Lại diễn kịch kêu oan, khóc mướn!

Trước, trong và sau mỗi phiên tòa xét xử các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Nhà nước thì những màn kịch kêu oan, khóc mướn, “tẩy trắng” tội danh lại được dịp “bung nở” trên một số hội nhóm truyền thông, mạng xã hội. Đây là những chiêu trò quen thuộc của những tổ chức, cá nhân chống phá đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền” và các hãng truyền thông thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam.

Trò cũ xáo lại

Màn kịch kêu oan, khóc mướn, “tẩy trắng” tội danh được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị diễn đi diễn lại nhiều lần theo cách rập khuôn cùng chung kịch bản, chỉ khác là thay tên đối tượng, thời điểm cùng những hành vi liên quan. Người được các đối tượng rêu rao “dân chủ”, “nhân quyền” xướng tên lần này là Nguyễn Lân Thắng.

Trong phiên xét xử kín sáng 12/4 vừa qua, cáo trạng của VKSND Hà Nội nêu rõ, từ ngày 13/6/2018 đến 31/12/2020, bị cáo Thắng trực tiếp tham gia trả lời phỏng vấn các trang mạng và được đăng tải lên Internet 12 video tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước. Trong đó có 11 nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; 8 nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt; 4 nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân…

Đối chiếu theo Điều 117, Bộ luật Hình sự (tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”), người nào có một trong những hành vi sau nhằm chống Nhà nước sẽ bị phạt tù 5-12 năm: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân hoặc có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân hoặc gây chiến tranh tâm lý. Căn cứ hành vi, tính chất phạm tội của bị cáo, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù về tội danh trên. Ngoài án tù, theo phán quyết của tòa, bị cáo Thắng bị quản thúc 2 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.

Sau khi Nguyễn Lân Thắng bị tuyên phạt bản án nêu trên, trên nhiều trang mạng của các tổ chức, cá nhân chống phá, số báo, đài định kiến với Việt Nam đã đánh tráo bản chất, hướng lái vụ án theo chiều hướng tiêu cực. Trên trang mạng xã hội facebook Việt Tân, BBC, Đài Á châu tự do, VOA, Chân trời mới Media… dùng các từ mĩ miều để tung hô, tán dương Nguyễn Lân Thắng là “nhà yêu nước”, ca ngợi Thắng là “người sống có lý tưởng cao đẹp”. Tổ chức Ân xá quốc tế xuyên tạc việc xét xử là “Việt Nam đang làm xấu vị trí trong Hội đồng nhân quyền”. Các thế lực thù địch đã tạo nên làn sóng phản đối nhằm tẩy chay phiên tòa, “tẩy trắng” tội danh cho các đối tượng, đưa ra yêu cầu phi lý khi đòi “thả tự do” cho Nguyễn Lân Thắng.

Thủ đoạn tiến hành theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, thẩm thấu từ từ, nếu không có cách nhìn nhận, xem xét thấu đáo sẽ dễ sa vào màn kịch giả tạo do họ tạo ra. Tuy nhiên, trên thực tế dù các đối tượng đã giở đủ trò, rêu rao, lu loa, “khóc mướn” trên các trang mạng xã hội để chính trị hóa vụ án với hy vọng tìm kiếm sự đồng tình của dư luận, can thiệp từ bên ngoài song không đem lại kết quả như mong muốn bởi không thể đánh tráo bản chất vụ án. Do đó, chiêu trò này thành ra chỉ là những màn tấu hài lố bịch, tung hứng kệch cỡm.

Không phải đến trường hợp Nguyễn Lân Thắng mà trước đó số đối tượng trong nước chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta như Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương đều nằm trong chiến dịch kêu oan, “tẩy trắng” tội danh từ các thế lực thù địch. Điểm chung là quá trình lầm đường lạc lối của số đối tượng trên có sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực xấu. Khi được các thế lực thù địch, phản động kết nối để trao đổi, phỏng vấn, bày tỏ chính kiến của bản thân về vấn đề tự do dân chủ, nhân quyền, các đối tượng vi phạm pháp luật này cứ ngỡ nhận được sự che chở, bao bọc, thậm chí được đãi ngộ về mặt vật chất nên mặc nhiên trả lời theo chủ ý của kẻ xấu, xuyên tạc tình hình thực tế mà không nghĩ đến hậu quả do sai lầm mà mình gây ra.

Các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động đã khai thác, giật dây, lợi dụng, tiêu khiển số đối tượng trên như những con rối nhằm phục vụ cho những mưu đồ chính trị của họ. Khi những con rối đứng trước vành móng ngựa, phải nhận những bản án nghiêm khắc của pháp luật thì họ lại “thổi lửa”, “ném đá” phiên tòa, diễn màn kịch khóc thuê, kêu oan, để bao biện “tẩy trắng” tội danh.

Thực tế từ trước đến nay, các tổ chức phản động, cơ hội chính trị, các nhà dân chủ giả hiệu, số báo, đài hải ngoại thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn đưa ra luận điệu đả phá theo kiểu “bình mới rượu cũ”. Các thế lực thù địch cố tình bôi đen, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “vi phạm dân chủ, nhân quyền”; đánh lạc hướng, lôi kéo dư luận vào những màn kịch giả tạo do chính họ dàn dựng. Lợi dụng quá trình xét xử, tuyên án nhằm tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ ngành tư pháp và chế độ; kêu gọi một số chính phủ, tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; sâu xa hơn nhằm lật đổ chế độ ở nước ta. Xét đến cùng, đây là một chiêu trò chống phá nguy hiểm trong tổng thể chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.

Không thể bác bỏ tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật

Hơn mười năm qua, cái tên Nguyễn Lân Thắng không còn xa lạ với cộng đồng mạng. Thắng tự phong cho mình là nhà đấu tranh, hoạt động dân chủ nhưng từ lời nói cho đến hành động đều bộc lộ rõ thái độ bất mãn, hằn học, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm tổ chức, cá nhân… Mặc dù đã được cơ quan chức năng nhiều lần giáo dục, nhắc nhở, khuyên răn song Thắng vẫn nuôi tư tưởng, hành vi sai trái. Thế nên khi nghe tin Nguyễn Lân Thắng bị bắt, dư luận cho rằng đó là kết cục đã được dự báo trước.

Quá trình tạm giam, xét xử đối với Nguyễn Lân Thắng, quyền của bị cáo được bảo đảm theo quy định pháp luật. Bản án dành cho Nguyễn Lân Thắng đã được hội đồng xét xử xem xét, đánh giá thấu đáo. Vì vậy, màn kịch tung hô, kêu oan, “tẩy trắng” tội danh cho bị cáo Thắng mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, số tổ chức, cá nhân định kiến đã và đang làm là kệch cỡm.

Quyền dân chủ, tự do ngôn luận là những quyền cơ bản của con người. Song không thể sử dụng các quyền này để chống phá thể chế chính trị, có hành vi trái với lợi ích quốc gia, dân tộc cũng như không thể sử dụng quyền này để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân. Điều này đã được quy định rõ trong các công ước, thông lệ, luật pháp quốc tế. Đối với Việt Nam, hệ thống pháp luật, nền tư pháp đều được xây dựng trên cơ sở nguyện vọng, ý chí của nhân dân, vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Pháp luật Việt Nam được xây dựng phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế và yêu cầu thực tiễn nhằm bảo đảm cho sự phát triển tự do, toàn diện của nhân dân, góp phần xây dựng và duy trì xã hội trật tự, ổn định, ngăn chặn các tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước, xã hội, quyền con người.

Ở Việt Nam, Nhà nước luôn đặt quyền tự do dân chủ của công dân lên hàng đầu, được quy định rõ trong Hiến pháp và các quy định của pháp luật. Thực tế chứng minh, công dân Việt Nam có đầy đủ các quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do lập hội, quyền khiếu nại, tố cáo… và được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm việc thực hiện các quyền đó.

Mỗi tổ chức và cá nhân thông qua nhiều hình thức đa dạng để bày tỏ ý kiến. Pháp luật luôn tôn trọng và bảo vệ những tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của mỗi tổ chức và cá nhân khi đưa lên công khai trên phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội trên tinh thần xây dựng và thượng tôn pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc. Ðồng thời, nếu những tổ chức và cá nhân sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội với mục đích xấu, động cơ không trong sáng, núp dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự do dân chủ mà thực chất là có những hành vi chà đạp lên quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác, xâm phạm đến Nhà nước thì đều phải chịu các chế tài xử phạt tương ứng.

Bất kỳ ai tự cho mình có quyền tự do tuyệt đối, bất chấp tất cả để bán rẻ lương tri, phản bội Tổ quốc, nhân dân, làm con rối, quân cờ cho các thế lực thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước thì đều phải chấp hành những bản án nghiêm minh của pháp luật. Cùng với đó, pháp luật Việt Nam mang tính nhân văn, nhân đạo, tạo cơ hội cho người mắc sai lầm, vi phạm có cơ hội cải tạo, biết “quay đầu là bờ”, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Chu Thắng/CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *