Trước khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiến hành việc tấn công, chống phá Đảng ta một cách quyết liệt, trắng trợn. Đặc biệt, lợi dụng những vấn đề về thiên tai, dịch bệnh và các sự kiện “nóng” diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay, như: Dịch Covid-19, mưa lũ tại miền Trung, vụ việc ở Đồng Tâm… các thế lực thù địch và các đối tượng phản động đẩy mạnh việc xuyên tạc thông tin, đả kích vai trò lãnh đạo của Đảng; quy chụp, đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng. Hoặc những ngày gần đây, khi Quốc hội khóa XIV diễn ra Kỳ họp thứ 11 để chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại tiếp tục các chiêu trò nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, cho rằng việc bầu cử là “đảng cử, dân bầu”, từ đó kêu gọi các cử tri không tham gia bầu cử… 

Nhớ lại trước ngày khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một số đối tượng cố tình đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận bằng cách tung ra luận điệu cho rằng “thế lực thù địch chỉ là những bóng ma được Đảng Cộng sản vẽ ra để hù dọa người dân và bảo vệ quyền lãnh đạo của bản thân mình”. Chúng ta cần nhận thức rõ rằng, hiện nay, chúng ta đang phải đối đầu với các thế lực chống lại phong trào cộng sản và chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đây là cuộc đấu tranh mang tính ý thức hệ, giữa chế độ XHCN và chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong cuốn sách “Vững bước trên con đường đã chọn”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Các thế lực chống CNXH thừa biết Đảng cộng sản là “bộ não” của giai cấp công nhân, là linh hồn của cách mạng XHCN… Chỉ có tiêu diệt Đảng cộng sản thì mới xóa bỏ được tư tưởng cách mạng XHCN, mới củng cố và bảo vệ được “trật tự vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản”(1). Sau sự sụp đổ của hệ thống XHCN tại Liên Xô và Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định là một trong những nơi để công kích, chống phá chính; là trọng điểm trong kế hoạch xóa sổ CNXH trên thế giới. Chính vì vậy, những mũi nhọn công kích dưới muôn vàn biểu hiện khác nhau liên tục được các đối tượng tung ra để hòng tấn công vào uy tín, vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, những luận điệu chính được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đưa ra để chống phá Đại hội XIII nói riêng và Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung có thể kể đến là:

Thứ nhất, chúng ra sức xuyên tạc, đả phá tình hình phát triển kinh tế-xã hội và thể chế kinh tế của nước ta.

Đại hội XIII của Đảng vừa diễn ra và thành công rất tốt đẹp chính là dịp để chúng ta tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011-2020, 35 năm thực hiện đường lối đổi mới. Đồng thời xây dựng, định hướng chiến lược phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại cho giai đoạn tiếp theo. Với mục đích phủ nhận sạch trơn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự phát triển KT-XH của đất nước, những luận điệu công kích, xuyên tạc liên tục được các thế lực thù địch, phản động, chống đối tung ra. Trọng tâm và xuyên suốt nhất là việc đả kích, xuyên tạc bản chất của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ngay trong những ngày diễn ra đại hội, các đối tượng chống phá vẫn không ngừng đưa ra luận điệu cho rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm của riêng chế độ tư sản; việc gắn yếu tố định hướng XHCN vào nền kinh tế thị trường tạo ra một sản phẩm “đầu Ngô, mình Sở”.

Bất chấp khó khăn chung của toàn cầu, nền kinh tế của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn duy trì tăng trưởng ở mức độ khá cao, giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 5,9%/năm, giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng đạt 6,8%/năm, bình quân giai đoạn 2011-2020 ước đạt tăng trưởng 5,9%/năm. Riêng trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, trở thành một trong số ít nền kinh tế có tăng trưởng dương trên thế giới(2). Thế nhưng, các thế lực chống phá vẫn xuyên tạc, cho rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản “không thể tạo ra sự phát triển kinh tế thực chất”, họ vu khống cho rằng “nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc, phát triển chỉ nhờ đóng góp của tư bản nước ngoài”.

Họ cũng lợi dụng tình trạng một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, gây thất thoát và những điểm còn hạn chế trong việc cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn vừa qua để làm cái cớ xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ phát triển nền kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách nhằm vu khống bản chất chế độ XHCN, họ luôn cho rằng: Các nước đi theo con đường XHCN đồng nghĩa với đói nghèo. Họ ca ngợi sự giàu có của các nước tư sản, hòng tạo ra sự lầm tưởng trong nhận thức của một bộ phận người dân, từ đó hình thành các lực lượng đối lập ngay trong lòng đất nước.

Thứ hai, tuyên truyền luận điệu xét lại lịch sử, xuyên tạc bản chất, tấn công trực diện vào gốc rễ của chủ nghĩa cộng sản, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiện nay, mạng xã hội, nhất là facebook, Youtube đang được các đối tượng triệt để sử dụng làm nơi đăng tải, chia sẻ, tuyên truyền những luận điệu, quan điểm, thông tin sai trái. Điển hình là một số trang mạng do các thế lực thù địch và các cá nhân, tổ chức phản động điều hành, như: Việt Tân, Chân trời mới media, Bình luận về Đảng cộng sản, Hội anh em dân chủ… Trong suốt quá trình diễn ra Đại hội XIII và cả sau khi đại hội thành công, cả nước ra sức đưa nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống thì tại các trang mạng nêu trên, việc tuyên truyền các thông tin, luận điệu xuyên tạc vẫn diễn ra một cách quyết liệt và trắng trợn. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các bài viết có nội dung tiêu cực, phản động, các thế lực thù địch, chống đối còn tận dụng triệt để truyền thông đa phương tiện, tiến hành dàn dựng các video clip với các dữ liệu, hình ảnh sai trái, mang tính cắt ghép nhằm bôi nhọ, công kích, đả phá vai trò lãnh đạo của Đảng và một số đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII giới thiệu bầu vào các chức danh chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Nội dung được các đối tượng tập trung là xuyên tạc bản chất của chế độ cộng sản với những luận điệu, quan điểm hết sức trắng trợn, thô bỉ, sai sự thật, như: “Đảng cộng sản dựa vào bạo lực để duy trì chính quyền”, “chế độ một đảng lãnh đạo là độc tài, không thể có dân chủ”… Đồng thời, các đối tượng cũng đẩy mạnh hoạt động công kích, chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh-nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Từ đó, chúng cổ xúy quan điểm đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi hỏi Đảng cộng sản phải “tự tách đôi chính mình”, đòi bầu cử theo kiểu phương Tây (tự do ứng cử, không cần hiệp thương), hòng khởi đầu cho xã hội đa đảng, thậm chí là đòi Đảng phải “tự rút lui”, “trả lại quyền lực” cho một lực lượng khác lên nắm quyền.

Thứ ba, công kích, chống phá Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; tấn công điều lệ, nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng.

Trong diễn văn bế mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư) đã nêu rõ: “Đại hội khẳng định, Đảng ta tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”(3). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta cũng khẳng định: Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Đường lối phát triển đất nước đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được chứng minh bằng những thành tựu to lớn trong thực tiễn, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư) đã nói: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”.

Thế nhưng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn ra sức đăng tải các bài viết hòng bác bỏ tính tất yếu, khách quan của CNXH. Chúng cho rằng, CNXH “không phù hợp” với sự phát triển của lịch sử. Rồi họ vin vào sự tan rã của hệ thống XHCN tại Liên Xô và Đông Âu để cho rằng đó là “bài học trước mắt” cho Việt Nam. Cuối cùng, các đối tượng xuyên tạc, cho rằng Cương lĩnh phát triển đất nước không còn phù hợp và đòi thay đổi cương lĩnh, thay đổi đường lối phát triển đất nước, tiến tới xóa bỏ mục tiêu xây dựng đất nước theo con đường CNXH.

Thứ tư, tấn công công tác chuẩn bị cho các sự kiện chính trị; hướng lái, tô vẽ, tạo ra một bức tranh đầy mảng tối, tiêu cực về hệ thống chính trị của Việt Nam.

Có thể thấy, trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị liên tục tiến hành xuyên tạc thông tin trên nhiều khía cạnh. Trong đó, các đối tượng tập trung tấn công, đả phá công tác nhân sự với những âm mưu đen tối khi xuyên tạc cho rằng, nhân sự đại hội Đảng, nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội chỉ là sự “sắp xếp”, “áp đặt từ trên xuống”… Đồng thời, họ cũng tích cực đăng tải các bài viết nhằm bôi nhọ hình ảnh, uy tín của Đảng và một số cán bộ cao cấp của Đảng, hòng chia rẽ mối đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, hạ thấp uy tín, vai trò của Quốc hội. Đặc biệt, họ triệt để lợi dụng việc một số đảng viên giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng và Nhà nước bị xử lý kỷ luật, một số đại biểu Quốc hội có vi phạm phải miễn nhiệm… các đối tượng đã thổi phồng, vu khống Đảng ta “chỉ toàn tiêu cực”. Ngay cả những vấn đề nóng, các sự kiện được xã hội quan tâm cũng đã được các đối tượng chống đối và các thế lực thù địch triệt để tận dụng để từ đó hướng lái, móc nối, xuyên tạc, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước. 

Từ những vấn đề trên có thể nói hoạt động chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nói riêng đã được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thực hiện một cách bài bản, có sự đạo diễn, lên kế hoạch cụ thể. Những hoạt động chống phá này phần nào gây ra sự nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội. Chính vì vậy, chúng ta cần nhìn thấu âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, để từ đó từng cán bộ, đảng viên tự xây dựng bản lĩnh chính trị cho mình, không lung lay, dao động, tuyệt đối tin tưởng vào con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn: Đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH như các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định. 

TRẦN ANH TÚ/QĐND


(1) Bài viết Luận điệu mới của các thế lực chống Đảng cộng sản của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong sách Vững bước trên con đường đã chọn, NXB Chính trị quốc gia, 2002

(2) http://m.cand.com.vn/thoi-su/Phan-thu-nhat-Ket-qua-thuc-hien-chien-luoc-phat-trien-Kinh-te-xa-hoi-2011-2020

(3) Báo Quân đội nhân dân số 21491, ra ngày 2-2-2021