Không có thẩm quyền và tư cách
“Đã mù màu còn thích tập tô!”, đó là ý kiến trên mạng xã hội khi nhận xét cái gọi là “bảng xếp hạng chỉ số dân chủ” do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố vừa qua.
Theo đó, nhìn vào thứ tự trong “bảng xếp hạng chỉ số dân chủ” năm 2021 của EIU, không khó nhận ra thứ tự đó không khác mấy so với đủ thứ “bảng xếp hạng” mà các tổ chức nhân danh dân chủ ở phương Tây thi thoảng vẫn công bố. Nghĩa là dân chủ ở các nước phương Tây và thân phương Tây luôn đứng trước, còn dân chủ ở các nước không đi theo con đường mà các thế lực ở bên ngoài mong muốn thì luôn đứng sau. Và xem xét cách thức EIU tiến hành để tính điểm xếp hạng là rõ ràng thấy sự thiếu nghiêm túc. Như mô tả thì để tính điểm, EIU đưa ra 60 câu hỏi với các chuyên gia, mỗi câu có hai hoặc ba lựa chọn trả lời. Sau đó EIU căn cứ vào bình quân các câu trả lời để tính “chỉ số dân chủ”, rồi xếp hạng. Đáng nói là vin vào lý do “ẩn danh để không bị chỉ trích”, EIU không cho biết chuyên gia cụ thể là ai, đang làm việc trong lĩnh vực chuyên môn nào, đã có bao nhiêu người tham gia trả lời… Vì thế dư luận từng thẳng thắn chỉ rõ không thể tin cậy “bảng xếp hạng chỉ số dân chủ” của EIU. Thậm chí còn có thể đặt ra giả thuyết: Đó là thứ “chỉ số” được tạo dựng theo ý muốn của EIU?
Từ năm 2006, EIU bắt đầu tự tiện “kiểm tra tình trạng dân chủ ở 167 quốc gia” để công bố “bảng xếp hạng chỉ số dân chủ”. Và ở đây, vấn đề không chỉ là mù mờ về danh tính chuyên gia và số liệu không tin cậy, quan trọng hơn là quan niệm và cách thức EIU tính điểm xếp hạng. Bởi, dân chủ ở một quốc gia không phải là lĩnh vực EIU chỉ ngồi một chỗ hỏi ý kiến của một nhóm người nào đó là có thể định lượng, xếp hạng. Muốn đánh giá dân chủ ở một quốc gia, phải dựa trên một khảo sát thực tế một cách toàn diện, cụ thể về toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của xã hội, như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục,… với sự tham gia trực tiếp của nhiều người. Chính vì thế, mấy tiêu chí EIU đưa ra để đánh giá dân chủ ở một quốc gia chỉ là sự phiến diện một cách có chủ ý, không có thẩm quyền, tư cách để đánh giá vấn đề dân chủ ở bất kỳ quốc gia nào.
(Thời Nay)