Lựa chọn giải pháp hòa bình trước hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc

Cho đến nay, chưa có khẳng định chính thức nào về động cơ của Trung Quốc lần này. Đây có thể đơn thuần là động thái thể hiện cái gọi là “chủ quyền” sau khi đã quân sự hóa các đảo nhân tạo bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc luôn tìm mọi cách hạn chế hoặc ngăn chặn Việt Nam thăm dò, khai thác năng lượng trong vùng biển mà Trung Quốc coi là “khu vực tranh chấp”. Hay có thể đây là hành động thăm dò phản ứng, gây sức ép với Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang có uy tín, vị thế nhất định trên trường quốc tế nhờ tuân thủ đường lối đối ngoại đa phương, độc lập, tự chủ. Quan hệ Việt – Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục có những bước phát triển có lợi cho hai bên. Hoặc đánh lạc hướng dư luận trong nước, “chuyển lửa ra ngoài” như lâu nay vẫn làm, trong bối cảnh kinh tế trong nước đang chịu đựng cú sốc lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, biểu tình ở Hồng Kông, quan hệ Mỹ – Triều có nhiều tiến triển đe dọa đến vai trò Trung Quốc trên báo đảo Triều Tiên, quan hệ Đài Loan bất ổn…

Ngày 19/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo chính thức thứ hai liên quan tới vụ việc này trong tuần qua, trong đó kêu gọi sự ủng hộ của các nước khác. Đáng chú ý, khác với sự kiện HD-981 lần trước, lần này Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo chính thức thứ hai liên quan tới vụ việc này trong tuần qua. Còn Trung Quốc, trước đó vào ngày 12/7 vẫn tuyên bố rằng “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải trên Biển Đông”. Tuy nhiên, sau khi bị Việt Nam nêu đích danh hôm 19/7, đến nay chưa thấy có phản ứng gì từ phía Trung Quốc.

Các sự việc diễn ra gần đây tuy phức tạp nhưng vẫn chưa đến mức tranh chấp căng thẳng cực độ. Bất chấp các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc, Việt Nam hiện vẫn đang hết sức bình tĩnh và kiên trì không sử dụng vũ lực. Theo nhận định của nhiều chuyên gia đăng tải trên báo chí quốc tế (kể cả BBC và VOA), đây là một hành động hết sức khôn ngoan và sáng suốt của Việt Nam. Bởi, để đối phó với Trung Quốc, quốc gia luôn biết cách tính toán để viện ra cớ “đóng vai nạn nhân”, thì các hành vi trái với pháp luật như sử dụng vũ lực, sẽ làm tiền đề để Trung Quốc lấn tới. Việt Nam đã lựa chọn biện pháp hòa bình để giải quyết. Từ phát ngôn trực tiếp của lãnh đạo trong các cuộc gặp ngoại giao, trao đổi công hàm, nêu vấn đề trong các hội nghị quốc tế, vận dụng cơ chế làm việc của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên để kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế…Ngoài ra, Việt Nam có thể cân nhắc sử dụng cơ chế hòa giải bắt buộc đối với các vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học theo phụ lục V Công ước về Luật Biển 1982, hay việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc ở phụ lục VII của Công ước về các vấn đề pháp lý liên quan khác trong hai sự kiện trên.

Việc Việt Nam thể hiện thái độ thận trọng là đương nhiên, bởi nếu nghiên cứu qua thông tin báo chí, đánh giá của các chuyên gia và diễn biến hiện trường có thể thấy ngay cả Trung Quốc cũng dường như tránh đề cập trực tiếp đến tranh chấp lần này. Việc tuyên bố mạnh mẽ có thể khiến các kênh đối thoại đang diễn ra khó khăn hơn, và có thể dẫn đến việc lợi dụng sự kiện này để lôi kéo người dân tụ tập tuần hành, biểu tình dưới danh nghĩa “yêu nước”, chống Trung Quốc, nhưng thực chất là tiến hành bạo loạn, tấn công lực lượng chức năng; đập phá tài sản người dân, nhà nước, doanh nghiệp; xâm phạm trụ sở cơ quan công quyền; khiến tình hình an ninh trật tự rơi vào trạng thái mất kiểm soát và hậu quả kinh tế vô cùng nặng nề. Điều này thể hiện rất rõ bản chất khủng bố của các tổ chức, cá nhân tham gia kích động.

Cần nhớ rằng với hàng loạt thành công ngoại giao từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, vị thế của Việt Nam nay đã khác, không dễ bị lấn áp và cô lập. Trong khi đó, Trung Quốc với những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, quên mất di ngôn “ẩn mình chờ thời”, giờ có nguy cơ rơi vào cảnh “tứ bề thọ địch”. Huống chi Việt Nam suốt hàng nghìn năm qua và hàng chục năm gần đây đã quá quen với những động thái gây hấn của Trung Quốc. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng nói “lấy đoản binh để thắng trường trận”, lấy những dẫn chứng về quá trình chống giặc ngoại xâm của dân tộc để nhận định: “Họ cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được”.

Lời của Hưng Đạo Vương cũng là lời nhắc hãy giữ bình tĩnh, sáng suốt trong thể hiện lòng yêu nước. “Bờ yên biển mới lặng”, giữ hòa bình là để làm ra tiền của, để chăm lo tốt nhất cho con em chúng ta, để không phụ xương máu bao anh hùng liệt sĩ đã đánh đổi. Chúng ta không sợ Trung Quốc nhưng phải đủ khôn ngoan để đối phó với họ như cha ông từng dạy. Đừng lấy đá tự đập chân mình!

Lam Vân/VĐĐC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *