Góc khuất kẻ rút gạch dưới chân tường (bài 2)
Dù nguyên tắc tập trung dân chủ (TTDC) đã khẳng định tính cách mạng trong tổ chức đối với đảng chân chính cầm quyền; nó cũng chứng minh tính tất yếu qua quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng ta. Tuy nhiên, ở nhiều lúc, nhiều nơi, nguyên tắc này đã bị biến tướng, lợi dụng. Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc này.
TS Nguyễn Sĩ Dũng trong bài viết “Văn hóa nêu gương” trên Báo QĐND Cuối tuần số đặc biệt ra ngày 17-5-2020 nhận định: “Từ những chiến sĩ cách mạng, không ít người dần dần trở thành các “ông quan” cách mạng… Rất đáng tiếc, đây là hiện tượng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn”. “Ông quan” cách mạng như cách nói của TS Nguyễn Sĩ Dũng là cụm từ không còn xa lạ hiện nay. Hiện tượng này là một thách thức nghiêm trọng đối với đảng cầm quyền, nó hoàn toàn xa lạ với bản chất của Đảng ta. Những “ông quan” xuất hiện khi cá nhân được tổ chức trao quyền lực để thực hiện nhiệm vụ vì Đảng, vì dân nhưng đã biến quyền lực của tổ chức thành quyền lực cá nhân; sử dụng thứ quyền lực đó để thao túng, áp đặt vì lợi ích của mình. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến thanh danh của Đảng, khiến nhân dân không còn tin vào tổ chức đó. Những “ông quan” này lớn lên từ những tổ chức đảng bị mất dân chủ, dân chủ hình thức, mất đoàn kết, nguyên tắc TTDC đã không được thực hiện lại còn bị lợi dụng, bóp méo. Không ít những đảng viên và người dân phải chịu oan ức, đau khổ do những “ông quan” này gây nên.
PGS, TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nhận định qua bài viết “Bệnh quan liêu và giải pháp khắc phục bệnh quan liêu trong công tác tổ chức cán bộ”, cho rằng: Bên cạnh những mặt tích cực trong việc phát huy dân chủ, thực hiện dân chủ, trong thời gian qua, ở nước ta, một số nơi, dân chủ đã bị biến dạng trở thành sự tùy tiện tự do vô tổ chức, vô kỷ luật, quyền lực nhà nước bị một số người lợi dụng vào mục đích cá nhân… Trong việc điều hành, quản lý, một số cán bộ trong bộ máy nhà nước thay vì phải đi sâu, đi sát cơ sở, gắn bó với thực tiễn, với nhân dân thì họ quản lý chủ yếu qua chỉ thị, mệnh lệnh, xa rời thực tế.
Vụ việc tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại Hòa Bình năm 2018 vừa bị tòa án xét xử. Có một vấn đề nổi cộm trong vụ án này mà nhiều bị cáo là giáo viên chấm thi khai tại tòa là: “Không thể làm khác bởi cấp trên yêu cầu tôi phải làm thế”. Việc lời khai đó đúng hay sai sẽ tiếp tục được tòa làm rõ ở cấp tiếp theo, tuy nhiên điều tưởng là vô lý này lại khá phổ biến qua các vụ việc sai phạm bị phanh phui. Cấp dưới biết sai nhưng phải làm theo chỉ đạo. Điều đó cũng có nghĩa, dân chủ đã bị triệt tiêu, tiếng nói phản biện không có chỗ, chính kiến trở thành “xa xỉ”. Khi đó, chỉ còn một thành tố là tập trung và nó dễ dàng bị biến tướng thành chuyên quyền, độc đoán, trái nguyên tắc. Người thừa hành chỉ có hai sự lựa chọn, làm sai hoặc không làm theo chỉ đạo. Và nhiều trường hợp không làm theo chỉ đạo đã bị trù dập, tước đi các cơ hội, thậm chí bị loại khỏi tổ chức đó. Những vi phạm kéo dài của tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị, các đảng viên trong tổ chức đó chắc chắn biết. Nếu được hỏi họ có đồng tình với cái sai đó không thì đại đa số không đồng tình. Nhưng vì sao nguyên tắc TTDC trong sinh hoạt, công việc của Đảng, của tổ chức bị vi phạm nghiêm trọng mà đảng viên ở đó không thẳng thắn chỉ ra, không đấu tranh đến cùng? Đây là vấn đề Đảng ta cần thực sự nghiêm túc nhìn nhận, nghiêm túc đánh giá để có những lời giải thỏa đáng, nó cũng là vấn đề sống còn của Đảng. Cái cần thiết nhất ở đây là chúng ta phải có cơ chế khuyến khích được phát huy dân chủ, thẳng thắn đấu tranh với cái sai nhưng phải có cơ chế thực sự bảo vệ được những đảng viên, những cá nhân đấu tranh với cái sai. Trên thực tế, Đảng đã có những quy định này nhưng nó chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế.
Nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng, từ những sai phạm theo kiểu “bịt mắt” ở một số tổ chức thời gian qua cho thấy, chúng ta đang thiếu những tiếng nói phản biện trong nội bộ các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị dẫn đến tình trạng tập thể chỉ còn là nơi thừa hành mệnh lệnh của người lãnh đạo, trong đó có những mệnh lệnh hoàn toàn vì lợi ích cá nhân. Cần phải hiểu rằng đây là tiếng nói phản biện trong tổ chức, trong khuôn khổ kỷ luật, kỷ cương của Đảng chứ không phải phản biện vô tổ chức. Nếu không duy trì và bảo vệ được những tiếng nói phản biện trong tổ chức này thì vô hình trung sẽ tạo ra lỗ hổng lớn trong kiểm soát quyền lực. Khi quyền lực được kiểm soát tốt thì người đứng đầu rất khó để làm sai chứ không muốn nói là không thể làm sai.
Có một thực tế, càng gần đến các kỳ đại hội đảng, bầu cử trong Đảng thì ở một số tổ chức lại xuất hiện khuynh hướng dân chủ hình thức, hay cụ thể hơn đó là hiện tượng “mị dân” theo chủ nghĩa dân túy. Nhưng cũng từ góc nhìn của đại hội, các công việc của Đảng thì cũng có khuynh hướng muốn lợi dụng dân chủ để gây chia rẽ, bè phái, vô tổ chức. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”(1). Đây là kiểu phát ngôn “nói lấy được” nhằm đánh bóng hình ảnh hoặc vì mục đích cá nhân, không đúng chủ trương, đường lối, nguyên tắc của Đảng, thiếu tính khả thi, không đúng thẩm quyền của họ. Mọi đảng viên phải cảnh giác với khuynh hướng này. Về bản chất đây đều là những hiện tượng xuyên tạc nguyên tắc TTDC và giải quyết vấn đề không đúng bản chất nguyên tắc.
Trong giai đoạn hiện nay, đã xuất hiện những quan điểm phủ nhận nguyên tắc TTDC. Họ phân lập hai yếu tố riêng rẽ khi dựa vào các sai phạm trong một vài tổ chức để cho rằng nguyên tắc này đã lỗi thời, lạc hậu. Họ xuyên tạc, TTDC là ngọn nguồn sinh ra độc tài, bóp nghẹt sự sáng tạo, nó chỉ phù hợp khi Đảng còn đang hoạt động bí mật, chưa thực sự cầm quyền lãnh đạo. Khi đó Đảng buộc phải thực hiện TTDC để thâu tóm quyền lực, sử dụng kỷ luật hà khắc để thống nhất tổ chức. Còn bây giờ nếu cố tình thực hiện nguyên tắc TTDC trong Đảng sẽ là ngọn nguồn sinh ra độc tài, quan liêu, bóp nghẹt sự sáng tạo, triệt tiêu những chính kiến… Từ những ngụy biện đó, họ yêu cầu loại bỏ nguyên tắc này trong mọi hoạt động của Đảng.
Nhìn nhận quan điểm trên như thế nào? Chúng ta thấy rằng, cách nhìn đó tưởng rằng khách quan nhưng thực chất khá tinh vi và phiến diện. Về bản chất thì TTDC vốn không chỉ nhằm thống nhất, xây dựng kỷ luật hành động cho toàn Đảng mà còn nhằm phát huy mọi sáng kiến, sáng tạo, trí tuệ của đảng viên như đã phân tích. Dù là lúc Đảng ta còn hoạt động bí mật, hay khi cầm quyền, vai trò lãnh đạo tuyệt đối đã được khẳng định thì mọi công việc của Đảng đều phải dân chủ trong bàn bạc, thảo luận đi đến thống nhất thì mới có được chủ trương, đường lối, nghị quyết giá trị nhất, phù hợp với thực tiễn để lãnh đạo. Điều này là biện chứng, nếu Đảng ta không chứng minh được bản chất tốt đẹp, sự tiến bộ, cách mạng của mình từ khi còn hoạt động bí mật hay hiện nay thì không bao giờ Đảng được tập thể đảng viên, nhân dân tin tưởng, đi theo, không bao giờ có được thành quả cách mạng xứng đáng. Trên thực tế, có những tổ chức, cá nhân không hiểu hay cố tình làm sai nguyên tắc sinh ra chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, nhưng đó là sai phạm của những tổ chức, con người cụ thể, việc làm cụ thể chứ không phải sai về bản chất của Đảng.
Điều tất yếu, Đảng là một tổ chức của những người tự nguyện cùng thống nhất ý chí và hành động để đấu tranh cho giai cấp, dân tộc nên tổ chức ấy phải có nguyên tắc hoạt động. Đảng Cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng đã xây dựng và thừa nhận TTDC là nguyên tắc tổ chức cơ bản dựa trên thực tế khách quan, từ nhận thức quy luật và quan hệ biện chứng của sự vật hiện tượng. Nguyên tắc ấy đã chứng minh tính đúng đắn qua thực tiễn. Chỉ khi Đảng thay đổi bản chất thì nguyên tắc tổ chức cơ bản này mới bị bác bỏ. Khi không còn thừa nhận nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng thì đương nhiên bản chất của Đảng cũng không còn. Đây là mục đích mà các thế lực tập trung chống phá muốn đạt được. Cho đến hôm nay, những người cộng sản chân chính ở Liên Xô và các nước Đông Âu vẫn tiếc nuối với sự đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự mất vai trò lãnh đạo của các Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản Liên Xô, một trong những đảng cộng sản hùng mạnh đã phút chốc bị tước đi quyền lãnh đạo. Đó là sự đau đớn tột cùng của những người cộng sản. Họ đã vi phạm nguyên tắc như thế nào? Sự rệu rã của Đảng Cộng sản Liên Xô đã đến từ lâu, khi chính đảng đã phạm sai lầm không thể tha thứ, đó là tự tước bỏ nguyên tắc TTDC, cho phép đa nguyên về chính trị, đa nguyên ý kiến, thậm chí xét lại cả những vấn đề hạt nhân cốt lõi như nền tảng tư tưởng, nguyên tắc tổ chức. Để hợp pháp hóa những đặc quyền, đặc lợi, nhóm đảng viên có quyền lực đã chung tay cải tổ mà thực chất là tư bản hóa chế độ. Đó là điều tất yếu khiến các đảng này tan rã.
(còn nữa)
(QĐND)