Làm từ thiện như thế nào để “đúng” và “trúng”

Xuất phát từ tinh thần “tương thân, tương ái”, “là lành đùm lá rách” và sự đồng cảm, sẻ chia với những hoàn cảnh gặp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống, hoạt động từ thiện đã và đang là một nhu cầu của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Tuy nhiên, làm từ thiện như thế nào để tiền từ thiện đến đúng lúc, đúng đối tượng và vừa đủ, không tập trung quá nhiều tiền từ thiện vào một chỗ đến mức không cần thiết là một vấn đề cần được cân nhắc của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân để tránh trường hợp sử dụng tiền từ thiện không đúng mục đích hoặc xa hơn là việc lợi dụng từ thiện để trục lợi.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hiện nay, các thông tin về những hoàn cảnh khó khăn được chia sẻ, kêu gọi quyên góp, ủng hộ phần lớn được đăng tải, chia sẻ qua mạng Internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, với đặc điểm khó kiểm soát, thông tin được kiểm chứng rất ít thì việc ngụy tạo, “xây dựng” nên các câu chuyện giả mạo nhằm trục lợi từ thiện đang là xu hướng của những kẻ muốn “không làm vẫn có ăn”. Và đương nhiên, sớm muộn gì thì các nhóm chuyên lừa đảo qua vận động quyên góp từ thiện cũng bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, mà gần đây nhất có thể kể đến việc Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ đối tượng Trần Văn Lâm (trú tại Hà Nam) để điều tra về hành vi lập, điều hành 08 trang Fanpage kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt với số tiền lên đến hơn 6,6 tỷ đồng; Công an tỉnh Phú Yên bắt giữ đối tượng Nguyễn Thái Hộp và Trần Văn Hùng (cùng trú tại Phú Yên) về hành vi lập, điều hành 02 fanpage kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt với số tiền lên đến hơn 500 triệu đồng…

Ngoài ra, câu chuyện “nghệ sĩ” kêu gọi quyên góp từ thiện với số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng không tiến hành sao kê, minh bạch các khoản kinh phí vận động được từ những nhà hảo tâm đang là vấn đề “nóng”, được chia sẻ, bình luận rầm rộ trên các “diễn đàn” mạng xã hội thời gian gần đây, phần nào làm mất niềm tin của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên khắp cả nước.

Để tránh tình trạng này, các nhà hảo tâm cần tính toán hết sức kỹ lưỡng khi thực hiện công tác từ thiện. Trong trường hợp nhà hảo tâm có khả năng quản lý, sử dụng nguồn tài chính của bản thân để trực tiếp thực hiện công tác từ thiện, thì cần chú ý trực tiếp liên hệ với chính quyền địa phương để xác nhận các thông tin về đối tượng được nhận trợ cấp từ thiện, không tin tưởng những lời kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, mạng Internet khi chưa được xác minh để không bị kẻ xấu lừa dối, lợi dụng lòng tốt để trục lợi. Ngoài ra, cần tính toán thực hiện theo nhiều cách và phù hợp với từng đối tượng cụ thể, ví dụ: nên tặng tiền với những người già yếu, bệnh tật cần tiền cứu chữa; hỗ trợ lương thực, thuốc men cho những trường hợp gặp thiên tai; hỗ trợ tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm đối với những người khó khăn nhưng có sức khỏe, có thể tham gia lao động được…

Nếu nhà hảo tâm không có điều kiện để tự tổ chức, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính của bản thân trong công tác từ thiện thì nhà hảo tâm nên lựa chọn các tổ chức hoạt động từ thiện chuyên nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động (như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin, Hội Khuyến học…), các quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoặc các chương trình từ thiện được Nhà nước bảo trợ để thực hiện công tác từ thiện theo nhu cầu của mình. Ưu điểm của việc thực hiện từ thiện thông qua các tổ chức này đó là nhà hảo tâm có thể tham gia trực tiếp vào công tác từ thiện, dễ dàng giám sát sự công khai, minh bạch các khoản thu, chi; có sự hỗ trợ thường xuyên từ các cấp chính quyền địa phương trong các mặt công tác từ thiện, nhất là việc xác minh, cung cấp thông tin về đối tượng khó khăn để bảo đảm tiền từ thiện đến đúng địa chỉ cần được giúp đỡ.

Việc lựa chọn được phương pháp làm từ thiện hợp lý sẽ phát huy ý nghĩa nhân văn trong hoạt động này, tạo sức lan tỏa, kêu gọi được sức mạnh của cả cộng đồng trong hoạt động từ thiện, giúp hoạt động từ thiện đến được với đúng đối tượng, phát huy hiệu quả. Để làm được như vậy, ngoài cái tâm trong sáng, các nhà hảo tâm phải thật tỉnh táo và sáng suốt, không để lòng tốt của bản thân bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi, mưu lợi cho cá nhân, gây dư luận xấu trong xã hội, tạo cơ hội để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như phủ nhận những đóng góp thầm lặng của các cấp chính quyền, nhất là lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trong việc giải quyết, cứu trợ cứu nạn khi đất nước xảy ra thiên tai, dịch bệnh, giải quyết vấn đề an sinh xã hội./.

M.M.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *