ĐƯỜNG TẮT HAY TỐI, NÓI DỐI HAY CÙNG!

Tục ngữ Việt Nam có câu “Đường tắt hay tối, nói dối hay cùng” để chỉ việc nói dối quanh thì dễ bị lộ tẩy, bộc lộ bản chất xấu. Nhìn lại những gì mà các nhà đài như RFA, VOA, RFI… hay những tổ chức mang danh quốc tế nhưng lại hành xử bất chấp luật pháp, nguyên tắc quốc tế như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AI), Phóng viên không biên giới (RSF), Ủy hội Luật gia Quốc tế (ICJ)… đã làm thời gian qua, chúng ta càng khẳng định câu tục ngữ trên chính xác là để nói về bản chất của các tổ chức này. Gần đây nhất có thể kể đến là việc các nhà đài trên đăng tải bài viết lu loa về việc sau HRW, các tổ chức khác, như: ICJ, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH), Ủy ban Quyền làm người Việt Nam (VCHR) cũng đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) trước phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR 2024, vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền, và cho rằng “tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi nghiêm trọng kể từ đợt UPR lần cuối vào tháng 01/2019”.

Có thể thấy, trong nhiều năm qua, vấn đề dân nhủ, nhân quyền, tôn giáo… luôn được các thế lực thù địch sử dụng như một thứ vũ khí đắc lực phục vụ cho hoạt động chống Việt Nam. Trong đó, thủ đoạn thường xuyên được các phần tử cơ hội, thế lực thù địch sử dụng chính là xuyên tạc, bóp méo, phản ánh sai sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù chúng có tung ra bao nhiêu giọng điệu dối trá thì vẫn không thể che lấp được một sự thật hiển nhiên là ở Việt Nam quyền con người luôn được tôn trọng, phát huy, nhân dân thực sự làm chủ đất nước và quyết định con đường phát triển của mình. Tôn trọng, bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa phù hợp với thực tế đất nước và tương thích với các chuẩn mực quốc tế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Trên thực tế, tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. So với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam không thua kém về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người. Ngay cả Mỹ hiện nay vẫn là nước duy nhất trên thế giới chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về trẻ em năm 1989. Quốc gia này cũng chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966. Với các công ước quốc tế về quyền con người đã tham gia, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, giữ vững các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền. Bên cạnh về đích sớm nhất 5 trong tổng số 8 Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam đã xây dựng được Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của đất nước. Việt Nam đang trở thành hình mẫu trong việc tiên phong cam kết và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, được quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam đã tăng 45,8% trong giai đoạn 1990 – 2019, trở thành một trong những nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Với những thành tựu đạt được trong việc bảo đảm nhân quyền, Việt Nam đã được toàn thể Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đề cử với tư cách ứng cử viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Có thể thấy, việc Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 chính là minh chứng rõ nét cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, đồng thời, khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới; là thực tiễn sinh động nhất, bác bỏ hoàn toàn các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chống phá thành tựu bảo đảm nhân quyền của Việt Nam!

Việc các tổ chức thiếu thiện chí thường xuyên núp dưới vỏ bọc “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” để tung ra các bản báo cáo xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia, vùng lãnh thổ “không có tự do” trên thế giới hòng tạo cớ can thiệp, hạ thấp uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, qua đó thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chỉ càng khiến bản chất xấu xa, dối trá của chúng lộ rõ mà thôi!

Q.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *