VIỆT NAM LUÔN TÔN TRỌNG VÀ BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO, TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO CỦA NGƯỜI DÂN
Những ngày vưa qua, trên không gian mạng tiếp tục xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, tiêu cực, những đánh giá phiến diện về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Chẳng hạn như trang mạng “Vietquoc” đã tán phát bài viết “Việt Nam áp dụng mô hình đàn áp tôn giáo theo kiểu Trung Cộng” với nội dung vu cáo, xuyên tạc khi cho rằng Việt Nam đang đàn áp tự do tôn giáo. Đây vẫn là thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sử dụng chiêu bài tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta.
Từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân. Đồng bào theo các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, cũng như các nước khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 của Việt Nam ghi rõ: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; nghiêm cấm việc phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo;…; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.
Hiện nay, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam khá sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo. Trong xu thế phát triển của đất nước và xu thế chung của thời đại, các tôn giáo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể, chức sắc và tín đồ thuộc các tôn giáo đều được tự do sinh hoạt, tự do thực hành các lễ nghi tôn giáo, biểu hiện đức tin, được tạo điều kiện tốt nhất để mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự và mở mang, phát triển quan hệ giao lưu quốc tế. Các ngày lễ trọng, lễ hội truyền thống như Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành… được tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo không chỉ có tín đồ mà còn có sự tham gia của đông đảo một bộ phận quần chúng Nhân dân. Cùng với sự phát triển về tổ chức, đăng ký hoạt động cho các tôn giáo đủ điều kiện, số lượng tín đồ và các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam cũng không ngừng gia tăng trong những năm gần đây.
Sự phát triển của các tổ chức tôn giáo một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mặt khác khẳng định Việt Nam không phân biệt đối xử giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào, dù là nội sinh hay truyền từ nước ngoài, tôn giáo đã ổn định hay mới được công nhận, miễn sao hoạt động của họ nằm trong khuôn khổ pháp luật. Dư luận của tuyệt đại bộ phận chức sắc, tín đồ cũng thừa nhận rằng, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Nhà nước Việt Nam là đúng đắn, phù hợp, không có cản trở nào trong các hoạt động và sinh hoạt tôn giáo của họ.
Từ những dẫn chứng trên, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo trên chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch lợi dụng nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Do đó, chúng ta cần chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
(KHPB)