HRW TRẮNG TRỢN BÔI NHỌ, XUYÊN TẠC, XÚC PHẠM NỀN TƯ PHÁP VIỆT NAM!

Ngày 14/7 vừa qua, ngay sau khi Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên y án 6 năm tù đối với Trương Văn Dũng (sinh năm 1958, trú tại số 69, ngõ 73, Nguyễn Lương Bằng, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, hàng loạt trung tâm phá hoại tư tưởng nước ngoài, như BBC News Tiếng Việt, RFA – Đài Á Châu tự do, VOA Tiếng Việt… liền đăng tải các bài viết xuyên tạc. Trong đó dẫn lời của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hành động của Trương Văn Dũng là “việc làm ôn hòa thực hiện quyền căn bản của công dân”, là “thực hành các quyền tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa”, là “dũng cảm đứng lên đấu tranh chống suy thoái môi trường, chống chiếm đoạt đất đai và tham nhũng, đáng được tuyên dương chứ không phải bị bỏ tù”… Phó Giám đốc Ban Châu Á của HRW cũng cho rằng: “Trương Văn Dũng không được giảm án vì các phiên tòa phúc thẩm của Việt Nam đã trở thành một trò đùa buồn cười, chỉ nhằm mục đích gieo hy vọng hão huyền và đánh lừa cộng đồng quốc tế”, “tại Việt Nam, không có công lý tại các tòa án do chính phủ kiểm soát đối với bất kỳ ai bị cáo buộc phạm tội chính trị”.

Thực tế thì sao?

Thứ nhất, về hành vi của Trương Văn Dũng: Từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2022, thông qua trả lời chương trình “Từ cánh đồng mây” tại một file video và một file audio, Trương Văn Dũng có hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền những luận điệu “chiến tranh tâm lý”, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân thông qua các bài phỏng vấn, video, clip đăng tải trên mạng xã hội. Y còn có hành vi tàng trữ tài liệu dạng sách với tiêu đề “Những mảnh đời sau song sắt” và 11 tài liệu dạng sách với tiêu đề “Chính trị bình dân” có mục đích thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân…, có 31 băng rôn, biểu ngữ được in trên vải bạt và 11 tài liệu được in trên giấy với nhiều kích thước khác nhau có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bấy nhiêu hành vi đó vẫn chưa đủ để kết tội tuyên truyền chống Nhà nước hay sao? Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của người dân, trong đó có quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận trong khuôn khổ luật pháp. Song song với việc tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của công dân, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu và hành động lợi dụng quyền tự do để chống phá Đảng và chính quyền nhân dân. Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị. Trương Văn Dũng không phải ngoại lệ!

Thứ hai, về việc xét xử của Tòa án các cấp tại Việt Nam: Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Điều 103 Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rất rõ rằng: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013 cũng ghi rõ: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.” Quyền tư pháp bao gồm: Quyền xét xử của Tòa án (trọng tâm); các quyền khởi tố, điều tra, truy tố, thi hành án và bổ trợ tư pháp của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án và các cơ quan bổ trợ tư pháp nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức để duy trì công lý. Trong đó, Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Từ những điểm trên có thể thấy, ông Phil Robertson – Phó Giám đốc Ban Châu Á của HRW đang có những phát ngôn bôi nhọ, xuyên tạc, xúc phạm nghiêm trọng nền tư pháp của Việt Nam! Cùng với đó là hành vi hậu thuẫn, tiếp tay cho những kẻ âm mưu lợi dụng tự do dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam là hết sức nguy hiểm, cần phải bị lên án mạnh mẽ!

M.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.