RFA LẠI TÁI DIỄN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC LUẬT AN NINH MẠNG
Với sự ra đời của Luật An ninh mạng (2018), Việt Nam đã có công cụ pháp lý chuẩn mực, vững chắc để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và quyền con người, quyền công dân, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Thế nhưng, các thế lực thù địch với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta vẫn không ngừng xuyên tạc, bôi đen đạo luật quan trọng này. Gần đây nhất, trang mạng của Đài Á châu tự do (RFA) đã tán phát bài viết “An ninh mạng ở 63 tỉnh, thành: Gia tăng đàn áp” có nội dung xuyên tạc, vu cáo rằng, việc triển khai lực lượng an ninh mạng tại 63 tỉnh, thành ở Việt Nam là biện pháp nhằm kiểm soát và đàn áp tự do ngôn luận của người dân… Đây hoàn toàn là luận điệu sai trái, cố tình xuyên tạc Luật An ninh mạng của nước ta.
Như chúng ta đã biết, trong thời đại này, an ninh mạng là một phần quan trọng của bảo vệ an ninh quốc gia. Tại Điều 1 và Điều 4 của Luật An ninh mạng quy định rằng, nhiệm vụ an ninh mạng là bảo vệ chủ quyền không gian mạng của Việt Nam, ngăn chặn các hoạt động xâm nhập, phá hoại từ các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Việc triển khai lực lượng an ninh mạng tại 63 tỉnh, thành là một biện pháp hết sức cần thiết để tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi đe dọa an ninh quốc gia qua không gian mạng.
Ngoài ra, Luật An ninh mạng ra đời là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 để bảo vệ tối đa quyền tự do ngôn luận của người dân. Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”… Tuy nhiên, quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không được lợi dụng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hoặc lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Điều này phản ánh một thực tế rằng, dù tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người, nhưng nó không phải là quyền tuyệt đối. Mỗi quốc gia có quyền và trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội trước các hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để gây tác hại xấu.
Việc RFA cho rằng an ninh mạng được sử dụng để đàn áp người dân là một nhận định sai lầm và thiếu cơ sở, bởi vì việc bảo vệ an ninh mạng là nhằm bảo vệ an toàn cho cả cộng đồng. Bên cạnh việc bảo vệ an ninh quốc gia, Luật An ninh mạng cũng đặt ra nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Điều này bao gồm việc bảo vệ thông tin cá nhân, chống lại các hành vi lừa đảo, tấn công mạng, và bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại trên mạng. Việc tăng cường lực lượng an ninh mạng tại các địa phương, không chỉ mang tính chất phòng vệ mà còn mang ý nghĩa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai các biện pháp tương tự để bảo vệ người dân khỏi các mối đe dọa trực tuyến. Việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ lừa đảo trực tuyến, bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung không phù hợp, và bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân trên mạng là những minh chứng rõ ràng nhất về lợi ích mà an ninh mạng mang lại.
Tóm lại, việc triển khai lực lượng an ninh mạng tại 63 tỉnh, thành là một phần trong chiến lược toàn diện nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và quyền lợi của người dân. Những luận điệu cho rằng đây là biện pháp đàn áp tự do ngôn luận là không có cơ sở và thiếu khách quan. Mọi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không ngừng nâng cao hiểu biết, kiến thức, chấp hành tốt các quy định của pháp luật nói chung và Luật An ninh mạng nói riêng, đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về Luật An ninh mạng của nước ta.
(BBT)