GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN TRONG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
Học sinh, sinh viên là một bộ phận quan trọng của thanh niên Việt Nam, vừa là đội hậu bị tin cậy của Đảng trong sự nghiệp cách mạng. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Do đó, bồi dưỡng, phát huy vai trò, trách nhiệm của học sinh, sinh viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là hết sức quan trọng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tạo ra những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng tạo ra những mặt trái tác động đến giới trẻ. Hện nay, có một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên sa đà vào thế giới ảo; thờ ơ với chính trị, phai nhạt niềm tin, lý tưởng; lập trường tư tưởng chưa vững vàng, nhận thức còn mơ hồ về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Một số sinh viên ngại tham gia các hoạt động của cộng đồng, có lối sống thực dụng; thiếu ý thức trong học tập và rèn luyện; không có ý chí phấn đấu vươn lên; dễ có tâm lý chán nản, bi quan trước những thất bại, vấp ngã dẫn đến bị lợi dụng, lôi kéo.
Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách thâm nhập, tác động vào học sinh, sinh viên để tạo dựng lực lượng; thành lập các hội, nhóm trá hình để kích động, lôi kéo học sinh, sinh viên trong nước tham gia; tìm cách tiếp xúc, lôi kéo du học sinh tham gia các tổ chức phản động lưu vong thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta. Cụ thể, chúng thông qua các chương trình học bổng, hội thảo quốc tế, sử dụng Internet để tuyên truyền, kích động; đăng tải thông tin sai sự thật hoặc thông tin sai về bản chất lên các trang mạng xã hội nhằm đánh lừa người đọc; tập trung khai thác tính lan tỏa, tương tác, chia sẻ phát tán thông tin giả mạo, xấu độc, thông tin thật giả lẫn lộn trên không gian mạng tác động đến niềm tin của giới trẻ; đưa những hình ảnh có nội dung xấu độc lên trên các website, mạng xã hội nhằm mục đích tuyên truyền, xuyên tạc, chống đối Đảng, Nhà nước, gây hoang mang và tạo dư luận xấu. Thậm chí chúng còn tìm cách len lỏi vào các ký túc xá sinh viên, giảng đường, đến các hội thảo khoa học… lôi kéo, kích động, tụ tập đông người, phản ứng tập thể… nhằm tạo ra sự bất ổn về chính trị tư tưởng trong đời sống sinh viên và xã hội.
Để đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn trên; đồng thời phát huy vai trò xung kích của học sinh, sinh viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của sinh viên về trách nhiệm của bản thân trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình tư tưởng chính trị của học sinh, sinh viên để kịp thời định hướng. Các cơ sở giáo dục cần tăng cường giáo dục văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho học sinh, sinh viên, giáo dục, tập huấn những kỹ năng cần có khi tham gia không gian mạng để học sinh, sinh viên chủ động nhận diện và có ý thức đấu tranh trước những âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để học sinh, sinh viên vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cần tăng cường công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với sinh viên. Tổ chức Đoàn, hội sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện, các trường PTTH cần nghiên cứu xây dựng các chuyên trang định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
Thứ ba, chú trọng công tác phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong học sinh, sinh viên, lan tỏa các thông tin tích cực theo phương châm: “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động: “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” đạt chất lượng, hiệu quả cao. Qua đó, những yếu tố tích cực, cái đẹp tự lan tỏa trong đời sống xã hội. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng theo dõi, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý những đối tượng chống đối, cơ hội, bất mãn chính trị đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, kích động trên internet, mạng xã hội.
Thứ tư, chú trọng công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên. Ban Giám hiệu nhà trường cần quan tâm và có những hình thức, biện pháp để khuyến khích học sinh, sinh viên phấn đấu vào Đảng. Tạo điều kiện để học sinh, sinh viên được học tập, rèn luyện trong môi trường văn hóa tích cực. Cải thiện điều kiện học tập cũng như điều kiện sinh hoạt tại các ký túc xá, trong đó cần chú trọng các sân chơi phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh.
Thứ năm, mỗi học sinh, sinh viên có ý thức tu dưỡng rèn luyện bản thân, nhận thức đúng, có thái độ đúng đối với trách nhiệm của bản thân trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần tích cực học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kiến thức và bản lĩnh chính trị. Luôn chủ động và tỉnh táo trước những âm mưu luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Mỗi học sinh, sinh viên cần trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết khi tham gia mạng xã hội, nhất là kỹ năng ứng xử trên không gian mạng.
QUANG MINH