Cần khách quan, công tâm khi đánh giá nhân quyền ở Việt Nam

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo hằng năm về tình hình nhân quyền trên thế giới. Từ góc độ của một công dân Mỹ, luật sư Hoàng Duy Hùng cho rằng bản báo cáo vẫn dựa trên một số mặc định sai lầm và thông tin thiếu chính xác,… nên thiếu khách quan, thiếu công tâm khi đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam, và đã có bài viết đề cập tới vấn đề này gửi đến Báo Nhân Dân. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Ảnh minh họa.

Ngày 30-3-2021, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo nhân quyền năm 2020 (Báo cáo 2020) trong đó đánh giá tình hình nhân quyền ở các quốc gia là thành viên Liên hợp quốc. Báo cáo sẽ được gửi đến Quốc hội Mỹ để xem xét quốc gia nào đủ điều kiện nhận tài trợ của Mỹ theo Luật Trợ giúp nước ngoài 1961, Luật Thương mại 1974. Vì thế mỗi quốc gia được dành một phần riêng, ngắn thì vài chục trang, dài thì tới hàng trăm trang. Theo đó, quốc gia có số trang nhiều sẽ “bị đánh giá” có nhiều vấn đề. Trong Báo cáo 2020, quốc gia có số trang nhiều nhất là 79, quốc gia có số trang ít nhất là 23, phần về Việt Nam có 43 trang.

Phát biểu tại buổi công bố Báo cáo 2020, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ A. Blinken (A.Blin-ken) khẳng định quyết tâm đặt quyền con người làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại và chính sách ngoại giao phải bắt đầu từ các giá trị mà nước Mỹ trân trọng. Ông cho rằng với việc hằng năm thu thập, đúc kết dữ kiện nhân quyền trên toàn thế giới, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ hỗ trợ một cách khách quan, toàn diện cho Quốc hội, các nhà hoạt động, những người có vai trò phát huy nhân quyền cũng như phải chịu trách nhiệm vì vi phạm, chà đạp nhân quyền. Tuy nhiên, đọc phần về Việt Nam của Báo cáo 2020 tôi thấy khá nhiều nội dung dựa trên tài liệu của Theo dõi nhân quyền (HRW) và được Ân xá quốc tế (AI), Nhà Tự do (FH) nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Điều đáng nói là hoạt động của HRW, AI, FH chủ yếu được tài trợ bởi Quốc hội Mỹ, nhận tài trợ rồi thì họ phải “ăn cơm chúa múa tối ngày”, nên thực sự khách quan, toàn diện sẽ không bao giờ có được.

Mở đầu phần về Việt Nam, Báo cáo 2020 lặp lại mệnh đề của các năm trước rằng “CHXHCN Việt Nam một nhà nước độc tài do một đảng duy nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam – cầm quyền”. Thiết nghĩ, với một báo cáo ngay từ đầu đã mặc định như vậy thì nhận định sau đó không thể khách quan. Bởi từ góc nhìn “độc tài”, tất yếu sẽ cho rằng “độc tài là đàn áp nhân quyền để giữ quyền cai trị độc tôn”, nhìn nhận, đánh giá sẽ lệch lạc, nhiều nhận định dựa theo tin tức bịa đặt. Nên người nào am hiểu tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong các năm qua sẽ không thể đồng tình với nội dung như Báo cáo 2020 viết về điều gọi là “vi phạm nhân quyền của Việt Nam”, nào là “giết người bất hợp pháp”, “tra tấn bởi các đặc vụ của chính phủ”,… nào là “hạn chế tham gia chính trị”, “hạn chế quyền tự do ngôn luận, báo chí và internet”, “kiểm duyệt, chặn trang web, các luật về tội phỉ báng”… Thậm chí Báo cáo 2020 còn cho rằng Việt Nam “sử dụng các công nghệ mới để theo dõi, quấy rối người dân, chính phủ đưa những thông tin sai lệch trong và ngoài nước để lèo lái dân chúng theo ý của mình”. Tôi rất kinh ngạc vì thấy báo cáo nhấn mạnh nhiều điều không có trên thực tế, chẳng hạn như cho rằng Việt Nam “cấm truy cập trực tiếp vào internet thông qua các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và yêu cầu họ hỗ trợ kỹ thuật, không gian làm việc để nhân viên an ninh có thể giám sát hoạt động của internet. Từ lâu Bộ Công an đã yêu cầu các đại lý internet, bao gồm cả các quán cà-phê internet, đăng ký thông tin cá nhân khách hàng, lưu trữ hồ sơ các trang web mà khách hàng truy cập và tham gia các cuộc điều tra của chính phủ về hoạt động trực tuyến. Các quán cà-phê internet tiếp tục cài đặt, sử dụng phần mềm được chính phủ phê duyệt nhằm theo dõi hoạt động trực tuyến của khách hàng”. Nếu nhìn nhận khách quan, toàn diện thì không thể nhận định như vậy. Chỉ cần đọc các bài báo của các chuyên gia về sự phát triển internet và mạng xã hội ở Việt Nam, tìm hiểu ý kiến dư luận, nhất là du khách, sẽ thấy tự do internet ở Việt Nam là hoàn toàn khác biệt với nhận định của Báo cáo 2020. Cá nhân tôi, năm 2019 về Việt Nam, tôi nhiều lần sử dụng internet tại nơi công cộng và thực tế nhận thấy rất thoải mái, không phải đăng ký thông tin cá nhân, không bị giám sát. Cũng không thể coi việc Việt Nam sử dụng internet để phục vụ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 là vi phạm nhân quyền, mà đó chính là vì nhân quyền, vì tính mạng con người. Chính vì thế trên thực tế mọi người dân đều tự giác hợp tác chặt chẽ với chính phủ để tạo nên sự đoàn kết, thống nhất đánh bại “kẻ thù vô hình” hết sức nguy hiểm là Covid-19.

Nhìn chung Báo cáo 2020 còn rất chủ quan, vì những người soạn thảo không bận tâm đến vấn đề then chốt là quốc gia nào cũng có luật lệ riêng và chặt chẽ phù hợp với thể chế, quan niệm chính trị, lịch sử, văn hóa,… của dân tộc, đất nước mình. Người xưa đã khẳng định: “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Nói đâu xa, sau khi người biểu tình xâm nhập vào tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021, Cục Điều tra liên bang lập tức kiểm soát các mạng xã hội, truy lùng những đối tượng đăng hình ảnh vào tòa nhà Quốc hội để bắt giữ, truy tố hàng loạt người. Vậy đó có phải là vi phạm nhân quyền? Đáng buồn là có một số người chỉ thích chỉ trích các quốc gia khác kiểm soát internet vì vấn đề an ninh, song khi được chỉ rõ chính họ cũng kiểm soát internet rất chặt chẽ thì họ lại bảo đó là để bảo vệ an ninh quốc gia. Có lẽ đối với họ an ninh quốc gia của nước khác thì không quan trọng?

Báo cáo 2020 cho rằng việc Việt Nam yêu cầu Facebook, Google xóa tài khoản giả và thông tin độc hại, trong đó có thông tin bịa chuyện để đánh phá nhà nước Việt Nam là vi phạm nhân quyền. Rõ ràng nhận định này là nghịch lý trớ trêu nếu so với việc chính cựu Tổng thống Mỹ D.Trump (Đ.Trăm) đã từng nhiều lần lên án tin giả mà ông gọi là “fake news” và xác định phải tiêu diệt. Cần phải xóa các tài khoản giả, dựng chuyện gây hoang mang dư luận, xáo trộn xã hội nhằm phục vụ mục đích cá nhân hoặc những mưu đồ thiếu trong sáng. Tự do ngôn luận không có nghĩa ai cũng có quyền vu khống, bịa đặt, mạ lỵ người khác, ví như có quyền lái xe nhưng không có nghĩa là có quyền lấn làn vượt đèn đỏ gây tai nạn. Chưa kể, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn con đường phát triển theo thể chế đơn đảng và thực hành dân chủ tập trung trong đơn đảng, các bài viết xuyên tạc nhằm chống phá đảng cầm quyền là tiến công vào an ninh đất nước, nên phải ngăn chặn, hủy bỏ để bảo vệ an ninh quốc gia… Báo cáo 2020 còn cho rằng Việt Nam đã ngược đãi tù nhân, nhất là tù nhân chính trị, gây khó dễ, không được thăm nuôi, hoặc họ bị thiếu ăn uống và điều trị y tế nên nhiều người đã chết hay lâm vào cảnh nguy kịch. Lạ thật, thiếu dinh dưỡng mà có người tù tuyên bố tuyệt thực hơn 70 ngày vẫn lên cân!

Rõ ràng, do chỉ hướng theo một chiều nên không có gì lạ khi Báo cáo 2020 có thành kiến với đơn đảng và đánh giá thiếu khách quan. Cũng như không thể vin vào một vài sự kiện tiêu cực rồi coi đó là tiêu biểu cho một chế độ. Thí dụ: Cho rằng bị ngược đãi trong tù nên ngày 28-3-2021 một tù nhân ở Oklahoma (Ô-cka-hô-ma) đã bắt một quản giáo làm con tin và lập tức bị bắn chết; hay mới đây ngày 5-4-2021 một trường hợp tương tự cũng xảy ra, khi tù nhân bắt người coi tù làm con tin cũng lập tức bị bắn chết. Hành xử theo lối bắn chết khi tù nhân cho rằng họ bị ngược đãi có phải là tiêu biểu cho nước Mỹ – nơi luôn cổ súy nhân quyền? Một thí dụ khác, ngày 6-1-2021 anh J.Chansley (G.Chan-xlây) cầm cờ đi vào nhà Quốc hội và bị bắt giam; ở nơi giam giữ, người này chỉ ăn thức ăn hữu cơ (organic) song nhà tù không có, khiến anh sút mấy chục cân, và tòa án vẫn không cho anh tại ngoại hầu tra, yêu cầu phải tự thích hợp với đồ ăn thường để sống. Vậy đó có phải ngược đãi tù nhân, vi phạm nhân quyền? Hay Báo cáo 2020 nói Việt Nam xét xử không công bằng, nêu ra các trường hợp như sự kiện ở Đồng Tâm (Hà Nội), vụ án ông Trương Duy Nhất. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là những người soạn thảo Báo cáo 2020 đã đánh tráo khái niệm nhằm đánh đồng vụ án “giết người”, “chống người thi hành công vụ” của ông Lê Đình Kình và “tổ Đồng thuận” với cái gọi “bất đồng chính kiến”. Đối với vụ án Trương Duy Nhất cũng tương tự. Đối tượng này bị xét xử vì có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” chứ không phải vì “bất đồng chính kiến”. Với những người khoác lên mình “cái áo chính trị” mà vi phạm pháp luật để được coi là “nhà bất đồng chính kiến” thì tư pháp nước nào cũng cần phải xé toạc “cái áo chính trị” đó ra để trả lại công lý cho xã hội, cho nhân dân.

Năm 2020, nhận định về báo cáo nhân quyền của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân. Nỗ lực của Việt Nam đã mang lại những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam ghi nhận việc báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu các bước tiến của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó, báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan dựa trên những thông tin không được kiểm chứng về thực tế tại Việt Nam”. Và tôi thấy đến Báo cáo 2020 những ý kiến, quan điểm nêu trên vẫn chưa được tiếp thu, chú ý một cách thiện tâm. Bởi nếu vẫn cứ khăng khăng dựa trên mặc định Việt Nam “đơn đảng, độc tài” để đánh giá thì không thể khách quan, toàn diện. Cũng như không thể cho rằng Việt Nam cần phải áp dụng đa đảng theo kiểu Mỹ thì mới có nhân quyền. Thể chế đơn đảng, dân chủ tập trung ở Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với Việt Nam và cần được tôn trọng. Vậy phải chăng Báo cáo 2020 muốn đi ngược lại điều các lãnh đạo nước Mỹ đã nhiều lần cam kết bảo đảm nguyên tắc “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau” trong quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam?

HOÀNG DUY HÙNG (Houston ngày 5-4-2021)/Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *