Không thể phủ nhận quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam!

Mới đây, Đài Á Châu tự do (RFA) loan tin Bộ Ngoại giao Mỹ đã tung ra bản Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế. Theo RFA, trong bản báo cáo của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “chính quyền Việt Nam tìm cách đàn áp tự do tôn giáo… điển hình là việc kết án tử một giáo dân là thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù hồi năm ngoái”.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo nhà đài này, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF), hôm 09/6 vừa qua cũng đã công bố phúc trình thường niên về tù nhân tôn giáo nói riêng và tình hình tự do tôn giáo nói chung tại Việt Nam trong năm 2019. Trong bản phúc trình này, USCIRF tiếp tục kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt – CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Có thể nói, đây vẫn là những cái nhìn phiến diện, vu cáo, xuyên tạc trắng trợn quen thuộc của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam. Vì mấy lý do sau:

Thứ nhất, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Chính sách này đã được cụ thể hóa bằng pháp luật và bảo đảm trên thực tế. Cụ thể, Điều 24 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ hai, về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo thực tế của Việt Nam: Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân; đặc biệt, nhiều hoạt động, sự kiện tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam trong thời gian qua như: Kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)…

Thứ ba, về đối tượng Nguyễn Năng Tĩnh mà Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ đề cập trên kia. Có thể khẳng định rằng, đây là chiêu trò lập lờ đánh lận con đen, đánh tráo khái niệm quen thuộc. Nguyễn Năng Tĩnh là một giáo dân song trước hết y là một công dân. Lẽ ra y nên sống “tốt đời đẹp đạo” như lời răn dạy của Chúa, song dưới lớp áo của một “thầy tu”, y đã điên cuồng chống phá chính quyền, kích động nhân dân, thực hiện nhiều hành động đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc. Thông qua trang Facebook cá nhân của mình, y móc nối với các đối tượng cực đoan, phản động trong và ngoài nước để viết, quay, sau đó tổ chức tán phát, đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung xuyên tạc bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc; phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động người dân biểu tình, chống chính quyền; đăng tải các tài liệu có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; cung cấp thông tin bịa đặt nhằm gây mâu thuẫn giữa người dân và các cơ quan công quyền… Hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì phải bị nghiêm trị. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những kẻ núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” lợi dụng mạng xã hội để đăng tải các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động, chống lại Nhà nước Việt Nam.

Vì vậy, có thể thấy, những nhận định trên trong bản Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ và bản phúc trình thường niên của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) là mang tính phiến diện, quy chụp, hoàn toàn không đúng với thực tiễn đang diễn ra ở Việt Nam, không thể chấp nhận được!

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *