TIẾP TỤC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH 85-QĐ/TW CỦA BAN BÍ THƯ

Mỗi cán bộ, đảng viên cần sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn, đồng thời góp phần chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực, đặc biệt là đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Những kết quả bước đầu

Ngày 07/10/2022 Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 85- QĐ/TW về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet và mạng xã hội; trên cơ sở Quy định của Ban Bí thư, ngày 20/3/2023 Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Hướng dẫn số 85-HD/BTGTW. Nhằm cụ thể hóa, sớm đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống, ngày 19/6/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 05- HD/TU để tổ chức thực hiện quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương trên địa bàn tỉnh.

Qua 2 năm thực hiện, hầu hết cấp ủy, tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nghiêm túc việc quán triệt, hướng dẫn thực hiện; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên quản lý tốt tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên khi tham gia Internet, mạng xã hội; theo dõi, rà soát, phát hiện, dự báo, cảnh báo các trang thông tin điện tử giả mạo tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cấp mình quản lý; thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền và phối hợp xử lý nghiêm các trang thông tin giả mạo… Nhiều cán bộ, đảng viên thường xuyên, tích cực tham gia tuyên truyền trên Internet, mạng xã hội góp phần lan tỏa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; giúp nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; tham gia đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực, tốt đẹp; chủ động đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, vẫn còn một số cấp ủy cơ sở chưa thường xuyên quán triệt Quy định 85-QĐ/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn 05-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; không ít cán bộ, đảng viên chưa nắm rõ và đầy đủ các quy định, từ đó có nguy cơ vi phạm khi tham gia mạng xã hội. Việc phát hiện, báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền để có biện pháp đấu tranh, xử lý đối với các thông tin xấu, độc còn hạn chế… Một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện thờ ơ hoặc không thể hiện quan điểm, chính kiến của mình đối với các vấn đề quan tâm dù thông tin đó là sai; khả năng phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch còn hạn chế. Cá biệt còn có một số ít cán bộ, đảng viên còn hưởng ứng, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, thông tin giả, sai sự thật… Thực tế, có những đảng viên khi vào mạng xã hội không đọc hết, xem hết nội dung thông tin, không nhạy cảm chính trị mà chia sẽ bài viết “vô tội vạ” đã được người đăng cố tình lồng ghép vào những nội dung xấu độc, thậm chí xuyên tạc, điều này vô tình tiếp tay lan truyền thông tin xấu độc, phản động trên mạng xã hội. Hành động đó của đảng viên không chỉ vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn làm cho cộng đồng mạng bị “đầu độc”.

Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Quy định 85-QĐ/TW, Hướng dẫn 05-HD/TU.

Quán triệt, thực hiện có hiệu quả Quy định 85-QĐ/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 05-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng. Đây cũng là liều thuốc “đề kháng” hữu hiệu cho cán bộ, đảng viên trước thông tin xấu, độc.

Những nội dung chính của Quy định số 85-QĐ/TW, Hướng dẫn số 05-HD/TU nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa trách nhiệm, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong việc quản lý, thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; xây dựng môi trường internet, mạng xã hội văn minh, lành mạnh, an toàn. Quy định 85-QĐ/TW có 4 nội dung cơ bản mà các cấp ủy, tổ chức Đảng cần triển khai thực hiện, 6 nội dung cơ bản mỗi cán bộ, đảng viên cần chấp hành; 3 hành vi vi phạm Quy định 85-QĐ/TW mà cán bộ, đảng viên cần tránh và 5 không: Không tin ngay, không vội đăng tải, không thêm bớt, không vội chia sẻ, không bị kích động và xúi giục”để mỗi cá nhân tự nhắc nhở mình trong việc tham gia mạng xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao sức “đề kháng” cho cán bộ, đảng viên trước âm mưu, thủ đoạn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi đăng tải tin giả, thông tin sai sự thật, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng chuẩn mực văn hóa, văn minh trong ứng xử, tranh luận, phản biện trên không gian mạng.

Để tiếp tục thực hiện tốt quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm quy định. Tăng cường hơn nữa việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên thuộc quyền trong việc sử dụng internet, mạng xã hội; kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm. Mặt khác, phải thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, các quy định về bảo vệ Bí mật nhà nước; động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tích cực khi tham gia mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Đối với cá nhân của mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải tiếp tục thực hiện tốt việc thực hiện nêu gương; việc chấp hành quy định “những điều đảng viên không được làm”. Cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội phải văn hóa, văn minh; phải là nhân tố tích cực để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước. Tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, lan tỏa các hình ảnh, thông tin tích cực như gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn… Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn trên mạng xã hội; phải tìm hiểu, nắm rõ thông tin, trước khi chia sẻ, đăng tải. Từ đó hình thành tác phong ứng xử văn minh trên mạng xã hội, góp phần tạo niềm tin, động lực tích cực trong cộng đồng.

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của mạng xã hội, song cũng phải nhận thấy, các thế lực thù địch và bọn tội phạm đã và đang biến nó thành công cụ đắc lực cho các hoạt động phá hoại tư tưởng, “diễn biến hòa bình” và các hoạt động phạm tội khác. Chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn, chất lượng, đặc biệt là đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

SNCG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *