường là gắn với chủ nghĩa tư bản, là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản; các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng XHCN vào kinh tế thị trường là sự gán ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn; nếu bỏ, không có cái đuôi “định hướng XHCN” thì kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, kết quả đạt được còn lớn hơn…
Những luận điệu trên của các thế lực thù địch hoàn toàn sai trái không đúng với thực tế lịch sử đã và đang diễn ra. Nếu chúng ta nghiên cứu toàn diện và khoa học về lý thuyết kinh tế thế giới thì có thể nhận thấy và khẳng định được rằng, kinh tế thị trường và CNXH hoàn toàn không mâu thuẫn nhau. Kinh tế thị trường không phải là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà là thành tựu chung của nhân loại, nó được tồn tại và phát triển qua các phương thức sản xuất khác nhau. Ở mỗi quốc gia, việc phát triển kinh tế thị trường được vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước. Chẳng hạn, mô hình kinh tế thị trường tự do ở Mỹ, kinh tế thị trường phúc lợi ở Thụy Điển hay kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc… Vì vậy, Việt Nam lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là điều dễ hiểu. Điều này phù hợp với quy luật cũng như thực tiễn Việt Nam, hoàn toàn không như sự xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch. Ở khía cạnh khác, với chủ nghĩa tư bản kinh tế thị trường được coi là mục tiêu. Vì vậy, họ lợi dụng tối đa ưu thế của kinh tế thị trường để phục vụ cho mục tiêu phát triển tiềm năng kinh doanh, chiếm đoạt lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Vai trò thống soái của chủ nghĩa tư bản trong cơn lốc toàn hóa kinh tế đã đe dọa lợi ích đến tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới. Tự cho mình quyền tự do chiếm đoạt, tự do xâm lược, tự do bóc lột, tự do khủng bố, tự do phân biệt chủng tộc… Bất chấp tất cả miễn sao chiếm đoạt được nhiều lợi nhuận. Còn đối với Việt Nam, kinh tế thị trường được coi là phương tiện, cách thức để xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH gắn chặt với việc không ngừng nâng cao đời sống toàn diện của nhân dân, tuyệt nhiên không phải là mục đích giành lấy lợi nhuận tối đa bằng mọi giá như CNTB đã làm. Như vậy thì kinh tế thị trường và CNXH làm gì có mâu thuẫn.
Trong thực tiễn, kể từ khi Việt Nam bước vào thực hiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, làm thay đổi khá rõ tình hình đất nước. Nền kinh tế hoạt động ngày càng năng động và có hiệu quả. Của cải xã hội ngày càng nhiều, hàng hóa ngày càng phong phú. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Đất nước không những giữ vững được sự ổn định trước những chấn động kinh tế lớn trên thế giới mà còn có bước phát triển đi lên. Kinh tế tăng trưởng khá, chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, văn hóa, xã hội được phát triển. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Vị thế uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Vì vậy, chúng ta sẽ không bao giờ mắc mưu những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch mà luôn tỉnh táo, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(NV)