Từ Luật an ninh mạng đến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Kẻ có tật mới phải giật mình!
Ngày 17/6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc này ra đời nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, ngay sau khi bộ quy tắc này được ban hành liền bị các đối tượng chuyên núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền” lu loa, vu khống với những luận điệu xảo trá quen thuộc nhưng cũng không kém phần nguy hiểm, nào là “Bộ Quy tắc này gây mất tự do ngôn luận”, “gây quan ngại cho những người hoạt động cổ súy cho tự do và nhân quyền”, nào là “các công ty sẽ trở thành công cụ kiểm duyệt cho nhà nước”, nào là “công chức nhà nước trở thành những kẻ chỉ điểm trên không gian mạng” và đủ thứ luận điệu vu cáo trắng trợn khác hòng phục vụ mục đích đen tối của chúng.
Quay lại trước đó, vào năm 2018, các đối tượng núp bóng cái gọi là đấu tranh cho “dân chủ”, “nhân quyền” cùng một số kẻ thiếu hiểu biết cũng từng nhao nhao tấn công Luật An ninh mạng, kêu gào về việc sẽ bị “bịt miệng”, bị “mất quyền tự do ngôn luận” trên không gian mạng… Thực tế thì sao? Các quy định liên quan đến bảo đảm an ninh mạng được đưa ra không những không gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận mà nó đã góp phần bảo vệ sự an toàn của người dân trên mạng xã hội. Nhiều vụ việc chia sẻ, tán phát thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, gây hoang mang dư luận hoặc xâm hại quyền riêng tư, “tấn công” người khác trên mạng xã hội đã được cơ quan chức năng xử lý quyết liệt theo Luật An ninh mạng, được người dân đồng tỉnh, ủng hộ.
Cũng tương tự như Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không phải là “công cụ để Nhà nước ngăn cản tự do ngôn luận” như những gì các đối tượng xấu cố tình rêu rao. Mục đích ban hành Bộ Quy tắc chính là hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Nếu ai sử dụng mạng xã hội văn minh, lành mạnh, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam thì đương nhiên chẳng bị ảnh hưởng gì và chẳng việc gì phải lo lắng. Chỉ có những kẻ chăm chăm lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi xấu xa, vi phạm pháp luật mới phải giật mình, lo lắng, sợ hãi. Không thể có một thứ “tự do” vô thiên, vô pháp ở bất cứ môi trường nào, kể cả trên không gian mạng.
Thực tế cho thấy, mạng xã hội dù là thế giới ảo nhưng những hậu quả mà nó gây ra lại là thật, tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống, sinh hoạt của nhiều cá nhân, hoạt động của các tổ chức. Vì vậy, việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nói riêng và việc hoàn thiện hành lang pháp lý về an ninh mạng nói chung là yêu cầu cấp thiết hiện nay để xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, văn minh. Điều chúng ta cần làm bây giờ là tuân thủ đúng các quy định, tham gia mạng xã hội một cách văn minh, lịch sự và tuyệt đối không nghe theo lời xúi giục, kích động chống phá của các đối tượng xấu, cơ hội.
Hòa Xuân