HRW LẠI “BA HOA CHÍCH CHÒE”!

Ngày 04/10 vừa qua, hàng loạt các nhà đài thiếu thiện chí với Việt Nam như VOA, RFA… đồng loạt đăng tải các bài viết trong đó lu loa rằng tổ chức HRW vừa có báo cáo gửi Liên hợp quốc hôm 3/10 nói rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam “đã xấu đi nghiêm trọng” kể từ đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) lần thứ ba vào tháng 01/2019 và thúc giục Việt Nam phải “khẩn cấp cải thiện nhân quyền”. Theo tổ chức này, trong kỳ kiểm đểm UPR năm 2019, chính phủ Việt Nam đã bác bỏ mọi khuyến nghị sửa đổi các điều luật 109, 117 và 331 về “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự. Từ đó tới nay, chính quyền Việt Nam đã truy tố ít nhất 139 người theo những điều luật này, “chỉ vì họ lên tiếng chống lại sự bất công, chỉ trích chính phủ hoặc ủng hộ các nhà hoạt động cộng đồng”. Những cái tên mà HRW dẫn ra cũng chẳng có gì xa lạ, như: Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Thành, Nguyễn Lân Thắng…

Trong báo cáo của mình, HRW tiếp tục vu khống “Đảng Cộng sản Việt Nam tìm cách duy trì tình trạng độc tài quyền lực bằng cách tùy tiện bắt giữ và truy tố những người bị xét xử bất công vì đăng tải những quan điểm chỉ trích chính phủ, tham gia các tổ chức độc lập và vận động cải cách chính trị…” và “các tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên vùng sâu vùng xa, đã bị sách nhiễu, đe dọa, cưỡng ép từ bỏ đức tin, tố cáo công khai, bắt nạt, thẩm vấn, hành hung, bị bắt giam và truy tố tùy tiện”, cùng với đó, “Việt Nam đã mở rộng đàn áp các nhà hoạt động chính thống hoạt động về các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, như trường hợp của Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên…” HRW kết luận, việc Việt Nam tự ứng cử và trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một “trò hề công lý” và “vết đen” đối với cộng đồng quốc tế và HRW kêu gọi Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên, Hoa Kỳ, Canada và một số nước khác sử dụng thỏa thuận về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) như là một trong những “đòn bẩy cần thiết” để gây áp lực buộc Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền hơn…

Thực tế thì những cái tên mà HRW dẫn ra ở trên thực chất là những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam và bị pháp luật trừng trị. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của người dân, trong đó có quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận trong khuôn khổ luật pháp. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc và luật pháp quốc tế. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của công dân, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ nhân quyền, song Việt Nam kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu và hành động đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, lợi dụng quyền tự do để chống phá Đảng, chính quyền và nhân dân HRW không có tư cách và cơ sở nào để gây áp lực đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền thông qua vụ việc của các nhân vật trên.

Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) quy định rất rõ rằng: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”. Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền. Thể chế chính trị ở Việt Nam là do lịch sử, dân tộc, nhân dân Việt Nam lựa chọn, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc, được quốc tế, các quốc gia và các tổ chức chính thức thừa nhận, tôn trọng. Vì vậy, không một quốc gia, tổ chức nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. HRW cũng không ngoại lệ! Việc HRW hết lần này đến lần khác cố tình xuyên tạc, bôi lem tình hình nhân quyền tại Việt Nam, ra sức can thiệp, gây sức ép nhằm phá hoại những thành quả tốt đẹp trong quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước, luật pháp quốc tế, cần phải bị lên án mạnh mẽ!

H.X.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.