Tuyệt thực: Chiêu trò cũ rích và lỗi thời!
Thay vì ăn năn, hối cải trước bản án thích đáng của pháp luật để từ đó sửa chữa, thay đổi bản thân mình, một số người được các thế lực thù địch và tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam gắn nhãn hiệu “tù nhân lương tâm” vẫn cố tình chống phá đất nước một cách tuyệt vọng bằng nhiều chiêu trò khác nhau, mà phổ biến nhất là bịa ra chuyện tuyệt thực. Bằng thủ đoạn này, họ mưu đồ lôi kéo sự chú ý của dư luận nhằm tiếp tục vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặt ra các đòi hỏi, yêu sách phi lý. Nhưng đến nay, sau nhiều lần bị lường gạt, cộng đồng quốc tế cũng như không ít người từng ủng hộ các tù nhân này đã hiểu rõ bản chất vấn đề.
Bất chấp nỗ lực loan tin Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực từ ngày 24-11-2020, người nhà và đồng bọn của tù nhân này vẫn chỉ nhận được sự dửng dưng của dư luận. Có lẽ chính vì vậy, ngày 19-1-2021, “dự án 88” (Project 88 – dự án được cho là có quan hệ mờ ám với tổ chức khủng bố “Việt tân”?) tiếp tục khua chiêng, gõ mõ bằng cách lên án sự im lặng của cộng đồng quốc tế trước tình trạng của Trần Huỳnh Duy Thức. Nhưng rốt cuộc, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có vài ba địa chỉ chống cộng như RFA, VOA, SBTN là quan tâm. Chắc phần nào so với các gương mặt chống phá đang “nổi”, thì Trần Huỳnh Duy Thức chỉ là nhân vật đã hết giá trị lợi dụng. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu có tin Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực. Từ năm 2016 đến nay, đây đã là lần thứ ba tù nhân này tuyên bố “tuyệt thực đến chết” nếu không được đáp ứng các đòi hỏi, mà gần đây nhất là “yêu cầu tòa án xem xét đơn yêu cầu miễn thời hạn tù còn lại vì mức án mới cho tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Yêu cầu của Trần Huỳnh Duy Thức muốn được áp dụng mức án cho người phạm tội căn cứ theo Bộ luật Hình sự năm 2015 vào bản án xét xử theo Bộ luật Hình sự năm 1999 mà ông ta đang phải thi hành rõ ràng là rất phi lý. Bởi hiện tại, về cơ bản pháp luật Việt Nam không có hiệu lực hồi tố, mà chỉ cho phép vận dụng nguyên tắc này trong một số trường hợp cụ thể để thể hiện sự khoan hồng và tính nhân đạo của Nhà nước. Với trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức, xét từ mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội cùng thái độ chống đối, gây rối trong thời gian thụ án thì bản án dành cho ông ta được rộng rãi dư luận đánh giá là hoàn toàn đích đáng.
Là người có kiến thức về pháp luật, hẳn Trần Huỳnh Duy Thức cũng hiểu các “đơn đề nghị” sẽ không bao giờ được đáp ứng, cho dù ông ta bày trò lố là “tuyệt thực đến chết”. Nhưng, chẳng phải ngẫu nhiên Trần Huỳnh Duy Thức chỉ làm mình làm mẩy mỗi khi đất nước diễn ra một sự kiện quan trọng. Cụ thể: Năm 2016, biết tin Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma chuẩn bị thăm Việt Nam, Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố “tuyệt thực không thời hạn”; năm 2018, Trần Huỳnh Duy Thức lại tuyên bố tuyệt thực; năm 2020, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị Đại hội XIII, ông ta tiếp tục giở mánh cũ. Làm như thế, một mặt ông ta muốn duy trì cái danh hão là “nhà bất đồng chính kiến”, mặt khác lôi kéo sự chú ý của dư luận xấu, tạo điều kiện cho đồng bọn cùng những kẻ đồng lõa tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, đánh động để một số quỹ “đen” núp bóng dân chủ tài trợ tiền bạc. Duy có điều cả Trần Huỳnh Duy Thức và đồng bọn đều bẽ bàng, bất ngờ… vì rốt cục chẳng thấy dư luận quốc tế sốt sắng vào cuộc như dự tính và mong đợi (!).
Không khác gì nhiều so với Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Điếu cày),… trước đây, trò tuyệt thực của Trần Huỳnh Duy Thức và một vài bạn tù thật ra chỉ là không nhận khẩu phần ăn do trại giam cấp phát. Chính Trần Huỳnh Duy Thức đã tự xác nhận điều này. Ngày 24-5-2016, trong biên bản làm việc với cán bộ trại giam, Trần Huỳnh Duy Thức viết: “tôi tuyệt thực không liên quan đến chế độ chính sách trại giam Số 6, khẩu phần ăn của tôi được cấp phát đầy đủ từ khi nhập trại, tuy nhiên tôi sẽ duy trì bằng cách uống 03 bịch sữa mỗi ngày”. Trong đợt “tuyệt thực” đó, ông ta đã sử dụng 21 hộp sữa loại 180 ml, 10 bịch sữa tươi loại 220 ml, 17 gói trà sâm cùng nhiều đồ ăn, thức uống khác. Năm 2018, sau khi “tuyệt thực”, sức khỏe của Thức vẫn bình thường, thậm chí trong phóng sự ghi lại của Truyền hình Công an nhân dân, ông ta còn cho biết đã tăng 4,5 kg. Năm 2020, trang mạng xã hội được người nhà lập ra để ủng hộ Trần Huỳnh Duy Thức đã khẳng định ông ta “chỉ nhận” sữa bột, nước sâm… để “tuyệt thực”! Về việc này, Bùi Thị Kim Hằng từng chia sẻ trên trang SBS tiếng Việt rằng với bà ta tuyệt thực “là không ăn tức là những gì dính đến từ ăn là không có”, còn vẫn sử dụng sữa, nước đường, dầu ăn,… để duy trì sức khỏe. Vì thế, luận điệu “tuyệt thực đến chết”, “tuyệt thực không dừng” của mấy “nhà dân chủ cuội” chỉ là cái cớ để đồng bọn bên ngoài tung tin giả gây hoang mang, hoài nghi trong dư luận. Tuy nhiên, bản chất dối trá của họ lại bị chính đồng bọn bóc mẽ. Ngay sau khi Trần Huỳnh Duy Thức gặp người nhà và tuyên bố đã tuyệt thực từ ngày 24-11-2020, một hệ thống phát tán tin giả về tình trạng sức khỏe của Thức đã xuất hiện trên nhiều trang cá nhân, fanpage Facebook, blog cùng một số kênh truyền thông hải ngoại. Ngày 13-1, thông tin từ người nhà Trần Huỳnh Duy Thức cho biết do sức khỏe suy kiệt nên ông ta được chuyển đến bệnh viện ở Nghệ An. Thông tin này cũng na ná nội dung đăng tải bởi Bạch Hồng Quyền (kẻ bị truy nã, hiện trốn sang Ca-na-đa) trên mạng xã hội. Mừng rỡ như “vớ được vàng”, phóng viên RFA vội vã kiểm chứng thông tin để rồi té ngửa đó là… fake news (tin giả)! Bởi khi phóng viên “kền kền” của RFA gửi thư điện tử đến Đại sứ quán Mỹ hỏi thông tin thì chỉ nhận được phản hồi “không có thông tin gì để chia sẻ”; gọi điện tới Bệnh viện đa khoa Nghệ An, cũng nhận được câu trả lời: Trần Huỳnh Duy Thức không có bệnh tật gì, vẫn đang thụ án tại trại giam Số 6. Sự thật là ngày 14-1, khi đồng bọn lu loa Trần Huỳnh Duy Thức đang điều trị tại bệnh viện, thì tại phòng khám sức khỏe phạm nhân trại giam Số 6, anh ta vẫn ký nhận tình trạng sức khỏe đủ điều kiện thi hành án. Đến ngày 21-1, sau khi nhận cuộc gọi trực tiếp của Trần Huỳnh Duy Thức, đám người này chỉ còn cách lấp liếm rằng đầu óc Trần Huỳnh Duy Thức vẫn sáng suốt, sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi Chính phủ Việt Nam đáp ứng đòi hỏi. Trước vở kịch vụng về từ người nhà và đồng bọn của Trần Huỳnh Duy Thức, một người dùng facebook buộc phải thốt lên rằng: “Tất cả những thông tin có được từ các nguồn, nhất là nguồn từ mạng xã hội, gia đình anh Thức nên đi đến tận nơi như bệnh viện để kiểm chứng trước khi viết đơn gởi trại giam nhờ xác minh. Gia đình mình phải thật cẩn thận trước các thông tin để không bị những thành phần kích động gây chia rẽ, hiểu lầm nhé! Nếu mình không cẩn thận, vô tình mình đã trúng bẫy của ai đó giăng ra rồi nhé! Đó! Như bây giờ, với công văn trả lời từ trại giam, gia đình mình sẽ làm gì tiếp hả? Không lẽ lên nằm vạ ra đó sao? Không lẽ, la làng là trại giam nói xạo hay sao? Lấy gì làm bằng chứng? Mình làm gì thì phải suy nghĩ chút chứ ạ! Tui chỉ là một người dân bình thường. Tui đã theo dõi vụ của anh Trần Huỳnh Duy Thức lâu rồi. Tui thấy trong vụ này có rất nhiều khuất tất lắm đó. Cho tới giờ, mọi chuyện chủ yếu xảy ra là do gia đình cả thôi. Tự gây ra rồi tự la làng đó. Chắc chính quyền cũng hiểu giống tui. Lạ một cái, chẳng thấy gia đình mình nhờ ai đó can thiệp? Bạn bè thân thiết của anh Thức trong giới trí thức, trong chính quyền hành chính như luật sư, giáo sư, doanh nhân đâu hết rồi?”.
Rõ ràng, tuyệt thực đang bị một số phạm nhân được gán nhãn hiệu “tù nhân lương tâm” lợi dụng để ăn vạ, làm màu và thực hiện mục đích đen tối khác. Vin vào các lý do rất kỳ khôi, họ không ngại sử dụng chiêu trò “tuyệt thực” để gây khó dễ với quản lý trại giam. Thậm chí chưa cần tù nhân tuyên bố tuyệt thực, người nhà họ đã đánh trống la làng. Thí dụ tháng 8-2020, Trịnh Bá Khiêm (bố của Trịnh Bá Tư) than vãn trên mạng xã hội và VOA, RFA rằng con trai ông ta đã tuyệt thực 20 ngày ở nơi tạm giam. Bao nhiêu kẻ vội vã lên mạng xã hội để khóc mướn, tuyên bố “đồng hành” cùng Trịnh Bá Tư, sau rồi mới hay là bị lừa. Hóa ra, Trịnh Bá Khiêm “biết” được sự việc này qua tin nhắn nặc danh từ một số điện thoại lạ (?). Sau khi làm việc với Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, Trịnh Bá Khiêm viết trên facebook là con trai vẫn mua đồ ăn và nhu yếu phẩm như những phạm nhân khác. Và nhiều nhà “dân chủ cuội” đã lẳng lặng gỡ thông tin sai sự thật trên khỏi Facebook cá nhân, nhưng gần như không xin lỗi hay đính chính.
Một thực tế không thể phủ nhận là nhiều năm qua, dù Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước luôn nỗ lực tôn trọng, bảo vệ quyền con người, bao gồm cả việc bảo đảm các quyền con người của phạm nhân trong thi hành án hình sự. Những quy định này được đề cập cụ thể trong các bộ luật, nghị định, được áp dụng trực tiếp, linh hoạt vào đời sống theo hướng có lợi cho phạm nhân. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn cần bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng tiếp thu tối đa những góp ý có lợi cho đất nước, cho nhân dân từ cộng đồng quốc tế. Thành tựu về quyền con người của phạm nhân trong thi hành án hình sự mà Việt Nam đạt được là kết quả của nỗ lực đó. Ngày 4-12-2019, sau chuyến thăm, tác nghiệp trực tiếp tại trại giam Thủ Đức, đoàn phóng viên quốc tế đã hoàn toàn bất ngờ và ấn tượng tốt về điều kiện sinh hoạt, ăn ở, học tập, cải tạo của các phạm nhân. Chính những hành động thiết thực và minh bạch đó đã trực tiếp bác bỏ các thông tin sai sự thật, không đúng thực tế của một số cá nhân, tổ chức vẫn vu cáo Việt Nam đối xử, giam giữ, không quan tâm tới các vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe hoặc điều kiện môi trường trại giam không bảo đảm… Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai được gán nhãn hiệu “tù nhân lương tâm”, bởi các chiêu trò tuyệt thực, vu vạ giờ chẳng qua mắt nổi bất kỳ ai. Vì vậy, thay vì tiếp tục lừa mị dư luận, những người này hãy nhanh chóng tỉnh ngộ, hối cải, tập trung cải tạo tốt để sớm hoàn lương, xây dựng lại cuộc sống.