Khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài – Lợi ích cá nhân, đánh đổi giá trị đạo đức, kéo lùi sự phát triển của đất nước
Trong những năm gần đây, khái niệm về “khai thác IUU” (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trên lĩnh vực thủy sản, bởi vì họ phải chạy đua với bài toán: Làm sao giải quyết vấn đề “rút thẻ vàng” hàng thủy sản Việt Nam của Ủy ban Châu Âu (gọi tắt là EC).
Chuyện là: Bạn ra chợ mua cá, bạn thường chỉ quan tâm xem cá đó có tươi ngon không, có chất bảo quản không, ăn vào có an toàn không, chứ chẳng mấy ai quan tâm đến việc cá đó được đánh bắt như thế nào. Nếu giả sử bằng một cách nào đó bạn biết con cá mình mua được khai thác trái phép thì bạn có mua không? Đa số trong chúng ta vẫn mua, và chúng ta nghĩ: “Nếu đánh bắt trái phép thì đó là trách nhiệm của người đánh bắt, không phải là của mình”. Thế nhưng, chính quyền các nước phát triển không nghĩ vậy. Ngoài việc trừng phạt những kẻ đánh bắt cá trái phép, người ta còn đặt ra quy định cấm buôn bán, vận chuyển và sử dụng những con cá đã được đánh bắt trái phép, bởi biển là của toàn nhân loại, bảo tồn và thống nhất về lợi ích là trách nhiệm chung của từng quốc gia.
Ngày 23-10-2017, sau quá trình kiểm tra hoạt động thủy sản Việt Nam, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, vì Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU. 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Sau thời gian thử thách, nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” – tức không một kilogram thủy sản nào của Việt Nam được nhập vào thị trường Châu Âu, thị trường số 2 của thủy sản Việt Nam. Cũng như Campuchia, khi bị “thẻ đỏ”, ngành thủy sản coi như “tiêu đời” và Việt Nam, sau 2 năm EU cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng của năm 2019 với 251 triệu USD. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng xuất khẩu qua EU đã tụt xuống đứng thứ 5.
Quay lại vấn đề “khai thác IUU”, một tàu cá được coi là khai thác IUU nếu tàu cá thực hiện các hoạt động vi phạm các quy định bảo tồn và quản lý, bao gồm: đánh bắt mà không có giấy phép hợp lệ trong một khu vực cấm khai thác; vượt quá độ sâu cấm khai thác hoặc trong mùa cấm khai thác; sử dụng thiết bị bị cấm cũng như không thực hiện nghĩa vụ báo cáo nguồn gốc, làm sai lệch danh tính hoặc cản trở công tác của thanh tra. Đây là “luật chơi” của EC, khi các nước đã tham gia vào các hiệp định đối tác, các tổ chức kinh tế quốc tế thì không thể nào nằm ngoài “sân chơi” và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm, nhất là vấn nạn khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài, khai thác lén lút, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng của tàu cá, ngư dân Việt Nam vẫn đang là bài toán nan giải.
Nhìn vào thực trạng thời gian qua, chỉ trên địa bàn tỉnh Phú Yên tính từ 2010 đến nay, có tới 09 vụ với 10 tàu cá với 97 ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ trong quá trình khai thác xâm phạm vùng biển nước bạn. Một cái nhìn ngắn hạn, có thể thấy mỗi chuyến biển đánh bắt xa, xâm phạm vùng biển nước ngoài như: Philippin, Indonesia, Malaysia và xa hơn là Brunei, Palau…với các sản phẩm khai thác được là hải sâm, cá mập, cá ngừ đại dương mang lại cho chủ tàu lợi nhuận vài tỷ đồng chỉ với thời gian kéo dài chỉ khoảng 01-02 tháng lênh đênh trên biển, quả là hời to đúng không? Nhưng, hệ lụy kéo theo là một cái nhìn xa hơn, khi không trót lọt và bị bắt giữ, chủ tàu sẽ bị xử phạt (phạt tiền và thậm chí là phạt tù), tiêu hủy phương tiện và ngư lưới cụ ngay tại nước vi phạm; chưa hết, khi được trao trả về nước sẽ tiếp tục bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính có thể lên đến 01 tỷ đồng, cấm hoạt động khai thác thủy sản trong một thời gian dài và phải chi trả toàn bộ chi phí đưa thuyền viên về nước; nếu tái phạm sẽ bị áp dụng những hình thức cứng rắn hơn của Nhà nước.
Đó là với bản thân của chủ tàu vi phạm, còn hệ lụy đối với xã hội, chủ tàu vi phạm là tác nhân đưa Việt Nam vào thế bị “thẻ vàng” của EC, khiến những nỗ lực mang đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế coi như đổ sông, đổ bể. Mất mặt Nhà nước, chủ tàu vi phạm còn gián tiếp “hãm hại” những người đồng nghiệp chân chính, những ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật, vươn khơi bám biển phát triển kinh tế địa phương, giữ gìn biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Để rồi đây, khi đất nước vẫn còn tồn tại những “con sâu” kéo Việt Nam đi theo vết trượt của Campuchia – bị “thẻ đỏ”, hàng thủy sản không thể xuất khẩu vào EU, xuất khẩu giảm, giá thủy sản giảm, kinh tế đất nước thụt lùi, bà con ngư dân điêu đứng, rồi con cái họ, rồi gia đình họ sẽ làm gì với những khoản đầu tư khổng lồ vẫn chưa trả kịp cho ngân hàng, rồi….rồi… không biết bao nhiêu mà ước lượng. Vậy, giá trị đạo đức của những kẻ vì giá trị lợi ích đó ở đâu??? Ngẫm!!!
(Hải Sâm)