LỢI DỤNG TỰ DO NGÔN LUẬN SẼ BỊ XỬ LÝ NGHIÊM THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm. Mọi công dân có quyền được tự do ngôn luận trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tự do ngôn luận khác với việc tùy tiện vu khống, bôi nhọ, xâm hại đến cá nhân, tổ chức. Ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã quy định tại Điều 10 “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Hiến pháp mới nhất năm 2013 tiếp tục khẳng định việc này tại Điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Thể chế hóa quy định trong Hiến pháp, một số Luật cũng có quy định về quyền tự do ngôn luận của công dân như: Luật báo chí 2016 quy định tại Điều 11 về Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; hay như Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định tại Điều 3 “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin”.

Khung pháp lý của nước ta về quyền tự do ngôn luận đã đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Người nào lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Điển hình mới đây, Cơ quan Cảnh sát  điều tra Công an huyện Sơn Hòa (Phú Yên) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thi Hòa, và khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Trong về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại Khoản 2 Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo cơ quan chức năng, Lê Thị Hòa, sinh năm 1972 và Nguyễn Văn Trong, sinh năm 1970 cùng trú thôn Tân Thành, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa có hành vi lợi dụng quyền tố cáo, quyền khiếu nại, quyền tố giác về tội phạm của công dân để tố cáo, khiếu nại, tố giác sai sự thật đối với các cán bộ, lãnh đạo của nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành. Theo các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân các cấp về kết quả giải quyết đối với lô đất 147, diện tích 240m2 (khu dốc Võng, thuộc thị trấn Củng Sơn, huyện Sơ Hòa) không thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Lê Thị Hòa và Nguyễn Văn Trong. Không chấp nhận kết quả giải quyết này, từ năm 2022 đến năm 2024, vợ chồng Lê Thị Hòa và Nguyễn Văn Trong đã lợi dụng quyền tố cáo, khiếu nại, tố giác về tội phạm của công dân đã làm 104 đơn gửi đến nhiều cơ quan từ cấp huyện đến Trung ương tố cáo, khiếu nại, tố giác cán bộ, lãnh đạo. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng nhiều lần giải quyết, giải thích và thông báo cho vợ chồng Lê Thị Hòa và Nguyễn Văn Trong biết việc tố cáo, khiếu nại, tố giác là sai sự thật nhưng họ không chấp nhận; vẫn tiếp tục lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, tố giác làm đơn để gửi nhiều cấp, nhiều ngành trong thời gian dài.

Qua sự việc này mọi người hãy tuân thủ pháp luật, đừng lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ; nếu khiếu nại, tố cáo sai sự thật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Rồi đây, vợ chồng Lê Thị Hòa, Nguyễn Văn Trong sẽ phải trả giá cho những hành vi sai trái của mình và đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang và sẽ tiếp tục “dấn thân” vào những việc làm sai trái. Hãy dừng lại trước khi quá muộn./.

(PA)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *