Lãnh đạo tỉnh đối thoại với người dân về di dời chợ Yến: Vì lợi ích của người dân địa phương, mong muốn sự đồng thuận

Ngày 15/7, tại UBND xã An Hòa (huyện Tuy An), UBND tỉnh tổ chức đối thoại với 7 công dân có đơn kiến nghị gửi Ban Tiếp công dân Trung ương và ý kiến trình bày tại buổi tiếp dân vào ngày 28/6/2019 liên quan đến việc di dời chợ Yến. 

1
Đồng chí Phạm Đại Dương (đứng) đối thoại với các hộ dân xã An Hòa về mục đích xây dựng chợ Yến mới. Ảnh: P.V

Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban Đảng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban ngành tỉnh; lãnh đạo huyện Tuy An, xã An Hòa và 7 công dân có đơn kiến nghị. Đồng chí Phạm Đại Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An chủ trì cuộc họp.

UBND xã An Hòa có chủ trương di dời chợ Yến cũ đến chợ Yến mới theo nguyện vọng của cử tri, vì chợ Yến cũ đã xuống cấp nặng, gây ô nhiễm môi trường… Chợ Yến mới được xây dựng cách chợ Yến cũ khoảng 400m, với kinh phí trên 6 tỉ đồng, diện tích hơn 3.000m2. Sau khi tiểu thương chuyển đến chợ mới, chợ cũ sẽ được xây dựng công viên để tạo cảnh quan và khu sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Đến thời điểm này, đa số tiểu thương đã chuyển đến chợ Yến mới để buôn bán theo thông báo của UBND xã An Hòa. Tuy nhiên có 7 công dân, trong đó có hộ không phải là tiểu thương phản đối việc dời chợ, gửi đơn đến UBND tỉnh và Ban Tiếp công dân Trung ương.

Tại buổi đối thoại, 7 hộ dân gồm các ông, bà Nguyễn Đích, Phạm Đình Khắc, Phạm Thị Kim Hoa, Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Thị Thẹo, Lê Thị Xanh, Trần Thị Hoa đã nêu lý do không đồng tình di dời chợ Yến cũ về chợ Yến mới. Ý của các hộ dân cho rằng, chủ trương xây dựng chợ Yến mới, công viên là hoàn toàn đúng, tuy nhiên cán bộ địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền; Chợ Yến là chợ truyền thống chứ không phải chợ tự phát, cần được sửa chữa lại, không nên phá bỏ; chợ thường xuyên bị ngập khi mưa xuống là do đường bê tông khu vực này cao hơn nền chợ; việc ách tắc giao thông trước chợ một phần là do có hộ lấn đường…

Các hộ dân cũng kiến nghị, không di dời chợ Yến, không xây dựng công viên tại vị trí chợ Yến cũ mà muốn duy trì cả hai chợ Yến cũ và mới để người dân sinh hoạt, buôn bán.

Tại buổi đối thoại, đồng chí Nguyễn Chí Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Xây dựng, huyện Tuy An giải thích việc quy hoạch chợ; điều kiện, tiêu chí xây dựng chợ, tiêu chí xây dựng nông thôn mới để các hộ dân hiểu rõ hơn, đồng thuận với chủ trương xây dựng chợ Yến mới của chính quyền địa phương.

Tham gia buổi đối thoại, ông Lê Hoàng Sang, nguyên Bí Thư Huyện ủy Tuy An, bày tỏ: Việc xây dựng chợ Yến mới là cần thiết, lãnh đạo địa phương thực hiện theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước đó.

Đồng chí Phạm Đại Dương ghi nhận ý kiến của 7 hộ dân và bày tỏ mong muốn người dân đồng thuận với chủ trương xây dựng chợ Yến mới, phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. 

“Chính quyền địa phương luôn lắng nghe ý kiến của người dân, sẽ có kết luận bằng văn bản trả lời tất cả những kiến nghị của người dân trong buổi đối thoại này theo đúng quy định, nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của đại bộ phận người dân địa phương”.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương

Đồng chí Phạm Đại Dương giao UBND huyện Tuy An có kế hoạch cụ thể hoàn thiện các hạng mục còn lại tại chợ Yến mới nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua bán của người dân; báo cáo UBND tỉnh về quy trình thủ tục xây dựng chợ Yến mới và kế hoạch để chợ đi vào hoạt động hiệu quả theo đúng quy định. UBND xã An Hòa tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu đúng chủ trương xây dựng chợ Yến mới của địa phương; kiểm tra trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người dân buôn bán tại chợ mới. Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng khi di dời về chợ mới, chính quyền phải rà soát, có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân kinh doanh.

Trước đó, Báo Phú Yên đăng loạt bài chuyển địa điểm chợ Yến phù hợp với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới nhưng một số người dân thôn Nhơn Hội và Hội Sơn phản đối. 

GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG HUỲNH LỮ TÂN:

Chợ Yến cũ không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật

Tất cả các công trình xây dựng, trong đó có chợ Yến phải theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật, đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Chợ là công trình công cộng, mục tiêu chính là phục vụ người bán và người mua. Tiêu chuẩn chợ là phục vụ an toàn cho cả cộng đồng, chứ không cho một cá nhân nào.

Theo báo cáo của địa phương, chợ Yến cũ được xây dựng từ năm 1994, là công trình cấp 4. Theo tiêu chuẩn kỹ thuật thì công trình cấp 3, cấp 4 trở xuống có niên hạn sử dụng 20 năm. Sau 20 năm, công trình phải được đánh giá toàn diện về chất lượng. Thực tế, sau 20 năm, dân số tăng cao, số người mua và bán thay đổi, trong khi diện tích chợ không thay đổi.

Chợ Yến là chợ dân sinh thuộc hạng 3, không phải chợ truyền thống. Theo quy định, chợ hạng 3 (có từ 100 điểm buôn bán trở lên) thì diện tích tối thiểu 3.000m2, trong khi chợ Yến cũ chỉ có 1.922m2, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy… Đối chiếu với tiêu chuẩn thì chợ Yến cũ không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xác định các công trình trường học, thiết chế văn hóa, chợ… nhằm phục vụ lợi ích người dân. Bán kính chợ càng mở rộng, càng nhiều người buôn bán thì chợ càng phát huy hiệu quả (phạm vi bán kính phục vụ tối thiểu 1km). Nếu chợ có hoạt động đặc sắc hơn thì càng thu hút khách du lịch. Việc quy hoạch và xây dựng chợ Yến mới là phù hợp.

baophuyen.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.