Một nhà bình luận “đại tài” về những hành vi rởm đời
Trong hơn một năm cả nước chống đại dịch covid-19 và nhất là làn sóng dịch lần thứ 4 này, bằng những gì thấy được và qua thông tin đại chúng, chúng ta đã ghi nhận được nhiều hình ảnh, hành động đẹp không chỉ của cá nhân mà của các tập thể và toàn xã hội chung tay, góp phần khống chế và chiến thắng dịch bệnh. Tuy nhiên đâu đó vẫn có những cá nhân đơn lẻ, với những hành động đáng xấu hổ làm ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch bệnh và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Xin được kể ra đây vài hành vi, vụ việc.
Đầu tiên phải kể đến hành vi trốn chốt kiểm soát y tế. Đây là một hành vi nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ vùng này sang vùng khác, khiến công sức của tất cả mọi người trong việc khoanh vùng dịch bệnh đổ xuống sông xuống bể, đe dọa sức khỏe và tính mạng của nhiều người.
Hành vi đầu cơ tăng giá cố tình lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân về nhu yếu phẩm trong mùa dịch để mưu lợi cá nhân. Đây là hành động phải lên án và có chế phài sử lý thích hợp vì kiếm lợi trên tính mạng và sức khỏe của cộng đồng.
Hay trong video vụ xử lý vi phạm hành chính theo Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, do chính ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang quay, vị phó này cho rằng “Bánh mỳ không phải là lương thực, thực phẩm”. Thật ấu trĩ khi “diễn giải chính sách”. Từ khóa “bánh mỳ” ngay lập tức gây cười và mếu cho cộng đồng. May thay, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND TP. Nha trang đã nhanh chóng công khai thư xin lỗi và nhận trách nhiệm trong sai phạm của thuộc cấp. Đó là một hành động đúng đắn, kịp thời và đàng hoàng. Sai thì nhân, nhận và sửa, dứt khoát và thẳng thắn.
Gần đây là vụ việc, một á hậu doanh nhân khoe được tiêm vaccine covid-19, nhờ “người anh” là sếp ở bệnh viện Xanh Pôn và vụ việc cô cựu hoa khôi nhờ “ông ngoại” can thiệp. Thật ra, việc cô á hậu doanh nhân được tiêm vaccine tại bệnh viện Xanh Pôn cũng không có gì đáng bàn cãi. Theo thông tin từ TS.Bác sỹ Tùng, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: “Cô N. là cộng tác viên của Trung tâm, thường xuyên quảng bá cho Trung tâm. Do các cộng tác viên thường xuyên qua lại với Trung tâm, nguy cơ lây nhiễm cao trong thời điểm dịch này nên chúng tôi phải lập danh sách tiêm chủng”. Cái đáng nói là ngay sau khi tiêm, cô lập tức “khoe” trên trang cá nhân, nhờ có “người anh vừa tài giỏi vừa xuất chúng, khả năng lãnh đạo siêu phàm mà có tấm lòng nhân ái…” (Thú thật, nếu tôi là bác sỹ Tùng thì chắc cũng muốn độn thổ khi đươc “cô em” khen thế này. Ở công ty tôi cũng có một “cậu em” cũng hay khen sếp như thế). Thế mới biết, khen nhau cũng cần có văn hóa, “khen nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Bản chất vấn đề ở đây là cô không khen “người anh” mà cô đang khen chính mình, mình là gì, mình là ai mới có được “người anh” như vậy và rằng “mình đã tiêm rồi đấy nhé, mà lại ở nơi sang trọng, cách cũng sang trọng! Thật là hợm hĩnh, vớ vẩn. Đúng là vạ từ miệng mà ra.
Việc cô hoa khôi Vũ Phương A, thì lằng ngoằng hơn, cô này không thuộc diện tiêm chủng tại bệnh viện Hữu Nghị, nhưng có ông bố (mà cô gọi là “ông ngoại” thay con- kiểu chân quê) là thầy giáo dạy ở Học viện Quân Y, ông này nhờ một học trò cũ là bác sỹ ở bênh viện Hữu Nghị nhờ đăng ký tiêm chủng. Thế là, một hôm đẹp trời đến với cô, người đã đăng ký được mời tiêm nhưng không đến, hoặc đến nhưng không đủ sức khỏe để tiêm nên đã dư ra vài liều vaccine. Họ gọi cô đến tiêm, rồi cô chụp ảnh, viết lên trang cá nhân không chỉ để tự sướng mà còn cho cả thiên hạ biết … mình rất sướng. Cũng như cô á hậu ở vụ Xanh Pôn, cô này chết vì thói hợm hĩnh, rởm đời của mình. Vẫn là vạ từ miệng…
Các câu chuyện có lẽ đã được khép lại, hai kẻ hợm hĩnh này đã lên tiếng xin lỗi dư luận và các cơ quan chức năng đã vào cuộc để chấn chỉnh việc tiêm vaccine. Nhưng với đám kền kền chuyên săn xác thối thì câu chuyện có vẻ như chưa kết thúc. Một con kền kền chính hiệu bên kia bờ Thái Bình Dương, có tên là Trân Văn đã nhanh nhảu nhảy vào: “Tiếp tục câu chuyện dài “ông ngoại” Pfizer” và kêu gọi mọi người “Nào ta cùng hóng” rồi tung tóe trên mạng xã hội nhằm câu view.
Sau khi viện dẫn đánh giá từ các “thân hữu”, ông Trân Văn cho rằng: “Kết luận của thanh tra là “khinh dân” và “khinh cả Thủ tướng”! Không biết nên cười hay mếu với ông đây. Có ai khinh ai đâu, chỉ là những hành vi, lời nói rởm đời của hai người đẹp thôi. Các cơ quan chức năng đã làm rõ câu chuyện này. Và hôm nay, ở nơi tôi đang sinh sống, các ông, bà tổ trưởng tổ dân phố đã đến tận nhà để mời bà con đăng ký đi tiêm, trong đợt tiêm chủng vaccine ngừa covid-19 lớn nhất từ trước đến nay. Thế mới biết, nhà biên tập viên kỳ cựu cho nhiều tờ báo hải ngoại Trân Văn có năng lực siêu phàm, một con gà rụng có mấy cái lông, nhưng qua ngòi bút và sự biên tập của ông nó đã biến thành con gà trần trụi, không còn sợi lông nào. Tài!
Như phần trên đã nói, trong công tác chống đại dịch covid-19, đã có những cá nhân đơn lẻ với những hành động đáng xấu hổ cần lên án, nhưng có lẽ nó chưa là gì so với hành vi phá hoại, tung tin gây hoang mang dư luận, từ đó kích động người dân có hành động quá khích, gây tâm lý hoang mang cho người dân trong mùa dịch bệnh và đặc biệt là khiến lung lay lòng tin của nhân dân đối với lãnh đạo các cấp trong công cuộc chống dịch.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần trước đã phải liên tục nhấn mạnh tin giả “đang giết người” khi người Mỹ đương đầu với cuộc chiến chống dịch covid-19. Cùng lúc đó, thế giới cũng đã xuất hiện nhiều cảnh báo rằng tin giả có thể “đổ thêm dầu vào lửa”, làm đại dịch covid-19 trở nên nghiêm trọng và khó đối phó hơn. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác trước “đại dịch tin giả, tin phiến diện” của những kẻ chống phá và các “nhà dân chủ tào lao” kiểu Trân Văn.
(HSV)