Xin đừng là “con sâu làm rầu nồi canh”
Trong khi cả cộng đồng chung tay chống dịch COVID-19 thì những việc làm vi phạm các quy định chống dịch, đi ngược lại lợi ích và những nỗ lực của cả cộng đồng thật đáng lên án, cần phải được xem xét và xử lý nghiêm khắc.
1. Chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với đại dịch diễn biến phức tạp như: COVID-19. sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, cuộc sống người dân gặp khó khăn. Đảng, Chính phủ cùng các cấp, các ngành đã ban hành hàng loạt các văn bản, biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch.
Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, Việt Nam đã và đang trở thành điểm sáng trong công tác chống dịch. Trong hai buổi sáng 5 và 6/4 vừa qua, chúng ta đón nhận tin vui từ Bộ Y tế, khi nước ta không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới.
Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và các bộ, ban, ngành đồng loạt triển khai hàng loạt giải pháp yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài (trừ trường hợp cần thiết), thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động… nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Thực tế cho thấy, cùng với việc chấp hành nghiêm các quy định về cách ly xã hội của số đông người dân, cơ quan, cơ sở kinh doanh, chúng ta vẫn thấy đâu đó trên đường phố xuất hiện những – hành vi, ứng xử theo kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”. Mặc dù các cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống loa – đài phát thanh của chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền, nhưng vẫn còn hình ảnh người dân tại một số thành phố lớn ra đường không đeo khẩu trang, không có lý do chính đáng.
Sáng 5/4, UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đã xử phạt 3 trường hợp, mỗi trường hợp 200 ngàn đồng vì ra đường không thuộc diện được phép. Hay như con số gần 200 trường hợp bị Công an quận Đống Đa lập biên bản xử lý vì không đeo khẩu trang nơi công cộng trong mùa dịch COVID-19 cũng khiến chúng ta không khỏi lo ngại.
Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, còn xuất hiện những đối tượng sẵn sàng có hành vi lăng mạ, chống đối người thực thi công vụ – những người đang ngày đêm nỗ lực bảo đảm sức khỏe tính mạng của cộng đồng. Điển hình như chiều 4/4, trong quá trình tuần tra kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực thuộc thôn Đông Ngũ Kinh, Tổ công tác của xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) phát hiện và nhắc nhở Đào Xuân Anh (SN 1990) ở xã Đông Hải, huyện Tiên Yên được Nguyễn Văn Năm (SN 1992) chở bằng xe máy tham gia giao thông cần đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm khi ra đường.
Thay vì chấp hành, Đào Xuân Anh đã lăng mạ, dùng mũ cối tấn công các thành viên của Tổ công tác. Hậu quả làm hai thành viên trong Tổ công tác bị thương. Ngày 5/4, Đào Xuân Anh đã đến cơ quan Công an đầu thú. Công an huyện Tiên Yên sau đó đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Đào Xuân Anh về hành vi chống người thi hành công vụ.
2. Không chỉ ra đường không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang phòng, chống dịch, nhiều trường hợp vì tư lợi, bất chấp những cảnh báo, quy định của pháp luật, cố tình kinh doanh, hoạt động giữa mùa dịch. Nhắc đến vụ việc xảy ra tại quán karaoke Hoàng Tử tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ – TP Huế, nhiều người bức xúc trước kiểu kinh doanh “coi trời bằng vung” của chủ cơ sở này.
Đêm 4/4, Tổ công tác của Công an TP Huế bất ngờ tiến hành kiểm tra hành chính quán karaoke Hoàng Tử. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện một số đối tượng đang hát karaoke trong phòng… giữa mùa dịch COVID-19. Thậm chí có những chủ kinh doanh còn lợi dụng mùa dịch COVID-19, biến quán karaoke của mình thành “bến đáp” của dân chơi không khói.
11 thanh niên hát hò nhảy múa, quay cuồng trong tiếng nhạc, trong đó có 10 thanh niên dương tính với ma túy tại quán karaoke Big Big World trên đường Hùng Vương, phường An Sơn, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý rạng sáng 4/4 là một ví dụ điển hình cho kiểu kinh doanh đi ngược lại lợi ích cộng đồng trong thời điểm hiện nay.
Ngoài ra có một số đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và đã bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ. Số đối tượng này đã lợi dụng sự cả tin của người mua hàng, đã quảng cáo sản phẩm giá rẻ, yêu cầu người mua đặt cọc tiền rồi không giao hàng và chiếm đoạt tài sản.
3. Trong đại dịch COVID-19, tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam một lần nữa được tô tắm. Hình ảnh về các y, bác sĩ, tình nguyện viên, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an, Quân đội hy sinh hạnh phúc cá nhân, gác lại việc nhà để tập trung chống dịch khiến chúng ta thật xúc động.
Bên cạnh những sự hy sinh cao đẹp, những nỗ lực của cả cộng đồng chung tay chống dịch thì những việc làm vi phạm các quy định chống dịch, đi ngược lại lợi ích và những nỗ lực của cả cộng đồng thật đáng lên án, cần phải được xem xét và xử lý nghiêm khắc.
(CAND)