Virus tin độc: Âm mưu xuyên tạc chiến lược vaccine, phủ nhận kết quả chống COVID-19 của Việt Nam

Hàng loạt những thông tin, hình ảnh không rõ nguồn gốc, được cắt ghép, xuyên tạc nhằm vẽ nên một bức tranh đen tối về một Việt Nam tang thương trong đại dịch COVID-19.

Trên internet xuất hiện những đợt tấn công dồn dập của các thế lực thù địch

Âm mưu thâm độc phủ nhận những kết quả chống dịch của Việt Nam

Virus SARS-CoV-2 đang làm toàn thế giới đảo lộn. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi cả nước gồng mình chống dịch.

Đối mặt với virus SARS-CoV-2 đã khó khăn, chúng ta lại phải đối mặt thêm với 1 loại virus cực kỳ độc hại nữa đó là virus tin giả. Nó làm cho chúng ta đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Đối diện với nó, phân tích và chỉ ra những tác hại của nó là việc rất cần thiết lúc này.

Đáng nói hơn, hiện tại có không ít kẻ lợi dụng tình hình khó khăn trong chống dịch để xuyên tạc, bôi đen nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân nhằm gây hoang mang trong nhân dân, phá hoại đại đoàn kết toàn dân và đặc biệt là phủ nhận vai trò của nhà nước Việt Nam trong công cuộc chống dịch. Các đối tượng này tung tin giả để kích động hòng làm mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Chương trình Đối diện tháng 8 với chủ đề “Chống virus tin độc” đã phân tích các thủ đoạn của các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị nhằm chống lại những luận điệu xuyên tạc này.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi biến chủng Delta xuất hiện, số người nhiễm tăng nhanh, những ca tử vong cũng xuất hiện. Trong khi Đảng, Nhà nước, các lực lượng tuyến đầu và nhân dân ngày đêm chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe của nhân dân thì trên internet cũng xuất hiện những đợt tấn công dồn dập của các thế lực thù địch. Hàng loạt những chỉ trích cho rằng: “Chủ trương phòng chống dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước không đúng hướng, phân biệt vùng miền, không quan tâm đến nhân dân”.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc để làm sao có được vaccine nhanh nhất, nhiều nhất phục vụ công tác phòng chống dịch. Nhưng cũng chính lúc này, trên mạng xã hội xuất hiện những giọng điệu lạc lõng cho rằng “chính quyền lừa dối dân trong chiến lược vaccine”.

Phục vụ những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt này là những thông tin, hình ảnh không rõ nguồn gốc, được cắt ghép, xuyên tạc nhằm vẽ nên một bức tranh đen tối về một Việt Nam tang thương trong dịch bệnh.

Những âm mưu thâm độc này có mục đích phủ nhận những kết quả của Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19. Lớn hơn là làm suy giảm niềm tin của Nhân dân dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Để chống dịch, Đảng, Nhà nước đã rất nỗ lực. Giãn cách, cách ly, liên tục cải tiến phác đồ điều trị, xây dựng tháp 4 tầng, rồi 5 tầng, để làm sao cứu từng mạng người, hạn chế lây nhiễm. Bên cạnh đó lo cái ăn cái mặc cho người dân, lo cho doanh nghiệp duy trì sản xuất. Tuy nhiên trên mạng xã hội, vào thời điểm nước sôi lửa bỏng này, lại càng xuất hiện nhiều những lời chỉ trích ác ý vào công tác chống dịch của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Đơn cử như một bức ảnh trên, một người đàn ông tự thiêu với những lời bình luận rằng nguyên nhân là do ông này phẫn uất với cách chống dịch của chính quyền, là tùy tiện, là “vi phạm nhân quyền, đẩy người dân vào cảnh thiếu đói, đời sống đảo lộn”. Sự thật thì không phải như vậy. Điều này các cơ quan chức năng và thân nhân của người đàn ông này đã khẳng định.

Còn rất, rất nhiều những hình ảnh, thông tin tương tự như vậy nữa được các đối tượng đưa ra nhằm lèo lái dư luận, những người nhẹ dạ cả tin, theo hướng mà họ mong muốn. Ví dụ như “chính quyền chỉ quan tâm tới chống dịch mà chẳng mảy may đoái hoài tới người dân đang vẫy vùng trong đói khổ cùng cực”. Thế nhưng, trái ngược với điều này, thực tế từ ngay những người dân đang sống trong tâm dịch lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Phản bác luận điệu chính quyền bỏ mặc người dân

Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 7 năm nay, trên các trang đài báo nước ngoài không có thiện chí với Việt Nam đã có hơn 100 bài viết có nội dung liên quan đến dịch COVID-19. Còn trên mạng xã hội thì số lượng còn lớn hơn nhiều.

Nội dung không xuyên tạc về công cuộc phòng chống dịch của Việt Nam, thì cũng kích động để gây chia rẽ giữa người dân và chính quyền.

“Mùa dịch Covid, đảng không giúp dân mà “ngăn sông cấm chợ” tức là giết dân”.

“Chỉ biết ra lệnh phong toả, cách ly rồi mặc dân sống chết ra sao.”

“Ai sẽ giúp người nghèo không chết đói giữa phong toả”.

Những lời kêu ai oán này được đăng tải cùng những hình ảnh được cắt ghép thô thiển, vụng về, xuất hiện từ một số tài khoản trên mạng xã hội, nhất là khi Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội nghiêm ngặt được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ trích phương thức chống dịch mới chỉ là một trong nhiều thủ đoạn mà các đối tượng này sử dụng. Để đào sâu thêm hố ngăn cách giữa chính quyền và người dân, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch còn tung lên mạng những luận điệu xuyên tạc, vu vạ rằng chính quyền quay lưng lại với nhân dân trong đại dịch.

Nhưng thực tế thì sao? Khi dịch bệnh lan rộng, ngay đầu tháng 7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cho người lao động bị ảnh hưởng. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tới nay cũng đã ban hành 2 gói hỗ trợ với giá trị gần 1800 tỷ đồng. Các chính sách này đều được triển khai rất nhanh và đến tận tay những người dân thực sự cần hỗ trợ.

Những túi an sinh được trao trực tiếp cho từng người dân. Những người có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai mong muốn về quê về quê tránh dịch cũng được tạo điều kiện thuận lợi nhất. Những người dân trong vùng dịch hiểu chính quyền đang nỗ lực vì mình.

Còn ở đâu đó ngoài lãnh thổ Việt Nam, có những kẻ ngồi trong phòng lạnh, múa tay trên bàn phím để thể hiện thái độ cay cú, hằn học với chính quyền thì cũng là dễ hiểu. Bởi đã dám chối bỏ Tổ quốc thiêng liêng, cắt đứt mọi sợi dây liên kết quê hương thì còn gì mà không xuyên tạc để phục vụ những động cơ xấu.

Mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết, vùng miền

Trong tổng thể chiến lược “diễn biến hòa bình”, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị, bên cạnh thông tin xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, thì cũng rất ưa thích thủ đoạn kích động chia rẽ vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ví như một kịch bản mà các đối tượng này tự vẽ ra gần đây, đó là đằng sau việc các tỉnh huy động y bác sĩ vào giúp Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch là có cả một mưu đồ chính trị, từ đó kích động người dân tẩy chay, từ chối sự giúp đỡ chống dịch bởi thành phố có thể tự phòng chống dịch.

Những đối tượng này gợi lại quá khứ đau thương của dân tộc khi bị đế quốc thực dân chia đôi miền Nam – Bắc để phụ họa cho giọng điệu: Hai miền không thể là một trong cuộc chiến chống dịch. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các đối tượng bên ngoài và những kẻ cơ hội chính trị trong nước lại càng tăng cường chống phá, hòng làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên những gì họ xuyên tạc đều bị chính những người trong cuộc bóc trần.

Cũng trong đợt dịch này, khi đoàn tình nguyện viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ phòng chống dịch, một phụ nữ viết trên Facebook, với hàm ý là “không cần đến sự xuất hiện của đội tình nguyện, vì Sài Gòn đang bận dữ lắm…”.

Nhiều phần tử thiếu thiện chí, đã mượn cớ này, để hùa theo đưa ra những bình luận ác ý. Rằng “Sài Gòn đâu thiếu bác sĩ giỏi”, hay “không cần các người vào đây hô hào”… Thậm chí, là kích động người dân Thành phố tẩy chay, từ chối sự giúp đỡ của các địa phương khác.

Với phát ngôn này, cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh xử phạt vì đăng tải thông tin gây hoang mang về công tác hỗ trợ, phòng chống COVID-19.

Lại có những bình luận theo kiểu: “Hà Nội cũng giãn cách, nhưng rau vẫn đủ, củ vẫn thừa, bò heo gà vịt đầy sạp chợ. TP. Hồ Chí Minh cũng giãn cách nhưng sao lại phải ăn cứu trợ…”.

Những bình luận như thế này, không chỉ gây tâm lý chia rẽ vùng miền mà còn khoét sâu thêm vào nỗi khó khăn, vất vả mà người dân Thành phố đang phải dốc sức để vượt qua.

Thực tế, người dân cả nước đang hướng về Thành phố Hồ Chí Minh và những tỉnh phía Nam với những tình cảm và sự sẻ chia chân thành nhất.

Như ở huyện Nam Trà My, và huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam dù bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng từ người già đến con trẻ, mỗi người từng cân thịt, gói cá khô… gói ghém gửi vào chút ân tình cho thành phố đồng bào ở Hải Dương, Bắc Ninh, hay Bắc Giang cũng vậy.

Đến nay, Thành phố đã nhận được hơn 800 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa, nhu yếu phẩm với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng từ nhiều tỉnh thành để hỗ trợ chống dịch.

Những lời lẽ trên được lồng ghép trong các bài phân tích, những video clip được dàn dựng công phu. Nhưng thực tế thì sao? Hơn 13 triệu liều vaccine đã được tiêm miễn phí cho mọi đối tượng ở nhiều địa phương trong cả nước.

Ngoài việc ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, thì việc phân bổ vaccine cũng được Bộ Y tế tính toán hợp lý trên nguyên tắc công bằng, minh bạch giữa các địa phương.

Và hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh được phân bổ vaccine nhiều nhất cả nước, như Quận 11, gần như toàn bộ người dân đã được tiêm mũi 1.

Chiêu trò kích động, phân biệt lại được các thế lực xấu triệt để sử dụng. Họ tự so sánh chất lượng của từng loại vaccine của từng quốc gia sản xuất, rồi tự nhận định rằng loại này tốt hơn loại kia. Từ đó hàm hồ cho rằng “Hà Nội chỉ toàn được ưu tiên các loại vaccine tốt, nhiều địa phương khác phải tiêm vaccine kém”.

Nhưng thực tế, tất cả vaccine được nhập về Việt Nam, đều được Bộ Y tế phê duyệt, được cấp phép sử dụng tại hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ và hầu hết đều được Tổ chức Y tế thế giới WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Rõ ràng, vaccine là rất cấp bách bởi sự xuất hiện của biến thể Delta đã đã tác động rất mạnh đến toàn thế giới và Việt Nam không phải là 1 ngoại lệ. Tới nay, biến thể này đã xuất hiện ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có thể thấy là ngay là cả những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao cũng đang vất vả ứng phó.

Do đó, tại Việt Nam, bối cảnh phức tạp của dịch bệnh cũng là một điều dễ hiểu. Thế nhưng, các mũi dùi chỉ trích dường như đang chĩa về công tác chống dịch của Việt Nam nhiều hơn rất nhiều so với các quốc gia khác?

Câu chuyện ở đây, nếu suy xét cho kỹ thì không phải vấn đề chống dịch. Bởi trước đây, chúng ta cũng đã nghe nhiều những luận điệu tương tự như là Đảng Cộng sản không biết phát triển kinh tế, Đảng không biết chăm lo cho người dân, thì đến nay, Đảng không biết chống dịch cũng là một luận điệu tương tự. Virus SARS-CoV2 thì không phân biệt thể chế. Vấn đề ở đây là trong những đối tượng này, tồn tại virus hận thù đối với chế độ Xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Cả hệ thống chính trị chống dịch: Tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết

Trong khi Việt Nam đang huy động mọi nguồn lực để có thể khống chế và đẩy lùi làn sóng dịch bệnh thứ 4 thì trên nhiều trang mạng xã hội của các tổ chức phản động, chống phá vẫn cứ lặp lại luận điệu cũ rích rằng: “Trong 2 năm qua Đảng tuyên bố các gói hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng thực chất không hỗ trợ dân cái gì, vậy nên công tác chống dịch của Đảng chỉ là hình thức”.

Thực tế thì sao? Chỉ riêng 2 gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng đã và đang đến tay hàng trăm nghìn lao động, lao động tự do, người yếu thế trong xã hội, giúp họ vượt qua được giai đoạn rất khó khăn này.

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài thống nhất ý chí và hành động để chiến thắng đại dịch. Cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt chính là yếu tố cơ bản nhất để chiến thắng dịch bệnh.

Hình ảnh những lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Chính phủ xuất hiện tại các điểm nóng dịch bệnh là nguồn động viên lớn nhất với người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch đồng thời cũng là cụ thể hóa những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh.

Dịch bệnh chưa có trong tiền lệ, cả thế giới cũng đang chống chọi với diễn biến phức tạp, vì vậy giải pháp mà cả hệ thống chính trị Việt Nam đã thực hiện chống COVID-19 luôn luôn thống nhất quan điểm làm gì cũng phải đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết.

Nhiều quyết sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận như thành lập Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19, chiến lược ngoại giao vaccine. Hay mới đây là chiến dịch tiêm chủng cho 70% dân số từ 18 đến 65 tuổi.

Những gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ của Nhà nước đã đến với người dân trong từng khu phố, từng doanh nghiệp. Hàng ngàn tỷ đồng người dân quyên góp, của doanh nghiệp hỗ trợ…đã đến đúng nơi cần kíp nhất. Hàng vạn y bác sỹ, sinh viên xung phong đến những điểm nóng dịch bệnh. Những hội, nhóm từ thiện tình nguyện giúp đỡ người yếu thế.

Bước vào cuộc chiến với đại dịch COVID-19, Việt Nam không phải quốc gia giàu tiềm lực, không phải là quốc gia có kinh nghiệm hay có trình độ chuyên môn cao nhất nhưng chắc chắc, niềm tin và sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị và toàn dân là thứ “vũ khí” mạnh mẽ của người dân Việt Nam đang sở hữu.

Trong một bối cảnh chưa từng có đối với thế giới, không một quốc gia nào dám khẳng định, mình có sự chuẩn hoàn hảo để ứng phó. Việt Nam cũng như vậy. Mọi biện pháp chống dịch được thực hiện dựa trên việc áp dụng những bài học đã có của Việt Nam và thế giới, vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm. Những tình huống nảy sinh là chưa có tiền lệ.

Cả hệ thống chính trị cùng toàn dân đang nỗ lực hết mình chống dịch. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang được toàn dân hưởng ứng. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC, Việt Nam chắc chắn sẽ đẩy lùi được dịch bệnh.

Truyền thống vượt khó của dân tộc ta từ ngàn đời nay vẫn vậy. Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một lô cốt chống dịch. Đồng lòng tin tưởng, chia sẻ khó khăn, tương thân tương ái là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta nhất là trong những lúc khó khăn.

(Theo Vtv.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *