Một góc nhìn về tự do tôn giáo ở Việt Nam: Sự thật không thể phủ nhận (bài 2)

Để tìm hiểu về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, bà con ta ở hải ngoại không thể chỉ dựa vào những thông tin đến các cơ quan “truyền thông đen” trong cộng đồng, hay những báo cáo của các “tổ chức quốc tế về nhân quyền” mang tính phiến diện, một chiều. Theo tôi, bà con ta hãy đi về Việt Nam, tự đi tìm câu trả lời từ thực tiễn sinh động đang diễn ra tại đây.

Nghi thức cúng bái tổ tiên mở đầu cho Tết cổ truyền Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bà Ni ở Bình Thuận. (Ảnh TTXVN)

Ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại bang xâm lược, di sản chiến tranh để lại vô cùng ác liệt. Vậy, tại sao khi Việt Nam giành được hòa bình, độc lập, từng bước đi lên, Nhà nước, Chính phủ luôn nỗ lực tìm mọi cách, điều chỉnh các chính sách để phù hợp với tình hình chung của xã hội, bảo đảm quyền con người cho mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có lĩnh vực tôn giáo, lại vẫn bị một bộ phận người Việt ở hải ngoại xuyên tạc, chống phá? Sự kích động tạo ra những bất ổn, hoang mang là nguồn gốc tạo nên tâm lý hận thù chống lại nhà nước.

Cuối tháng 12/2013, trong vai trò nhà báo, tôi có cơ hội tháp tùng phái đoàn của nghị viên Al Hoàng của thành phố Houston (Bang Texas, Mỹ) đến thăm Việt Nam. Trong lịch trình làm việc tại thành phố Ðà Nẵng, nghị viên Al Hoàng đã yêu cầu được đi thăm giáo xứ Cồn Dầu, nơi đã xảy ra vụ tranh chấp về mặt đất đai và bất động sản khá ồn ào vào năm 2008. Tại đây, nghị viên cũng được gặp gỡ Giám mục Châu Ngọc Tri, phụ trách Giáo phận Ðà Nẵng, được nghe chính vị chủ chăn nói về những điểm chính của vụ việc, đó là những tranh chấp về kinh tế, dân sự với sự không đồng thuận của một số giáo dân với chính sách địa phương, đã bị chính trị hóa, biến thành một “vụ án tôn giáo” nghiêm trọng, kích động người dân hải ngoại thêm mâu thuẫn, căm thù chế độ Cộng sản. Ðức cha cũng mời đoàn chúng tôi tham dự Thánh lễ Giáng sinh tại nhà thờ lớn ở Ðà Nẵng “Ðể các anh thấy tận mắt thấy sinh hoạt Công giáo ở Ðà Nẵng”.

Buổi lễ nửa đêm diễn ra ngoài trời thật trang trọng. Nghị viên Al Hoàng và tôi đều là người Công giáo. Chúng tôi đã choáng ngợp bởi các nghi thức được tiến hành rất đầy đủ và ấn tượng hơn hết, là số lượng giáo dân tham gia thánh lễ đến hơn một nghìn người, rất trang nghiêm và trật tự. Nghị viên Al Hoàng nhận xét, nếu ở Mỹ, một buổi tụ tập đông người như thế này, vấn đề an ninh phải được đặt ra để bảo đảm, không dễ được phép như vậy đâu. Sau khi ở Ðà Nẵng, đoàn chúng tôi còn có cơ hội vào miền nam, thăm gia đình bên vợ của nghị viên Al Hoàng ở là khu xứ đạo Dốc Mơ, Gia Kiệm, tỉnh Ðồng Nai. Ðây là xứ đạo Công giáo nổi tiếng ở Việt Nam. Năm 1954, khoảng 3.000 giáo dân gốc giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm đã di cư về Ðồng Nai, lập nên giáo xứ Dốc Mơ. Thấy đoàn về thăm, có cả người nước ngoài cùng về, nhiều người thân, hàng xóm đến thăm hỏi, chúc mừng sự hội ngộ. Nghị viên gốc Việt Al Hoàng có cơ hội hỏi thăm người thân của mình về đời sống, về sinh hoạt tôn giáo ở xứ đạo, những câu trả lời thành thật, thực tế của bà con về sự ổn định cuộc sống, đã mang lại cho nghị viên Al Hoàng một câu trả lời xác đáng qua thực tiễn về tiền đề “tự do tôn giáo” nơi gia đình anh sinh sống ở trong nước.

Về phần mình, trong những dịp lễ quan trọng của người Công giáo như lễ Giáng sinh (25/12), lễ Phục Sinh (Chủ nhật cuối tháng 3, đầu tháng 4), nếu thu xếp được thời gian, tôi vẫn thường về quê nội và ngoại của mình ở huyện Vụ Bản, thành phố Nam Ðịnh để thăm hỏi người làng. Tôi có những cuộc gặp mặt thân tình với người thân, các giáo hữu bên nội, bên ngoại để tìm hiểu thật sâu về đời sống và sinh hoạt tôn giáo của nhiều hộ gia đình ở đây. Tôi cũng có nhiều dịp tham dự các thánh lễ ngày trọng đại cũng như ngày thường. Nói chung, các tín đồ Công giáo quê tôi, đều tuân thủ phương châm “tốt đời, đẹp đạo”; luôn chấp hành đúng đường lối, chủ trương, chính sách tôn giáo của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Các hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của luật pháp đều được tôn trọng và khuyến khích phát huy. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo và các phong trào thi đua, yêu nước đều được người dân chung tay đóng góp, xây dựng thật hài hòa, trong đó có khá nhiều sự đóng góp của nhiều gia đình xa quê, đang ở nước ngoài.

Ðại gia đình tôi ở Mỹ, năm nào cũng góp tiền cho họ đạo tu sửa nhà thờ, đóng quỹ giúp người khó khăn, hoạn nạn trong giáo họ. Ðồng thời, các sinh hoạt tại vùng quê cũng được tường trình cụ thể qua các phương tiện mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber. Bố tôi đang muốn từ Mỹ về Việt Nam sống tuổi già cuối đời, một phần cũng vì nhớ quê, muốn trở lại nơi ông sinh ra ở Nam Ðịnh, nay đã thành những vùng quê “nông thôn mới” trù phú, đời sống kinh tế được nâng cao đến mức đáng kinh ngạc. Trên những khoảng ruộng xanh ngắt, hình ảnh những chóp thánh giá của vô số những ngôi nhà thờ kiến trúc kiểu Gothic mới mọc lên, hay những ngôi nhà thờ cũ được tôn tạo, sửa sang lại to đẹp hơn trước nhiều lần. Hình ảnh ấy thật vô cùng đẹp và ấn tượng với tôi.

Không riêng ở quê Nam Ðịnh, tôi còn có dịp đi tìm hiểu đời sống tôn giáo ở nhiều địa phương khác, từ vùng cao cho tới miền xuôi, đâu đâu cũng thấy mọi người sống bình an để hành đạo. Tôi đã có dịp sống ở Yên Bái, và dành nhiều thời gian để lên các vùng Tây Bắc, Ðông Bắc. Các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La,… tôi đều đi qua và ghi nhận nhiều hoạt động thể hiện đời sống tâm linh phong phú của bà con.

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, tôi có dịp đi qua Sơn La, được gặp lại Giám mục Châu Thanh Tri, hiện đang là Giám mục cho 9 tỉnh Tây Bắc, quyền quản lý thuộc giáo phận Hưng Hóa. Ðứng bên khu Tòa giám mục đang được chỉnh trang, trùng tu rất lớn, nhiều công trình, công viên, tượng các thánh đang xây dựng, Giám mục Tri cho chúng tôi biết thêm rất nhiều thông tin về đời sống, hoạt động mục vụ của ngài trong hoạt động tôn giáo tại địa phương. “Công giáo nói riêng, là tôn giáo lớn nhất ở Tây Bắc hiện nay, đã thành một phần thiết yếu trong sinh hoạt văn hóa và đời sống tinh thần của cư dân ở đây. Công giáo đã trở thành một thiết chế tạo liên kết chặt chẽ, ổn định, tồn tại xuyên thời gian và các thể chế chính trị” (Theo TS Ngô Quốc Ðông-Viện Nghiên cứu tôn giáo).

Theo điều 24, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Ðiều này cho thấy nếu là một công dân của nước Việt Nam, cho dù theo một tôn giáo nào, vẫn phải thượng tôn pháp luật, và trên hết, vẫn phải đặt lợi ích, an ninh, kỷ cương của quốc gia lên trên hết. Ðối với bà con ta ở nước ngoài, dù cho rời nước ra đi với hoàn cảnh lịch sử nào, cũng cần phải có trách nhiệm và thiện chí với sự ổn định về an ninh, xã hội, chính trị của đất nước, để người dân bình yên trong cuộc sống.

Xét về khía cạnh tự do tôn giáo, tín ngưỡng, theo tôi, hiện nay người dân trong nước được tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi. Nhiều nhà thờ, chùa chiền mới, các khu du lịch tâm linh, được xây dựng. Các lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian cũng được phục hồi, hoạt động sôi nổi. Về Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán, ai cũng phải ngạc nhiên khi thấy người Việt ta đi lễ, hội đông, vui, nhộn nhịp. Có đến hơn 8.500 lễ hội mang tính chất tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức hằng năm. Ðền thờ, chùa, miếu, nhà thờ,… nơi nào cũng đông kín người. Tôi có dịp về Bạc Liêu, đi ngang qua nhà thờ Tắc Sậy, nơi có mộ linh mục Trương Bửu Diệp, tôi ngạc nhiên vì cơ sở tôn giáo này được xây cất, trùng tu, mở rộng liên tục và rất quy mô. Số người tới kính viếng, cầu xin cha ban phước rất đông. Có cả những kiều bào cũng về đây để hành hương, tạ ơn ngài. Những hàng cột có ghép vô số những viên đá tạ ơn, đa số là người cầu ơn ở Mỹ! Những ngôi chùa lớn ở Ninh Bình, Tam Chúc (Hà Nam) mới xây, đạt nhiều kỷ lục trong khu vực Ðông Nam Á đã và đang phục vụ cho nhu cầu du lịch tâm linh của nhiều bà con trong và ngoài nước.

Việt Nam là nước đa tôn giáo với 95% có đời sống tín ngưỡng, có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận với 43 tổ chức tôn giáo, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước với nhiều nghìn cơ sở thờ tự. Vì có nhiều tôn giáo cùng hoạt động chung trên đất nước, Chính phủ Việt Nam đã lập ra Ban Tôn giáo Chính phủ, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo trong phạm vi cả nước. Nhờ có Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, đồng thời bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được hài hòa và đúng luật pháp.

Nếu chỉ đem những giá trị về tự do, tín ngưỡng từ ngoài vào trong nước, mà không phân định, đánh giá kỹ lưỡng về lịch sử, về tình hình đất nước, việc thực thi quyền tự do tôn giáo sẽ không tránh khỏi những nhận định, đánh giá không khách quan, thiếu chính xác, dễ dẫn đến những kết luận sai lạc, ảnh hưởng đến uy tín và thể diện quốc gia trên trường quốc tế. Do đó, việc nhận diện đúng những âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo, lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng để đấu tranh là rất cần thiết, qua đó việc khảo sát sinh hoạt tự do tôn giáo ở Việt Nam cần phải đi, đến tận nơi, lắng nghe, chứng kiến những gì đang diễn ra trong thực tế, mới có được bức tranh toàn cảnh một cách chân thực, chính xác, khách quan và công bằng ■
———————–
(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 17/5/2022.

NGUYỄN QUANG TRƯỜNG (Việt kiều Mỹ)/Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *