Lại giở trò vu cáo dân chủ, nhân quyền
Vừa qua, hai tổ chức phi chính phủ quốc tế là Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) và Ân xá Quốc tế (Amnesty International-AI) lại giở chiêu trò xuyên tạc, bịa đặt khi ra Tuyên bố vu cáo Việt Nam “trấn áp nhà xuất bản độc lập” và nhiều cá nhân hoạt động dân chủ, nhân quyền. Vậy đâu là sự thật?
Chiêu trò xuyên tạc, vu cáo Việt Nam
Cụ thể trong thông báo này, hai tổ chức là Ân xá quốc tế và Theo dõi nhân quyền vu cáo và yêu cầu, kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay chiến dịch đe dọa, trấn áp một nhà xuất bản độc lập là “Nhà xuất bản Tự do”, yêu cầu cho phép nhà xuất bản này và những người có liên quan được thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Theo cái gọi là tuyên bố chung, hai tổ chức này vu cáo: từ đầu tháng 10, Công an Việt Nam đã “sách nhiễu và đe dọa” hàng chục người có liên quan đến Nhà xuất bản Tự do phát hành những cuốn sách về chính sách công và tư tưởng chính trị ở Việt Nam. Hoạt động sách nhiễu ít nhất đã diễn ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh Huế và các tỉnh Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Ân xá quốc tế cho rằng, các cá nhân bị nhà chức trách nhằm mục tiêu bị xem là những người mua, đọc sách do Nhà xuất bản Tự do in ra hoặc làm việc cho Nhà xuất bản. Họ cũng vu cáo, yêu cầu chính quyền “cần nhanh chóng tiến hành điều tra một cách vô tư, độc lập và hiệu quả” về các cáo buộc.
Nhà xuất bản độc lập mà hai tổ chức này nói đến có tên là Nhà xuất bản Tự do, đã in ấn, xuất bản chui nhiều cuốn sách của một trong những đối tượng cầm đầu núp bóng “xã hội dân sự” Phạm Đoan Trang, như “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”… Đây thực chất là những tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc thể chế chính trị, Đảng, Nhà nước, tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam, vu cáo, quy chụp lực lượng Công an.
Trong các văn kiện pháp luật của quốc tế và Việt Nam, khái niệm “quyền” luôn bao gồm: quyền và nghĩa vụ. Trong đó, tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (1948) và được thể chế trong “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” (1966) đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người hưởng thụ quyền tự do ngôn luận, báo chí.
Theo đó, người dân có quyền tự do ngôn luận, quyền được sử dụng các phương tiện báo chí, thông tin, mạng Internet, các trang mạng xã hội không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người sử dụng quyền này có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật và chấp nhận những hạn chế quyền.
Việc thực hiện những quyền này phải kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt và việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Luật Xuất bản (2012) thì Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản trong phạm vi cả nước. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản. Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo thẩm quyền.
Theo đó: Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền kích động bạo lực…; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Nghiêm cấm: Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản; In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm; phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu; xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép (Điều 10, Luật Xuất bản 2012).
Như vậy, tổ chức gọi là “Nhà xuất bản Tự do” vi phạm tất cả các quy định trên của pháp luật Việt Nam. Đây thực chất là công cụ, tổ chức của nhóm hoạt động đội lốt “xã hội dân sự”.
Nguy hiểm hơn, tổ chức này còn tàng trữ, tán phát các tài liệu có nội dung vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, ra sức tuyên truyền, cổ súy cho dân chủ kiểu tư sản phương Tây; tuyên truyền xuyên tạc, phát tán tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước cũng như thực hiện các hoạt động bảo kê, dung dưỡng, cổ xúy, kích động cho các đối tượng chống phá nhà nước, lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương pháp phi bạo động.
Tổ chức này do đối tượng Phạm Đoan Trang cầm đầu và đối tượng có tên là Nam Khánh đại diện tổ chức Nhà xuất bản Tự do thực hiện thời gian qua.
Rõ ràng hoạt động của Nhà xuất bản tự do là trái phép, vi phạm pháp luật Việt Nam. Những tuyên bố của tổ chức quốc tế vốn giữ cái nhìn lệch lạc, thiếu thiện cảm đối với Việt Nam trong nhiều năm qua là cố tình xuyên tạc, vu cáo tình hình Việt Nam qua sự việc trên.
Âm mưu, thủ đoạn chống phá
Trong thời gian qua, những tài liệu xuất bản trái phép và hoạt động trái pháp luật của Nhà xuất bản tự do đã phát tán không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Sản phẩm “đen” này được các tổ chức, phần tử phản động, các đối tượng cơ hội chính trị tung hô như là những tài liệu “gối đầu giường”, “khai sáng” cho giới trẻ vì tự do? Thực chất là tuyên truyền nội dung xuyên tạc, vu cáo các vấn đề tự do”, “dân chủ”, nhân quyền” và cách thức đấu tranh lật đổ thể chế chính trị ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước pháp quyền XHCN.
Trong một thời gian dài, sau khi in ấn, xuất bản chui, trái pháp luật, những cuốn sách này được quảng cao, giới thiệu, rao bán trên website của nhà xuất bản Tự do, mạng xã hội, người mua có nhu cầu, thực hiện mua online (trên mạng) chuyển tiền vào hệ thống tài khoản được công khai, sau được chuyển qua đường bưu điện, hoặc sử dụng hệ thống shipper (những người giao hàng) đưa đến tận tay người mua để thu tiền bất chính, qua mặt các cơ quan chức năng.
Người ta cũng không lạ để nhà xuất bản này hoạt động, ngoài nguồn tiền bán sách nói trên, các tổ chức phi chính phủ, phản động nước ngoài cũng chi nhiều nguồn tài chính cho chúng hoạt động.
Trong thời gian qua, Luật khoa tạp chí (một dạng tạp chí của các tổ chức xã hội dân sự), Đài phát thanh “Đáp lời sông núi” (Một đài phát thanh phản động hải ngoại) tài trợ, Nhà xuất bản tự do đã tổ chức nhiều đợt phát miễn phí hàng chục nghìn cuốn “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bao lực”… ở nước ngoài và trên nhiều tỉnh thành Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, trong những ngày vừa qua, các cuốn sách, tài liệu phản động này được chính đối tượng Phạm Đoan Trang và tổ chức Luật khoa tạp chí phát tán bản điện tử trên hệ thống internet bởi trang điện tử, tài khoản facebook của chính đối tượng và tổ chức này.
Cuốn “Chính trị bình dân” nội dung chính là tuyên truyền xuyên tạc, tạo ra nhận thức lệch lạc vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, xuyên tạc, nói xấu, vu cáo thể chế chính trị, Đảng và Nhà nước, nhằm mục đích tạo ra nhận thức sai lệch, suy giảm niền tin, kích động hoạt động chống đối, phản động.
Cuốn “Phản kháng phi bạo động” có nội dung hướng dẫn, phổ biến biện pháp, cách thức mà chúng gọi là “đấu tranh” phi bạo động, không gây thương vong, kêu gọi, tập hợp lực lượng biểu tình trái pháp luật, chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Cuốn “Cẩm nang nuôi tù” tuyên truyền xuyên tạc hoạt động của lực lượng Công an, hướng dẫn các đối tượng cách hoạt động trong và ngoài nhà tù, vu cáo hoạt động của lực lượng CAND, cách đối phó lại với hoạt động nghiệp vụ của cơ quan chức năng, cách lợi dụng mạng xã hội, vận động quốc tế, “quốc tế hóa” vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” Việt Nam…
Đây là những tài liệu được in ấn, phát tán trái pháp luật, có nội dung phản động, chống phá phá chính quyền nhân dân hết sức nguy hiểm. Nhân dân cần cảnh giác cùng các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn và tiêu hủy.
CAND