Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội luôn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, nhất là các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để vu khống, xuyên tạc, bất chấp thực tế là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết thực hiện theo những nguyên tắc và luật pháp quốc tế. Một trong những thủ đoạn được chúng sử dụng thường xuyên đó là cố tình đánh lận bản chất khi cho rằng, tự do ngôn luận, tự do báo chí chính là kiểu tự do “vô thiên vô pháp”, từ đó ra sức cổ xuý cho những đối tượng có hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Pháp luật quốc tế quy định về quyền con người như thế nào?
Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) cũng quy định rất cụ thể rằng: 1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận… 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Như vậy, theo luật pháp và nguyên tắc quốc tế, nhân quyền nói chung và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng không phải là vô hạn, mà trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp của từng quốc gia.
Việt Nam đã cụ thể hóa quyền con người ra sao?
Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình phát triển đất nước. Các quyền cơ bản của con người ở Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Cụ thể, Điều 25 Hiến pháp nước CHXNCN Việt Nam ghi rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016 đã dành hẳn Chương II để nói về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó, Điều 13 quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: “1. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. 2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. 3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”.
Cần nhắc lại, ở Việt Nam không tồn tại cái gọi là “nhà báo độc lập”, “blogger độc lập”… Những danh xưng này thực chất là của những thế lực thù địch cố tình đánh tráo khái niệm, đánh lận bản chất, hà hơi tiếp sức cho kiểu tự do “vô thiên vô pháp” của những đối tượng xấu – những kẻ chuyên lợi dụng dân chủ, nhân quyền nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin nói riêng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Ở Việt Nam cũng như ở bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, vô luận ai có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Việc các tổ chức thù địch, phần tử cơ hội, phản động cố tình lươn lẹo, lập lờ đánh lận con đen, đánh tráo khái niệm hòng bao che, dung túng cho những phần tử chống đối thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là hành động không thể chấp nhận được, cần phải bị lên án mạnh mẽ!