Không thể phủ nhận thành tựu của nền giáo dục Việt Nam

So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam vẫn là một nước nghèo và kém phát triển, sự phát triển kinh tế còn chưa vững chắc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế chưa cao. Trong lĩnh vực xã hội, còn nhiều vấn đề bức xúc đòi hỏi phải được tiếp tục quan tâm giải quyết. Trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo cùng với những thành tựu to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song còn có những yếu kém bất cập.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Những yếu kém, bất cập của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay là một thực tế, tuy nhiên không đến mức làm cho một số người “than khóc”  phải “tị nạn giáo dục”. Đây là một “cái cọc” để cho những kẻ chuyên đi nói xấu, cơ hội chính trị xuyên tạc, quy chụp nền giáo dục ở nước ta là “một thứ hiểm nguy” đến nỗi “phải đưa con cái mình sang trời tây để tị nạn giáo dục”.

Những luận điệu quy chụp với cách nhìn thiển cận ấy, đã bỏ qua những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã đi qua hai cuộc chiến tranh thần thánh để tự bảo vệ mình, tự giải phóng mình và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, từ mặt bằng dân trí hầu như ở con số không để hướng tới một xã hội công bằng dân chủ, văn minh như ngày nay là một thành công, một kỳ tích to lớn. Mọi người dân Việt Nam chân chính đều hiểu rằng nếu không có một nền giáo dục ưu việt, phù hợp với điều kiện của đất nước, thì không thể đi lên tự khẳng định vị thế của mình như ngày nay. Biết bao nhân sĩ trí thức, nhà khoa học được đào tạo, trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, đã và đang đóng góp cho sự thành công và phát triển của nước nhà. Đó là sự thật, và bản thân nó chứa đựng chân lý, không ai có thể dùng ý muốn chủ quan để áp đặt.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, nhiều người Việt Nam đi du học với mục tiêu căn bản là tiếp thu văn minh của nhân loại để làm cho tương lai của bản thân và nước nhà xán lạn hơn, thịnh vượng hơn. Đó là nhu cầu chính đáng, phù hợp với điều kiện nước ta là nước đang phát triển. Cũng cần thấy, không chỉ có người Việt Nam mới đi du học mà rất nhiều nước vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore, và cả những nước đang phát triển như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng có người đi du học. Một ví dụ khác người Hàn Quốc đã đi du học từ sau Thế chiến thứ Hai. Năm 1997, trong lúc Hàn Quốc đang khủng khoảng kinh tế trầm trọng và khó khăn chồng chất, con số du học đã lên đến 150.000 người; đỉnh điểm là vào năm 2011 có 262.000 người, đến nay vẫn có khoảng 230.000 người. Còn Singapore số lượng học sinh đi du học lên đến 25.000 người trong khi họ là đất nước có nền giáo dục tốt nhất châu Á…

Do đó, nếu ai đó cho rằng, người Việt Nam đi du học là “tị nạn giáo dục” thì đó thực sự là một sự quy chụp vô căn cứ, tự hạ thấp bản thân mình, là cái cớ để một số kẻ thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc thổi phồng những khuyết điểm, sai lầm đó và quy kết Đảng, Nhà nước ta không đủ năng lực lãnh đạo nền giáo dục của nước nhà.

Vì vậy, không thể vin vào những khuyết điểm, hạn chế hiện nay trong giáo dục, đào tạo để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước. Đồng thời cũng không thể đồng nhất toàn bộ những hạn chế, khuyết điểm của từng cá nhân, tổ chức, địa phương trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo mà quy chụp nền giáo dục Việt Nam là yếu kém. Làm như vậy là “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, không thấy được bản chất cũng như những thành tựu to lớn của nền giáo dục, Việt Nam hiện nay./.

(Nhanvanviet)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.