Không khoan nhượng với những khuynh hướng chính trị gần với chủ nghĩa cơ hội
Từ lý luận và thực tiễn phong trào cách mạng, chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ ra rằng giai cấp công nhân không thể thực hiện vai trò cách mạng của mình trừ khi họ nỗ lực tự giác để đấu tranh chống lại sự buông lỏng, buông thả, phụ thuộc vào chủ nghĩa cơ hội và sự xuyên tạc các lý thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin dựa trên các khuynh hướng chính trị biến thể gần với chủ nghĩa cơ hội. Vì vậy, trong cuộc đấu tranh bảo vệ những giá trị nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, việc nhận diện những khuynh hướng chính trị gần với chủ nghĩa cơ hội là trách nhiệm rất quan trọng của những người cộng sản.
Nhận diện những khuynh hướng chính trị gần với chủ nghĩa cơ hội chính là tìm ra mối quan hệ chặt chẽ giữa các khuynh hướng chính trị giống với chủ nghĩa cơ hội như là chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa hòa giải,… tất cả các biến thể này của chủ nghĩa cơ hội đều trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy yếu cuộc đấu tranh cách mạng của những người cộng sản và của nhân dân lao động.
Đặc điểm chính trị của những người theo chủ nghĩa xét lại là tuân theo một thái độ chính trị vô kỷ luật, bất kiên định cùng với sự kết hợp và phát triển các lý thuyết thích ứng với những thăng trầm trong các hoàn cảnh chính trị khác nhau. Những người theo chủ nghĩa xét lại sẵn sàng hy sinh hoặc bán rẻ lợi ích cơ bản, chính đáng của giai cấp vô sản vì một số lợi ích, cơ hội khác của họ. Những đặc điểm này của chủ nghĩa xét lại là phù hợp với nội dung của chính sách cơ hội và chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa cải cách. Bởi vì, suy cho cùng chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa cải cách cũng chính là những lời rao giảng chính trị được ngụy trang với một trật tự xã hội công bằng, tốt đẹp hơn có thể được thiết lập thông qua một số chỉnh sửa mơ hồ trong cuộc sống và điều kiện làm việc của quần chúng lao động. Mặc dù, trong thực tế những cải cách này có thể tạo ra một số cải tiến nhỏ, nhưng về bản chất vẫn ủng hộ trật tự lạc hậu, bất công của xã hội cũ mà không muốn thay đổi. Hơn nữa, những người theo chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa cải cách tự cho mình là những “vị cứu tinh” chân thành và thân thiện với quần chúng nhân dân lao động, lôi kéo nhân dân lao động, lôi kéo những người cộng sản ra khỏi mục tiêu của các cuộc cách mạng chính nghĩa và làm cho tình thế cách mạng vô sản trở nên lung lay và thất bại.
Còn đối với những người theo chủ nghĩa hòa giải chính sách lại có xu hướng đưa ra những điểm bất đồng nhưng sau đó lại dùng cách thức thỏa thuận vô nguyên tắc, cơ hội để tránh mất lòng rồi kết thúc ở một chính sách “ngoại giao” không lành mạnh. Mục đích của chủ nghĩa hòa giải chính sách là che giấu bản chất của các vấn đề quan trọng, vì vậy, người theo chủ nghĩa hòa giải cố gắng thiết lập sự thống nhất vô căn cứ và nửa vời. Bằng cách đó, họ ngăn cản sự hội tụ, đoàn kết của những người muốn thống nhất và đoàn kết trong phong trào cách mạng vô sản.
Kinh nghiệm lịch sử đấu tranh của các lực lượng cách mạng ở các quốc gia khác nhau đều chứng minh một thực tế là nhân dân lao động và những người chân chính sẽ luôn luôn bị phản bội mỗi khi họ tin tưởng và tín nhiệm những người theo các khuynh hướng chính trị gần hoặc giống chủ nghĩa cơ hội.
Ở Việt Nam hiện nay, những biểu hiện của các tư tưởng, xu hướng chính trị gần với chủ nghĩa cơ hội có điểm khác so với những biểu hiện trong Quốc tế cộng sản, trong thời kỳ hoạt động của C.Mác và V.I.Lênin. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị không vững vàng, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng” và “Vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ”. Thực tiễn những năm đổi mới vừa qua, tư tưởng, xu hướng chính trị gần với chủ nghĩa cơ hội biểu hiện ra bên ngoài bằng các hành vi của một bộ phận những kẻ bất chấp lợi ích của Đảng, của nhân dân, tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng tộc. Họ say mê quyền lực, địa vị, coi đó như một thứ có thể mua bán, tiến thân, từ đó mà khéo luồn lách, nịnh bợ để lấy lòng cấp trên, để tranh thủ lá phiếu trước mỗi lần bầu cử. Họ kéo bè, kết cánh, “móc ngoặc” trên dưới, trong ngoài, tìm mọi cách để “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy danh”, “chạy lợi”, “chạy chỗ”, “chạy bằng cấp”, “chạy tuổi” và khi bị phát hiện, xử lý thì tiếp tục “chạy tội”, “chạy án”…
Vì vậy, nhận diện và phản bác, đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng, xu hướng hướng chính trị gần với chủ nghĩa cơ hội ở Việt Nam hiện nay thực chất là cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là cuộc đấu tranh “sống mái”, lâu dài chống chủ nghĩa cá nhân, chống thái độ và hành động cơ hội, cải lương, xét lại và chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực, thù địch… để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Nghĩa vụ thiêng liêng của những người cộng sản chính là bảo vệ giá trị nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Mỗi Đảng cộng sản, mỗi người cộng sản phải có phương pháp để chủ động đấu tranh quyết liệt chống lại những tư tưởng, xu hướng chính trị gần chủ nghĩa cơ hội để xây dựng và củng cố tư tưởng và tổ chức của Đảng Cộng sản.
Muốn phản bác, đấu tranh, trước hết, cần phải phân biệt rằng giá trị của những kẻ có khuynh hướng chính trị gần với chủ nghĩa cơ hội khác hoàn toàn với giá trị cách mạng của những người cộng sản. Sự trung thực về chính trị đến từ sức mạnh trong khi đạo đức giả đến từ sự yếu kém, cơ hội. Sự khác biệt quan trọng này thể hiện xuyên suốt trong đấu tranh chính trị, đường lối và thái độ, quan điểm kể từ thời C.Mác tới V.I.Lênin và cho đến những người cộng sản hôm nay: “nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ một chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình” vì suy cho cùng, đạo đức cách mạng và giá trị vai trò của mỗi bên đều bắt nguồn từ lợi ích lịch sử mà họ đại diện cho ai.
Tiếp sau việc phân biệt trên, điều quan trọng của những người đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin ngày hôm nay hay ngày mai chính là ở chỗ phải có niềm tin cách mạng và nhiệt tình cách mạng ngay cả trong những giai đoạn tưởng như êm ấm hoặc khi có những phản ứng mạnh mẽ của những kẻ có khuynh hướng chính trị gần với chủ nghĩa cơ hội đang chiếm ưu thế lớn. Tổ chức cách mạng chỉ có thể được xây dựng bằng lòng tận tụy và niềm tin vào cách mạng trong mọi điều kiện, bằng lòng say mê cách mạng, kiên quyết, kiên trì làm việc, tuyên truyền và tổ chức cho cách mạng. Đây chính là một trong những vấn đề cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa cách tiếp cận cách mạng với cách tiếp cận của những khuynh hướng chính trị gần với chủ nghĩa cơ hội. Những kẻ có khuynh hướng chính trị gần với chủ nghĩa cơ hội luôn tránh tổ chức và tuyên truyền cho cách mạng với lý do biện minh rằng cách đấu tranh này không thuận tiện cho hoàn cảnh, nhằm mục đích kiềm chế càng nhiều càng tốt làn sóng cách mạng của giai cấp vô sản, của những người cộng sản khi tình thế cách mạng nổ ra.
Và hơn hết, phản bác, đấu tranh với những kẻ, những lực lượng có khuynh hướng chính trị gần với chủ nghĩa cơ hội vẫn là phải có “thái độ không khoan nhượng đối với các vấn đề mang tính nguyên tắc”. Đây cũng là cách thức quan trọng để bảo vệ giá trị nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin.
H.B / thinhvuongvietnam