USCIRF cần thừa nhận sự thật để đánh giá đúng sự thật

Có điều gì đó thiếu logic và khiến liên tưởng tới “tiêu chuẩn kép” trong việc vào đúng thời điểm nước Mỹ cần xem xét một số vấn đề liên quan nhân quyền qua cái chết của hàng trăm nghìn người vì đại dịch Covid-19 và các hệ lụy tiêu cực xảy ra từ sự kiện người da mầu G. Floyd bị cảnh sát giết hại, thì ngày 10-6-2020, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ (USCIRF) lại công bố cái gọi là “Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2019” (Báo cáo); và tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 11-6-2020, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho rằng, dù có đề cập các thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc bảo đảm, thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam, nhưng Báo cáo: “vẫn có những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng”!

Xét trong tính liên tục của các báo cáo về tình hình tự do tôn giáo thế giới do USCIRF công bố hằng năm, có thể thấy dù có nhiều cuộc làm việc, khảo sát trực tiếp ở Việt Nam, được Việt Nam cung cấp tài liệu cụ thể, chính xác, nhưng những người soạn thảo các báo cáo vẫn sử dụng rất nhiều tin tức do thế lực thù địch, thiếu thiện chí bịa đặt để vu cáo, vu khống, xuyên tạc vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam, và dựa vào đó để đánh giá. Trong các nội dung đó nổi lên một vấn đề là các báo cáo không phân biệt (hay cố tình không phân biệt?) sự khác nhau về bản chất giữa người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với người lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín, dị đoan, chống phá chính quyền. Như trường hợp Nguyễn Năng Tĩnh mà Báo cáo đề cập chẳng hạn. Tại phiên xét xử sơ thẩm tiến hành cuối năm 2019, sau đó là phiên xét xử phúc thẩm tiến hành đầu năm 2020, với bằng chứng rất cụ thể và đầy đủ, Tòa án Nhân dân đã chứng minh Nguyễn Năng Tĩnh thông qua trang Facebook cá nhân đã viết nhiều bài có nội dung xuyên tạc bản chất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm chính quyền nhân dân, chống phá chế độ… Vì thế Nguyễn Năng Tĩnh đã phạm tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và đã bị tuyên phạt mức án 11 năm tù, quản chế 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Qua đó phải khẳng định Nguyễn Năng Tĩnh bị tuyên phạt án tù vì có hành vi vi phạm pháp luật, chứ không phải vì anh ta là công dân theo Thiên chúa giáo. Đáng tiếc, vì không có sự phân biệt rành mạch như vậy, nên Báo cáo đã đưa ra thông tin sai lạc và quy kết thiếu thiện chí.

Tuy nhiên, các đánh giá sai lạc đó không phủ nhận được kết quả thiết thực từ chính sách nhất quán của Việt Nam khi khẳng định tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo của công dân luôn được bảo đảm trên thực tế… Quá trình Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương, chính sách, hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo với 26 triệu công dân (27% dân số) là tín đồ theo các tôn giáo khác nhau; những ngày lễ tôn giáo tầm cỡ thế giới được tổ chức; hàng nghìn nhà thờ, đền chùa được tu bổ hoặc xây mới,… là bằng chứng cụ thể minh chứng về sự thật này. Và USCIRF nên dựa vào đó để đánh giá cho thật sự khách quan.

(Thời Nay)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *