Ngày 23/01, nhân dịp Tết Quý Mão, fanpage của Việt Tân đã đăng một bài viết của Nguyễn Gia Việt, mang tựa đề “Vì sao bông mai được tôn vinh ở miền Nam?”. Bài này tuyên bố rằng người miền Nam đã chủ động chọn hoa mai, thay vì giữ nguyên hoa đào, làm hoa trưng ngày Tết. Lý do là họ muốn “khác với miền Bắc”, “khẳng định một ý chí độc lập” với miền Bắc Việt Nam. Từ đó, tác giả tuyên bố hoa mai là “quốc hoa” của miền Nam, của chế độ Việt Nam Cộng hòa, và rằng văn hóa miền Nam ưu việt hơn miền Bắc.

Cả những tuyên bố nhăng nhít vừa nêu lẫn nhiều chi tiết khác trong bài đều thể hiện rằng tác giả Nguyễn Gia Việt nói riêng, và đảng Việt Tân nói chung, có trình độ hiểu biết rất hạn hẹp.

Trước hết, đâu là bằng chứng cho thấy người miền Nam đã chủ động chọn hoa mai thay vì hoa đào để trưng trong ngày Tết? Tác giả viết: “Tui có đọc được một tài liệu mà giờ không nhớ là cuốn nào, nói rằng chính Đào Duy Từ là người đầu tiên có ý muốn làm khác biệt với ngoài Bắc. Mùa xuân Tết năm đó ông nhìn những triền đồi ở Miền Trung đầy mai vàng, ông nảy ra ý định lấy bông mai làm quốc hoa chưng ngày Tết ở Đàng Trong để khẳng định một ý chí độc lập”.

Đoạn trích này quả thật nực cười. Nếu không nhớ tài liệu đó là cuốn nào, thì làm sao biết nó có xác thực hay không để mà kết luận? Như vậy, bài viết này có căn cứ lịch sử, hay chỉ là một tin đồn nhảm khác mà Việt Tân tung ra để tuyên truyền mị dân? Và đăng một bài như vậy có khác gì nằm ngửa nhổ ngược, tự làm xấu mặt mình trước mặt những người đọc có hiểu biết?

Nếu có hiểu biết về lịch sử, tác giả sẽ thấy không thể tồn tại một ghi chép khẳng định rằng Đào Duy Từ chọn hoa mai làm “quốc hoa cho miền Nam”. Thứ nhất, Đào Duy Từ không có tư cách ra một quyết định như vậy (vốn thuộc quyền của vua), thứ hai, nhà Nguyễn chưa từng dám xưng là độc lập với triều Lê ở miền Bắc. Thêm nữa, lúc đó nhà Nguyễn chưa đi đến miền Nam, sao lại lôi miền Nam vào để thay cho miền Trung? Đúng là một phát biểu nhố nhăng, không những sai kiến thức căn bản mà còn tự mâu thuẫn.

Nếu chịu nghĩ một chút, tác giả sẽ thấy người miền Nam trưng hoa mai thay vì hoa đào trong dịp đầu xuân là do tự phát trong hoàn cảnh. Hoa đào không nở được ở miền Nam, nên người ta chọn một loài hoa địa phương thuộc cùng họ đào-mận để thay thế. Hoa mai phổ biến nhất, nên họ chọn hoa mai. Ngay cái hành động tiếp tục giữ ngày Tết, và tiếp tục trưng một loại hoa cùng họ với đào, cũng đã cho thấy tâm lý quyến luyến cố hương của họ đang lớn hơn tâm lý muốn độc lập. Nếu muốn độc lập, sao không chọn một loại hoa hoàn toàn khác, hay bỏ Tết để theo tục người Chăm hoặc Khmer? Chỉ cần đặt mình vào vị thế của người miền Nam xưa, người ta sẽ thấy các kết luận của bài viết rất khiên cưỡng.

Không chỉ truyền tải những quan điểm kỳ thị vùng miền, bài viết còn truyền tải quan điểm kỳ thị giới tính. Chẳng hạn như đoạn:

“Bông mai bung thẳng ra, không chúm chím e ấp như đào kiểu đàn bà. Mai nở ở tư thế “uy vũ bất năng khuất” của đại trượng phu.”

Sao lại gán thái độ “e ấp” với “đàn bà”? Và sao lại coi “đàn bà” là thấp kém hơn nam giới? Với thái độ kỳ thị nữ giới như thế, Việt Tân có tư cách tự xưng là một tổ chức theo đuổi lý tưởng nhân quyền không? Sự thể rõ ràng ngược lại: Việt Tân là một tổ chức già cỗi đầy những định kiến bảo thủ, và chỉ hành động để trả thù cũ.

Bài viết càng nực cười hơn khi trích dẫn một bài thơ của Tôn Thọ Tường, làm khi quân Pháp chiếm đồn Cây Mai, và nói rằng đó là thơ ca yêu nước. Xin trích một đoạn về Tôn Thọ Tường trên trang Wikipedia tiếng Việt (mà người viết đã nêu rõ sử liệu được tham khảo), để các bạn nhìn rõ hơn lòng yêu nước của ông ta: 

“Năm 1855, Tôn Thọ Tường được tập ấm làm quan, nhưng chỉ được giao một chức quan võ, không hợp với khả năng nên ông từ chối. Vì túng thiếu, ông phải đi làm bài thi mướn để lấy tiền. Việc bại lộ, ông bị bắt giải về Kinh đô Huế. Vua Tự Đức xét đến công lao của cha ông và nhận thấy ông cũng là người có tài nên gia ơn tha tội.

Ông trở về Nam, khi đi qua tỉnh Bình Thuận, các viên quan ở đây vì mến tài, muốn bổ ông chức thông phán, nhưng bộ Lại không chấp nhận. Việc này càng làm cho Tôn Thọ Tường bất mãn triều đình Huế.

Đến Gia Định, ông lập lại Bạch Mai thi xã, để cùng các bạn xướng vịnh. Năm 1862, Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông được chính quyền mới mời ra nhận chức tri phủ Tân Bình, nên được người đời gọi là Phủ Ba Tường. Đô đốc Bonard muốn dùng ông dùng uy tín của mình để dụ hàng Trương Định, nhưng không thành công. Năm 1863, ông được cử làm ký lục trong phái bộ của Phan Thanh Giản sang Pháp và Tây Ban Nha.

Năm 1867, ông được nhà cầm quyền Pháp phái về Ba Tri (Bến Tre) để dụ hàng nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng hai người con Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm, nhưng thất bại.

Năm 1871, ông được thăng đốc phủ sứ.

Tháng 2 năm 1872, viên chủ quận Vũng Liêm tên Thực bị nghĩa quân ở nơi đó giết chết, ông được cử đến thay. Sau, vì không ổn định được tình hình nơi ông cai quản, nhà cầm quyền Pháp rút ông về dạy Hán văn ở trường Hậu Bổ (Collège des Stagiaires) Nam Kỳ.

Năm 1873, ông được tham dự phái đoàn của Pháp sang Trung Quốc hai tháng. Năm 1875, Tôn Thọ Tường làm việc dưới quyền của Tổng Lãnh sự Pháp De Kergaradec ở Bắc Kỳ.

Năm 1877, trong một lần theo viên lãnh sự này đi quan sát miền thượng du Bắc Kỳ, ông mắc bệnh sốt rét ác tính rồi mất.”

Như vậy, Tôn Thọ Tường là người không đỗ đạt gì, làm quan chỉ nhờ lí lịch gia đình, sau là nhờ quan hệ và thời thế. Ông ta làm bài thi thuê, khi bị phát giác cũng được tha nhờ lí lịch. Không được triều đình tuyển làm quan do có phốt, ông chuyển sang bất mãn với triều đình. Khi thực dân Pháp xâm lược, ông ngoan ngoãn làm quan cho Pháp đến cuối đời, và được Pháp tin dùng để dụ hàng những người khởi nghĩa như Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu.

Dễ thấy Tôn Thọ Tường rất muốn được làm quan, và chỉ thật sự được làm quan nhờ người Pháp. Đó là lý do ông thà làm thơ than thở khi Pháp xâm lược chứ không chịu từ quan. Ông ta ham hố quyền lực, yêu nước bằng mồm, và quỵ lụy quân xâm lược nước ngoài, cũng như Việt Tân. Khi Việt Tân trích dẫn Tôn Thọ Tường, ta phải nhìn nhận rằng họ hoặc dốt sử, hoặc có nhân cách kém.

HSV