Lật tẩy chiêu trò “thương vay, khóc mướn”
Để thực hiện âm mưu chống phá, can thiệp vào công việc nội của Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và cổ vũ cho hoạt động chống phá đất nước, các cá nhân, tổ chức thù địch, phản động, những phần tử cơ hội ở trong, ngoài nước tiếp tục thực hiện chiêu trò “thương vay, khóc mướn” xung quanh phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Văn Dũng.
Ngày 13/7/2023, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Trương Văn Dũng (tên gọi khác là Trương Văn Ly, sinh năm 1958, nơi đăng ký HKTT số 16 Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Sau hơn nửa ngày xét xử, HĐXX tuyên y án sơ thẩm với án phạt 6 năm tù giam.
Trong khi dư luận đồng tình, ủng hộ trước bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội mà HĐXX đã tuyên phạt đối với bị cáo Trương Văn Dũng thì một số cá nhân, tổ chức chống phá trong và ngoài nước lại thực hiện các chiêu trò “thương vay, khóc mướn”, đòi chính quyền Việt Nam phải thả tự do cho Trương Văn Dũng với lý do “vô tội”, “dân oan”! Điển hình trong số đó là tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) và Ân xá quốc tế (Amnesty International – AI) đã đăng tải các bài viết kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho Trương Văn Dũng vì họ cho rằng hành vi của Trương Văn Dũng chỉ là “những việc làm ôn hòa thực hiện quyền căn bản của công dân”. Trong khi đó, bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc khu vực của Ân xá quốc tế xuyên tạc rằng: “Cơ quan chức năng Việt Nam lại sử dụng sai trái hệ thống tư pháp để đàn áp tiếng nói bất đồng.
Hoạt động trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài không thể bị án tù”… Đây là những luận điệu quen thuộc mà các tổ chức như HRW, AI, tổ chức khủng bố Việt Tân… vẫn tiến hành bấy lâu nay nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền. Những tổ chức này lấy cớ phỏng vấn những “nhà bất đồng chính kiến”, sử dụng lời lẽ xuyên tạc, tố cáo của các số này để tạo cớ cổ vũ, đòi thả tự do cho những đối tượng phạm tội, có hành vi chống phá đất nước như Trương Văn Dũng hay trước đây là Nguyễn Lân Thắng, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Thúy Hạnh…
Thực chất, trước khi bị bắt giam, Trương Văn Dũng thường xuyên tham gia các hoạt động kích động, gây rối trật tự dưới vỏ bọc là “người yêu nước”, “yêu cây xanh”, “nhà bảo vệ môi trường” do các cá nhân, tổ chức, hội nhóm chống phá trong, ngoài nước tổ chức. Trương Văn Dũng cũng là thành viên của các hội nhóm chống phá đất nước như: “NoU”, “Quỹ 50K”, “Hội bầu bí tương thân”, các hội nhóm “dân oan”…
Không những thế, Trương Văn Dũng thường xuyên trả lời phỏng vấn trên một số báo đài thiếu thiện chí với Nhà nước Việt Nam như RFA, VOA… Dũng tàng trữ các tài liệu, vật phẩm, đăng tải bài viết trên các trang mạng xã hội có nội dung tuyên truyền, đả kích, xuyên tạc sự thật nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Mặc dù đã được lực lượng chức năng gọi hỏi, triệu tập và răn đe nhiều lần nhưng Trương Văn Dũng không lấy đó làm bài học, tiếp tục dấn sâu con đường phạm tội. Được sự hậu thuẫn về vật chất, tinh thần từ những cá nhân, tổ chức chống phá bên ngoài, Trương Văn Dũng lại “ngựa quen đường cũ” khi tiếp tục tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước một cách công khai, thường xuyên, thể hiện rõ sự thách thức pháp luật.
HĐXX nêu rõ, bị cáo có hành vi tàng trữ tài liệu dạng sách với tiêu đề “Những mảnh đời sau song sắt” và 11 tài liệu dạng sách với tiêu đề “Chính trị bình dân” có mục đích thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân… Bên cạnh đó, bị cáo Dũng còn sử dụng 31 băngrôn, biểu ngữ được in trên vải bạt và 11 tài liệu được in trên giấy với nhiều kích thước khác nhau có nội dung chống Nhà nước Việt Nam.
Với hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật của Trương Văn Dũng, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 6/5/2022 và ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Trương Văn Dũng vào ngày 20/5/2022 về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”, quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 28/3/2023 và phiên tòa xét xử phúc thẩm vào ngày 13/7/2023, dù tài liệu, chứng cứ mà HĐXX đưa ra là rõ ràng, bị cáo Trương Văn Dũng vẫn có thái độ không thành khẩn, quanh co không nhận tội. Do đó, việc TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên y án 6 năm tù giam như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Văn Dũng là khách quan, thể hiện tính nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật, được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Thực tế, chiêu trò “thương vay, khóc mướn” đòi trả tự do cho Trương Văn Dũng mà các cá nhân, tổ chức chống phá đăng tải là nhằm truyền bá cái gọi là giá trị “dân chủ, nhân quyền” theo kiểu phương Tây, từ đó phủ nhận nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như nhằm hạ thấp uy tín, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tiễn đã minh chứng rằng, mọi hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí khi cổ vũ, “thương vay, khóc mướn” cho những kẻ phạm tội như Trương Văn Dũng chỉ là màn kịch trá hình, thực chất là vì lợi ích của chính những tổ chức này.
Bị cáo Trương Văn Dũng hay bất kỳ bị can, bị cáo nào khi bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội danh xâm phạm an ninh quốc gia thì số này được các thế lực thù địch, phản động sử dụng như những con rối để lấy cớ chống phá, chỉ trích Đảng, Nhà nước Việt Nam. Điều này cũng nhằm đánh bóng, tô vẽ cho chính lợi ích của các tổ chức này chứ không hề vì sự tiến bộ, phát triển của đất nước Việt Nam, không hề vì “văn minh, dân chủ, nhân quyền” như luận điệu mà chúng rêu rao. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, các cá nhân, tổ chức thù địch, phản động xem đây là cơ hội để thực hiện các chiêu trò nhằm hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam, lấy cớ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận.
Thực tiễn, minh chứng khách quan mà bạn bè quốc tế đã thừa nhận là thành quả mà chúng ta đã đạt được sau gần 40 năm đổi mới đất nước, diện mạo, vị thế, vai trò của đất nước ngày càng được nâng lên, đời sống nhân dân ngày càng phát triển. Nhìn rộng ra, pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ và các nước phương Tây cũng đều có các điều khoản nghiêm cấm, có những quy định xử lý nghiêm minh với những hành vi lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận để thực hiện các hoạt động chống phá đất nước. Vậy nên chiêu trò “thương vay, khóc mướn” cho bị cáo Trương Văn Dũng mà các cá nhân, tổ chức chống phá đang tiến hành xem ra cũng chỉ là những màn kịch, trò hề mà họ vẫn tiến hành lâu nay, chỉ khác về tên con rối mà thôi.
“Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, thiết nghĩ rằng không chỉ bị cáo Trương Văn Dũng mà những người đã, đang lầm đường, lạc lối, đang chấp hành các bản án của pháp luật về các tội danh xâm phạm an ninh quốc gia hãy chấp hành nghiêm các hình phạt, biết ý thức giáo dục, cải tạo để sớm có cơ hội nhận chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam và sớm được trở về với gia đình, xã hội.
Phan Dương/CAND