KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH BÁC BỎ CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, XUYÊN TẠC VỀ CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG CỦA VIỆT NAM

Trong những năm qua, Việt Nam đã có bốn lần công bố Sách trắng Quốc phòng (đó là các năm 1998, 2004, 2009 và gần đây nhất là năm 2019), trong đó đã xác định chính sách quốc phòng “bốn không”, đó là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Điều này thể hiện rõ sự công khai, minh bạch chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; với phương châm nhất quán là kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn luôn xuyên tạc rằng, chính sách “bốn không” được nêu trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; “không liên minh quân sự”, “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là Việt Nam đã “từ bỏ bạo lực cách mạng trong bảo vệ đất nước”, là “tự trói tay, chân mình”, “tự cô lập mình”, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, chúng còn cho rằng nếu thực hiện chính sách quốc phòng như trên thì Việt Nam sẽ không thể giữ vững chủ quyền, không thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc rồi tìm cách hô hào cổ súy tư tưởng dựa dẫm, lệ thuộc vào các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, hoặc khối NATO, chỉ có liên minh quân sự với các cường quốc trên thì Việt Nam mới giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ được lợi ích quốc gia và dân tộc…

Những luận điệu trên là hoàn toàn vô căn cứ, cố tình xuyên tạc trắng trợn chính sách quốc phòng của Việt Nam. Bởi vì, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là: “Bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”.

Thực tế đã chứng minh, Việt Nam luôn nỗ lực thực thi đúng chính sách quốc phòng đã đề ra, tích cực thực hiện cam kết trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia và đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam cũng cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei… và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây là minh chứng thể hiện rõ mong muốn, thiện chí của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong thực thi chính sách quốc phòng mà không một thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.

Từ phân tích trên cho thấy, chính sách quốc phòng của Việt Nam là đúng đắn; là kế sách giữ nước độc lập, độc đáo, hợp lòng dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Điều đó phản ánh tư duy, tầm nhìn chiến lược; hệ quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong lãnh đạo, chỉ đạo đường lối đối ngoại về quốc phòng. Nhờ đó, chúng ta “thêm bạn, bớt thù”, an tâm phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất; xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do đó, mỗi công dân Việt Nam cần có nhận thức đúng đắn, tích cực tuyên truyền có hiệu quả về chính sách quốc phòng Việt Nam và cần lên án đấu tranh, bác bỏ kịp thời các luận điệu xuyên tạc.

(HTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *