Luận điệu càn quấy chống phá của Việt Tân không thể phủ nhận sự thật

Gần đây, khi cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp ở nhiều nước trên thế giới với những khó khăn mới, nhất là khi những biến thể mới xuất hiện càng gây khó khăn cho việc ngăn chặn đại dịch, thì nhiều nước đã có những điều chỉnh chiến lược, cách thức, mô hình chống dịch mới như Mỹ, Singapo, Ấn Độ… Việt Nam cũng trong xu thế đó, từ nhìn nhận, đánh giá sâu sát hơn diễn biến dịch bệnh và thay đổi tư duy phòng, chống dịch thích ứng tình hình mới, vừa đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng vắc xin, tiếp tục 5K+, nghiên cứu cho phép người đã tiêm đủ vắc xin hoạt động bình thường mới, tích cực điều trị kéo giảm tỷ lệ tử vong, huy động F0 đã khỏi bệnh hỗ trợ chống dịch…

Ảnh trích từ VTV đặc biệt “Ranh giới”.

Đặc biệt, mới đây, bộ phim thực tế “Ranh giới” phản ánh thực tế ở một khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng đã gây “bão mạng”. “Ranh giới” đã quay lại những cảnh chân thực về cuộc chiến giành giật với tử thần của các y bác sĩ, nhân viên trong khu điều trị, cho chúng ta chứng kiến, cảm nhận những gì đang ngày đêm diễn ra sâu bên trong khu điều trị, nhất là khi các bệnh nhân là các thai phụ – những con người mang hai sinh mệnh và đang phải chịu đựng những gì khắc nghiệt, khốc liệt nhất của căn bệnh này. Những cảnh chân thực của bộ phim làm cho bất kỳ ai xúc động cảm phục tinh thần nỗ lực đến những giây phút cuối cùng, đến khi không thể gắng gượng được nữa của đội ngũ y bác sĩ để giành giật hơi thở sự sống cho bệnh nhân. Bản thân họ cũng đứng trước quá nhiều ranh giới, ranh giới của sự lây nhiễm, của ý chí và hy vọng, của đoàn tụ và chia ly …

Vậy mà “Việt Tân” lợi dụng tình hình đó để không ngừng phát tán những luận điệu xuyên tạc càn quấy, “gắp lửa bỏ tay người”, quy kết vu cáo đổi lỗi do đường lối của Đảng, điều hành của Chính phủ, phủ nhận nỗ lực phòng, chống dịch… Bài viết “Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta…” của Trần Diệu Chân đăng trên trang của “Việt Tân” là một ví dụ về dã tâm vu cáo Đảng, Nhà nước “cấm đoán, thậm chí tội phạm hóa các hành xử hay suy nghĩ khác với nhà nước độc tài, lên án ngay cả những người góp ý tốt để cải thiện đất nước là phản động hay phản quốc, và tước đi quyền chính trị căn bản nhất của người dân, đó là quyền chọn lựa người xứng đáng điều hành đất nước và quyền tham chính”.

Tôi tự hỏi tại sao những kẻ không đóng góp gì được cho cộng đồng, cho đất nước thì hay lên giọng quy kết, bịa đặt đổ lỗi, đổi trắng thay đen? Họ không hiểu hay cố tình không hiểu? làm sao có thể lờ đi một thực tế Việt Nam kiên cường phát triển cũng như kiên cường chiến đấu với đại dịch. Làm sao có thể phủ nhận được sự thật là ở Việt Nam, người dân là chủ thể trung tâm của mọi đường lối, chính sách vận hành, phát triển đất nước; vừa là nguồn lực to lớn, vừa là đối tượng trung tâm được bảo vệ trước đại dịch.

Thứ nhất, phải nhắc lại rằng, ở Việt Nam, Nhà nước là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Người dân được quyền dân chủ lựa chọn người đại diện xứng đáng đứng ra thực hiện quyền lực của mình. Mọi quy định lập nên hệ thống chính trị, quy chế vận hành các cơ quan nhà nước, nhất là Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, người đứng đầu chính quyền các cấp đều từ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, do nhân dân bầu nên qua các cơ chế thành lập và hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các quy định, cơ chế và quy trình lấy ý kiến nhân dân tham gia vào xây dựng Hiến pháp và các bộ luật, văn bản pháp quy…

Thứ hai, thực tế 35 năm công cuộc đổi mới đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là minh chứng hiện thực hùng hồn, sinh động, xoay quanh giá trị trung tâm không gì khác ngoài sự phát triển vì con người. Nền kinh tế nước ta ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, mà đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản. Quy mô, trình độ khoa học – công nghệ của nền kinh tế, thu nhập của nhân dân trên khắp các vùng, miền đều được nâng lên. Trong hơn 30 năm qua, GDP bình quân đầu người tăng hơn 30 lần, từ 88 USD năm 1988, thì đến năm 2020, con số này đạt 2.779 USD. Nước ta tích cực góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới, hằng năm xuất khẩu hàng triệu tấn lương thực và nhiều chủng loại sản phẩm hàng hóa khác. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo, 1,5 triệu tấn càphê, xấp xỉ 900 nghìn tấn hạt điều và hạt tiêu, đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD.

Về thị trường, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tham gia vào thị trường trên khắp năm châu, từ thị trường các nước giàu nhất, đến thị trường của các quốc gia chậm phát triển, gồm gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những thành tựu ngoạn mục mà không phải quốc gia nào cũng đạt được chỉ trong hơn 30 năm qua, cho dù họ có xuất phát điểm thuận lợi hơn. Đặc biệt, ở những nơi vùng sâu, miền núi, mức độ tăng thu nhập và thành tựu phát triển kinh tế của các địa phương thể hiện càng rõ hơn. Xuất hiện rất nhiều mô hình nuôi trồng, sản xuất giỏi. Hầu hết các hộ đã có điện thoại, tivi, xe máy, nhiều công cụ sản xuất mới, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch nhanh, năng suất tăng lên, giao thương hàng hóa, du lịch, công nghiệp chế biến không ngừng tăng. Nông sản hàng hóa của đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ, phục vụ thị trường trong nước, mà bước đầu đã có nông sản xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới, như hoa quả của Sơn La vào thị trường Nhật Bản, Úc; sản phẩm chè mátcha của Lai Châu vào thị trường Nga, Nhật Bản. Tới đây, sản phẩm quả mắcca của Lai Châu sẽ có mặt trên thị trường trong và ngoài nước…

Đó là những hiện thực của giá trị phát triển vì con người ở nước ta không thể phủ nhận. Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới vừa qua đã cho thấy, cách thức phát triển của Việt Nam là đúng đắn. Những thành quả của sự phát triển kinh tế đã lan tỏa, tạo điều kiện, là tiền đề cho thực hiện, nâng cao thành tựu trên các lĩnh vực xã hội. Các thành tựu về tiến bộ và công bằng xã hội đã trở thành động lực để thực hiện phát triển kinh tế bền vững. Xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam đạt thành tựu mang tính điển hình của thế giới, đưa Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện thành công, sớm hơn dự định nhiều mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc phát động. Tính đến tháng 1/2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới ở nước ta giảm xuống chỉ còn 4,8% (nếu so với tỷ lệ hộ nghèo trên 50% thập niên 90 của thế kỷ XX, thì đến nay giảm hơn 10 lần). Hệ số GINI có xu hướng giảm, năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là: 0,425; 0,423; 0,375, tức là mức độ bình đẳng thu nhập ngày một tăng lên. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng dần đều theo thời gian, năm 2017: 0,687; năm 2018: 0,700; năm 2019: 0,703 và năm 2020: 0,702; nếu so sánh với các nước có thu nhập trung bình ngang với ta thì họ còn thấp hơn rất nhiều.

Sự phát triển và tính ưu việt của hệ thống y tế, chăm lo sức khỏe cho nhân dân được phát huy từ Trung ương đến cơ sở. Đặc biệt, trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay diễn biến phức tạp, càng chứng tỏ tính ưu việt của hệ thống y tế trong việc huy động tổng lực đội ngũ y sĩ, bác sĩ, cũng như phương tiện vật chất để chăm lo sức khỏe cho nhân dân.

Những ngày này, khi đất nước ta đang dồn sức, nỗ lực đương đầu với đại dịch, tinh thần tương thân, tương ái, nhân văn, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lại càng thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Những tấm gương thầy thuốc, người dân chăm lo cho đồng bào, những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn hơn cả chăm lo cho chính bản thân mình, gia đình mình. Sự tự nguyện trao gửi yêu thương, đùm bọc, sẻ chia trở thành giá trị như một lẽ tự nhiên trong huyết quản của mỗi người. Trong khó khăn càng dấy lên rất nhiều cách làm sáng tạo ủng hộ, hỗ trợ về tinh thần vật chất để cùng chống dịch. Khắp nơi nghĩa cử đồng bào, kể cả kiều bào ở nước ngoài, mặc dù cuộc sống của họ chưa chắc đã là dư dả, nhưng với tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, họ đã, đang chắt chiu ủng hộ vật chất, gửi về những tình cảm gắn kết, chia sẻ khó khăn với đồng bào những nơi bị dịch bệnh hoành hành.

Tất cả những kết quả tiến bộ, những biểu hiện sinh động và cao đẹp đó là gì nếu không phải chính là sự tiến bộ toàn diện và những giá trị nhân văn đã trở thành hiện thực được xây đắp trong từng bước phát triển. Bởi thể chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, chính là cơ chế vận hành, thực thi quyền lực, cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, cải thiện căn bản, toàn diện và không ngừng nâng cao đời sống mọi người dân…/.

Trần Lê Minh/HSV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *