BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỌI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước: Bí mật nhà nước (BMNN)  là thông tin có nội dung quan trọng, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ BMNN, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Bảo vệ BMNN là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm BMNN.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2021 trên phạm vi toàn quốc, phát hiện 78 vụ lộ, mất BMNN với 365 tài liệu bị lộ, mất. Các vụ lộ, mất BMNN chủ yếu xảy ra dưới hình thức qua mạng Internet và phương tiện truyền thông (chiếm 78,21%), dưới các dạng: Đăng tải trên website, trang, cổng thông tin điện tử các cơ quan, tổ chức; bị phát tán trên các trang mạng xã hội; bị lộ do sử dụng thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản kết nối Internet để chuyển, nhận BMNN. BMNN bị lộ qua hình thức này thường được lan truyền nhanh, với phạm vi, đối tượng có thể tiếp cận rất rộng nên công tác xử lý, khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc lộ, mất BMNN qua các hình thức khác như: Chiếm đoạt BMNN; sao chụp, cung cấp, chuyển giao trái quy định; truyền hình, phóng sự; đơn thư và làm mất, thất lạc vật chứa BMNN…. BMNN bị lộ, mất qua các hình thức này không phổ biến nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, gây hậu quả ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị.

Ở tỉnh Phú Yên, thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật nhà nước được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan, ban, ngành quan tâm triển khai thực hiện mang lại nhiều hiệu quả tích cực, kiến thức pháp luật về bảo vệ BMNN của cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao. Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác bảo vệ BMNN tại một số cơ quan, tổ chức, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, tồn tại tâm lý chủ quan, chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN; vẫn còn để xảy ra tình trạng truyền đưa BMNN trên mạng Internet, việc soạn thảo văn bản BMNN nhưng không có phiếu đề xuất độ mật, dẫn đến tình trạng văn thư cơ quan gửi văn bản BMNN như văn bản thông thường trên mạng internet; một số cơ quan thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về sao tài liệu có nội dung BMNN. Trang thông tin điện tử của một số sở, ban, ngành, địa phương xây dựng trên nền tảng và hạ tầng kỹ thuật đơn giản, còn nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật dễ bị tin tặc lợi dụng tấn công…vv.

Triển khai các quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, ngày 21/9/2021 Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ký Quyết định số 38/2021/QĐ-UBND ban hành Quy chế bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Tại Quy chế, đã quy định cụ thể, chặt chẽ việc xác định BMNN và độ mật của BMNN; sao chụp tài liệu, vật chứa BMNN; phát hành tài liệu, vật chứa BMNN; bảo vệ BMNN trong sử dụng máy vi tính, thiết bị nhớ ngoài, phương tiện điện tử có tính năng lưu giữ thông tin, tài liệu BMNN; các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ BMNN và các hoạt động bảo vệ BMNN khác. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác bảo vệ BMNN tại cơ quan, tổ chức; xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy bảo vệ BMNN của cơ quan tổ chức…Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành các quy định về bảo vệ BMNN đối với các cơ quan, tổ chức.

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định Chủ tịch UBND các cấp, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Giám đốc Công an tỉnh có thẩm quyền xử phạt về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ BMNN. Các nhóm hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

1. Phạt tiền từ 1.000.000đ đến 3.000.000đ đối với 09 nhóm hành vi: (1) Không ban hành Quy chế, nội quy bảo vệ BMNN tại cơ quan, tổ chức, địa phương theo quy định pháp luật; (2) Sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật; (3) Không thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; (4) Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác mà không được phép của người có thẩm quyền; (5) Không bàn giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu, không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước; (6) Sử dụng bí mật nhà nước không đúng mục đích; (7) Xác định bí mật nhà nước đối với tài liệu không chứa nội dung bí mật nhà nước, đóng dấu chỉ độ mật lên tài liệu không chứa nội dung bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật; (8) Xác định sai độ mật theo quy định của pháp luật; (9) Không xác định, đóng dấu chỉ độ mật bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với 05 nhóm hành vi: (1) Thu thập bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật; (2) Không thực hiện biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả khi để xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước; (3) Không thông báo với cơ quan, người có thẩm quyền khi xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước; (4) Không loại bỏ bí mật nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước; (5) Tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với 05 nhóm hành vi: (1) Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông không đúng quy định của pháp luật; (2) Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình hoặc hình thức khác trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước mà không được phép của người có thẩm quyền; (3) Làm sai lệch, hư hỏng tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; (4) Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật; (5) Vào địa điểm lưu giữ, bảo quản bí mật nhà nước hoặc quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm lưu giữ, bảo quản bí mật nhà nước mà không được phép của người có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với 03 nhóm hành vi (1) Làm lộ bí mật nhà nước, làm mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (2) Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông không đúng quy định của pháp luật; (3)Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông không đúng quy định của pháp luật.

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định 02 Điều về các tội danh liên quan đến bí mật nhà nước, cụ thể:

Điều 337: Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ, các hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 15 năm.

Điều 338: Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ, các hành vivô ý làm lộ bí mật nhà nước, làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước có thể bị phạt từ cải tạo không giam giữ đến phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Bảo vệ BMNN là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mọi hành vi vi phạm quy định về bảo vệ BMNN sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Như Lê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.