Khi “Người đưa tin” lại đưa tin sai sự thật!

Chúng ta đều biết báo chí đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh chóng, chân thực nhất những sự kiện thời sự, đồng thời cũng có vai trò không thể thay thế trong việc định hướng thông tin, dư luận xã hội. Điều này ngày càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi mà tình trạng “loạn” thông tin trên mạng xã hội đang diễn ra tràn lan, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị, xã hội. Hơn bao giờ hết, những người làm báo phải nêu cao trách nhiệm xã hội của mình, phải đưa thông tin trung thực, khách quan, chính xác để định hướng dư luận xã hội. Tính chân thực, khách quan là đặc điểm, đặc trưng, là yêu cầu tồn tại của bản thân báo chí và là nguyên tắc đầu tiên để báo chí thực hiện vai trò quản lý xã hội thông qua hoạt động phản biện và giám sát xã hội. Mọi sự phản biện xã hội trên báo chí, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo, vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội. V.I.Lê-nin đã nhấn mạnh: Sự thật là sức mạnh của báo chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường căn dặn các nhà báo phải luôn trung thực, coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức số một của người làm báo cách mạng. Đạo đức của nhà báo là sống trung thực, trong sáng; phải viết chân thực vì chân thực là sức mạnh, là niềm tin.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì hiện nay, hiện tượng “thương mại hóa” báo chí đang có xu hướng gia tăng, bộc lộ ngày càng rõ rệt và dần trở thành một khuynh hướng đáng lo ngại. Diễn tiến của quá trình “thương mại hóa” sẽ là quá trình “tầm thường hóa”, “lá cải hóa” chất lượng nội dung thông tin bởi việc hạ thấp chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học của báo chí, thiếu quan tâm đến tính giáo dục, đến hậu quả, tác động của thông tin đối với cộng đồng… Để được coi là nhanh nhạy, nhiều cơ quan báo chí đã bộc lộ sự cẩu thả trong việc tìm mọi cách chạy đua bằng mọi giá để có những thông tin mới, “nóng”, bất chấp tính chính xác của nội dung thông tin.
*****
Là cơ quan thuộc Hội Luật gia Việt Nam, thiết nghĩ hơn ai hết, Báo điện tử Người đưa tin phải hiểu luật và tôn trọng sự thật nhất. Tuy nhiên, liên tiếp trong những năm qua, báo này bị Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần ra quyết định xử phạt hành chính vì các hành vi vi phạm như: “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng”, “thực hiện không đúng quy định trong giấy phép hoạt động báo chí”, “đăng tải một số bài viết có nội dung mê tín, dị đoan”, dẫn chứng một số vi phạm gần đây nhất của báo này như:
Năm 2015, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 lỗi vi phạm tổng cộng 38 triệu đồng đối với Báo điện tử Người đưa tin vì thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài viết “Trung Quốc đã đi quá đà trong căng thẳng ở Biển Đông” đăng ngày 24/7/2015; thực hiện không đúng quy định trong giấy phép hoạt động báo chí được quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 159; đăng tải một số bài viết có nội dung mê tín, dị đoan.

Năm 2016, Báo điện tử Người đưa tin 3 lần bị Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Quyết định số 21 của Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng đối với Báo điện tử Người đưa tin vì đã đăng thông tin sai sự thật về chi tiết nghi can giết 2 người trong gia đình đại gia kinh doanh ở Cai Lậy, Tiền Giang đã bị Bộ Công an, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với cảnh sát Hoàng gia Campuchia bắt giữ, di lý về nước trong bài viết “Bắt được sát thủ giết gia đình đại gia kinh doanh cà phê Tiền Giang?” đăng ngày 21/1/2016. Gần hai tháng sau, theo Quyết định số 24 ban hành ngày 14/3/2016, Báo điện tử Người đưa tin bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng vì đã đăng nội dung thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại chuyên trang Phụ nữ và Đời sống (phununews.vn) trong bài viết “Vợ khóc không ra tiếng vì “của quý” của chồng to vật vã” đăng ngày 2/3/2016. Và chỉ hai tuần sau đó, ngày 28/3/2016, Cục Báo chí (Bộ TT&TT) lại ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng đối với báo này vì trong bài viết “Phát hiện ruồi trong suất ăn của VietnamAirlines?” trên chuyên trang www.antt.vn có chi tiết không chính xác, vi phạm quy định tại điểm a, Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ. 

Năm 2017, Quyết định số: 255/QĐ-XPVPHC do Cục Báo chí (Bộ TT&TT) ban hành nêu rõ, Báo điện tử Người đưa tin đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Trong bài viết đăng ngày 29/10/2017 trên chuyên trang Phụ nữ & Đời sống (tên miền phununews.vn) của Báo. Báo điện tử Người đưa tin bị xử phạt 140 triệu đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung: Đình bản tạm thời (tước quyền sử dụng giấy phép) của chuyên trang Phụ nữ và Đời sống (tên miền phununews.vn) của Báo điện tử Người đưa tin trong thời gian 3 tháng.

Mới đây, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra Quyết định số: 163/QĐ-XPVPHC, ngày 10/9/2019 quyết định xử phạt hành chính Báo điện tử Người đưa tin với số tiền 10 triệu đồng vì thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong ảnh “Đơn tố cáo” trong bài viết “Phú Yên: Cần sớm làm rõ những dấu hiệu sai phạm để vụ việc không “chìm xuồng”” đăng trên Chuyên trang Khỏe 365 của Báo ngày 16/6/2019. 

Từ những dẫn chứng trên, người đọc có quyền hoài nghi về trách nhiệm xã hội, tính trung thực trong thông tin báo chí của Báo điện tử Người đưa tin và đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo viết những bài báo trên. “Một lần thất tín, vạn lần bất tin”, Báo điện tử Người đưa tin đã nhiều lần “thất tín” như vậy thì liệu có ai còn dám tin tưởng vào những thông tin mà tờ báo này sẽ đưa ra trong thời gian tới? Tại sao cơ quan báo chí này vẫn liên tiếp mắc các sai phạm giống nhau? Phải chăng các mức xử vi phạm hành chính trên là chưa đủ tính răn đe đối với những sai phạm liên tiếp của cơ quan báo chí này?

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *